menu search
Đóng menu
Đóng

Bánh kẹo nội tăng giá 10 - 15% so với Tết năm ngoái

17:03 09/01/2009
Theo các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (khoảng 40-50%) nhưng các công ty sản xuất bánh kẹo trong nước chỉ điều chỉnh giá bán trong dịp Tết Kỷ Sửu tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái.
Sự kiện hàng loạt các nhãn mác bánh ngoại nhập có nhiễm melamine trong thời gian vừa qua phần nào đã tạo lợi thế cho các loại bánh kẹo nội trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, người mua vẫn khá dè dặt.
Bánh kẹo nội đa dạng chủng loại, mẫu mã
Công ty Kinh đô năm nay dự kiến đưa ra thị trường khoảng 25 triệu hộp sản phẩm bánh kẹo các loại phục vụ người tiêu dùng, tăng 15% so với Tết Mậu Tý. Năm nay, Kinh Đô đẩy mạnh khai thác phân khúc sản phẩm cao cấp, sản lượng của loại bánh này tăng gấp 2 lần so với dịp tết năm ngoái, tương đương 1 triệu hộp sản phẩm.
Cùng với Kinh Đô, Bibica dự kiến đưa ra thị trường 4.500 tấn bánh kẹo, Hải Hà - Kotobuki cũng đã chuẩn bị trên 1.000 tấn bánh mứt kẹo các loại, tăng 20% so với Tết Mậu Tý.  
Ngoài việc tăng sản lượng các loại bánh, các công ty còn tập trung vào việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Kinh Đô, trong mùa kinh doanh bánh kẹo Tết năm nay, tung ra khoảng 30 sản phẩm mới gồm bánh cookies, bánh crackers, bánh quế, kẹo và chocolate, trong đó điểm nhấn là dòng sản phẩm cookies thượng hạng Korento, dòng sản phẩm Share và dòng sản phẩm quà biếu tết.
Bibica tung ra khoảng 20 mẫu sản phẩm mới với mức giá từ 25.000-110.000 đ/hộp. Hải Hà - Kotobuki cũng tung ra thị trường hơn 10 mẫu mã mới, trong đó phải kể đến các sản phẩm kẹo Chew nhân nho đen, khoai môn, cà phê..., các loại kẹo hộp, đặc biệt là sản phẩm bánh cookies sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
Về mặt giá cả, phần lớn các loại bánh kẹo đều tăng giá so với năm 2008 với mức tăng trung bình từ 10-15%. Nguyên nhân được các nhà sản xuất lý giải là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cùng với sự biến động chung của thị trường.
Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng 40-50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với mong muốn mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, Kinh Đô chỉ điều chỉnh giá sản phẩm tăng khoảng 10-15%. Bên cạnh đó, Kinh Đô đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt là tại các tỉnh thành với hơn 200 nhà phân phối và 100.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Hàng Trung Quốc không còn chỗ đứng
Sau những vụ bê bối liên tiếp của thực phẩm Trung Quốc, người tiêu dùng Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới rất e dè trước hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại nhiều chợ, hàng hóa mang nhãn mác Trung Quốc đã không còn chỗ đứng.
Được biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo các Tập đoàn, TCT, công ty sản xuất và kinh doanh chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng để thực hiện đúng tiến độ sản xuất, dự trữ, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các loại thực phẩm chế biến và hàng công nghệ phẩm), không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ cũng khuyến khích các DN thực hiện chính sách bán hàng khuyến mại, giảm giá bán và áp dụng các dịch vụ bán hàng trước và sau tết nhằm phục vụ tốt người tiêu dùng.

Nguồn:Thời báo kinh tế Việt nam