menu search
Đóng menu
Đóng

Cần nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo

08:58 24/10/2014
Hơn 20 năm XK gạo nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng thị trường XK chiến lược.

Hơn 20 năm XK gạo nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng thị trường XK chiến lược.

Đó là nội dung được nêu tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, do Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Liên minh nông nghiệp) tổ chức sáng 21-10, tại Hà Nội.

Gạo Việt Nam có giá thấp nhất...

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VERP) Việt Nam cho biết: Việt Nam có bề dày XK gạo nên thị trường XK rất đa dạng. Hiện nay, thị trường XK chính của Việt Nam là châu Á (chiếm 59%) và châu Phi (chiếm 24%). Trong những năm gần đây, tỉ trọng các hợp đồng Chính phủ (G2G) có xu hướng giảm dần.

Năm 2007, tỷ trọng hợp đồng G2G chiếm 70% trong lượng gạo XK của Việt Nam. Tỷ lệ này giảm xuống còn 42,7% năm 2009 và đến năm 2012, 2013 chỉ còn chưa đến 20%. Tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao XK của Việt Nam đang ngày càng gia tăng.

Cùng một chủng loại gạo nhưng gạo Thái Lan thường có giá cao nhất và gạo Việt Nam có giá thấp nhất. Chẳng hạn cùng là gạo hạt dài chất lượng cao, nhưng của Thái Lan vào tháng 7-2012 có giá 592 USD/tấn, trong khi đó của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 1.025 USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, điểm đáng lưu ý nhất là cho đến nay Việt Nam vẫn chỉ đang trong giai đoạn xây dựng thị trường XK gạo chiến lược, bởi các thị trường NK gạo Việt Nam còn thiếu ổn định và có sự dao động khá mạnh. Đơn cử như năm 2010, Philippines NK 32% tổng kim ngạch gạo XK của Việt Nam nhưng tới năm 2013, con số đó chỉ còn dưới 10%.

Còn đối với thị trường Trung Quốc, kim ngạch NK gạo từ Việt Nam lại liên tục tăng trong giai đoạn 2010-2013. Đến nay, có thể khẳng định, có tới 40% gạo Việt Nam XK sang Trung Quốc nhưng chủ yếu XK qua lối tiểu ngạch.

Tạo thêm tầng nấc

Theo một số chuyên gia, chính sách XK lúa gạo hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Điển hình là một số quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP.

Theo Nghị định 109, DN muốn kinh doanh XK gạo phải đảm bảo ít nhất hai điều kiện cần là có ít nhất một kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa XK hoặc có cảng biển XK thóc, gạo.

Hệ quả của chính sách là tập trung XK gạo vào một số DN lớn, loại bỏ các DN nhỏ vì khó đáp ứng được điều kiện trên. Tuy nhiên, chính sách không đạt được mục tiêu liên kết nhà XK với nông dân mà vô hình trung tạo ra thêm một tầng lớp nữa giữa nông dân và các DN XK, đó là các DN thu gom cho nhà XK.

Việc tập trung XK vào một số ít DN khiến các DN lớn có xu hướng tìm kiếm các thị trường XK các lô lớn các loại gạo có chất lượng thấp với giá rẻ thay vì tìm kiếm XK tại các thị trường ngách có chất lượng cao, với giá bán cao hơn.

“Chính sách này cũng gây khó khăn cho DN nhỏ có liên kết với nông dân để sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, đặc sản địa phương, có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính tranh cao nhưng lại không thể trực tiếp XK do không đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống xay xát (chủ yếu vì quy mô không cho phép sở hữu các công đoạn đó)”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Để đảm bảo hiệu quả cũng như sự công bằng trong XK gạo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nới lỏng điều kiện trở thành DN XK gạo quy định tại Nghị định 109. Các điều kiện hiện nay không khiến cho gạo của Việt Nam có chất lượng tốt hơn hoặc giá cao hơn, mà chỉ khiến cho DN XK gạo có thêm quyền lực để áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác và nông dân.

Đặc biệt đối với loại gạo đặc sản (thường có sản lượng không lớn nhưng có lợi nhuận và tính cạnh tranh cao), nên được tạo điều kiện XK theo những điều kiện ưu tiên riêng (DN XK không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành trong Nghị định 109)…

Dự báo, nguồn cung lúa gạo trên thế giới ngày càng tăng do năng suất tăng cao mà nhu cầu lại có xu hướng ổn định, thậm chí giảm sút. Như vậy, giá XK sẽ dao động rất mạnh. Việt Nam coi XK gạo như một chiến lược nhiều năm để phát triển thương mại và phát triển kinh tế đất nước. Do đó, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối diện với thị trường dao động mạnh về giá và có nhiều rủi ro.

Nguồn: Báo Hải quan

 

Nguồn:Hải quan Việt Nam