menu search
Đóng menu
Đóng

Ba giải pháp để hạn chế hiện tượng ép giá gạo Việt Nam

09:18 11/06/2012
Mặc dù trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã được thành lập hồi đầu năm nhằm tăng cường hợp tác mua bán gạo, nhưng các thương nhân Trung Quốc vẫn có thể dùng cùng một cách như với dứa, khoai lang... để ép giá gạo.

Mặc dù trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã được thành lập hồi đầu năm nhằm tăng cường hợp tác mua bán gạo, nhưng các thương nhân Trung Quốc vẫn có thể dùng cùng một cách như với dứa, khoai lang... để ép giá gạo.

Đầu tiên thương nhân Trung Quốc thao túng thị trường bằng cách thu mua ồ ạt để làm giá tăng (thường là theo đường tiểu ngạch). Sau khi đã nhận một phần, việc mua gạo sẽ được “hạn chế một cách tối đa” bằng cách dừng mua đột ngột hoặc dùng các hàng rào kỹ thuật để từ chối nhận hàng, khiến giá giảm nhanh chóng. Sau đó, họ lại bất ngờ mua trở lại và ép giá.

Trước đây, họ từng yêu cầu nông dân Việt Nam trộn bùn, phân lân vào chè khô để làm tăng khối lượng rồi sau đó chính quyền họ “tố” sản phẩm này của Việt Nam không an toàn.

Bên cạnh các thiệt hại trực tiếp cho người nông dân thì sự việc lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều, vì ảnh hưởng tới uy tín và khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam do thương nhân Trung Quốc còn yêu cầu người bán gạo trộn gạo trắng với gạo thơm để họ gian lận. Việc làm này mang lại lợi ích rất lớn cho thương nhân Trung Quốc, nhưng gây thiệt hại nặng nề cho uy tín và khả năng cạnh tranh của cả ngành xuất khẩu gạo Việt Nam (trước đây họ từng yêu cầu nông dân Việt Nam trộn bùn, phân lân vào chè khô để làm tăng khối lượng rồi sau đó chính quyền họ “tố” sản phẩm này của Việt Nam không an toàn).

Trong bối cảnh chúng ta không có hợp đồng ở hai thị trường quan trọng là Indonesia và Bangladesh, việc xuất khẩu càng khó khăn hơn khi bị cạnh tranh từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan… nên phía Trung Quốc mới có thể tận dụng cơ hội để ép giá và đưa ra các yêu cầu tiếp tay cho họ gian lận. Nếu chúng ta tiếp tục mất uy tín và mất thị trường rồi bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thì sẽ hoàn toàn không có khả năng chống lại việc thao túng và ép giá trong thời gian tới.

Nhìn vào cách thức mà các thương nhân Trung Quốc đã làm thì có ba biện pháp Việt Nam cần thực hiện để hạn chế tác động tiêu cực từ hành động thao túng này.

Đầu tiên là hạn chế xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và yêu cầu ký kết hợp đồng với các điều kiện thoả thuận giá cả và chuyển sang L/C chính ngạch, mặc dù biện pháp này rất khó thực hiện do đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam và truyền thống buôn bán giữa hai nước. Nên có các cơ chế ràng buộc mua gạo như phải trả trước một phần, trả tiền theo số lượng đã giao, đền bù hợp đồng khi không mua...

Thứ hai, trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc cần yêu cầu đăng ký và quản lý danh sách những doanh nghiệp Trung Quốc ký kết hợp đồng mua gạo. Hơn nữa, cần theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và giám sát, xử phạt nặng nông dân, doanh nghiệp trộn gạo hay tiếp tay cho các thương nhân Trung Quốc gian lận.

Thứ ba, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần mở rộng hợp tác với người dân và đóng vai trò liên kết các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay không chỉ trong một vài sản phẩm mà liên tục với nhiều sản phẩm, khiến chúng ta phải thận trọng và suy nghĩ kỹ hơn về chiến lược phát triển lâu dài của xuất khẩu nông sản. Trong khi Việt Nam vẫn không thể hiểu được động cơ thực sự và chỉ đoán rằng đây có thể chỉ là hành động vì lợi ích kinh tế của một nhóm thương nhân, thì trường hợp của Philippines đã chứng tỏ rằng Trung Quốc có thể sử dụng kinh tế như công cụ để chèn ép các nước có tranh chấp với mình. Sự việc lần này là một lời cảnh báo thực tế nữa cho Việt Nam.

(SGTT)

Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn