menu search
Đóng menu
Đóng

Danh sách 10 công ty đầu tiên chính thức giao dịch trên UPCoM ngày 24/6/2009

15:44 22/06/2009
Trong số 22 công ty đăng ký, hiện có 10 công ty đã lưu ký chứng khoán để chính thức giao dịch trên UpCoM vào ngày 24/06/2009.

Tổng quan về thị trường UpCoM

Trước đó, đã có 22 công ty được chấp thuận niêm yết trên UpCoM. Tuy nhiên hiện nay, trung tâm lưu ký chứng khoán mới chính thức lưu ký cổ phiếu của 10 công ty từ ngày 18/06/2009 và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố danh sách 10 công ty đầu tiên chính thức giao dịch trên thị trường này ngày 24/06/2009.

Tên công ty

Mã niêm yết

Số lượng niêm yết

(cổ phiếu)

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

CTCP Chứng khoán Chợ Lớn

CLS

9.000.000

90

CTCP Chứng khoán Rồng Việt

VDS

33.000.000

330

CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương

APS

26.000.000

260

CTCP Chứng khoán SME

SME

15.000.000

150

CTCP Chứng khoán Tràng An

TAS

13.900.000

139

CTCP Trường Phú

TGP

10.000.000

100

CTCP Dược phẩm Phong Phú

PPP

22.000.000

22

CTCP Cafico Việt Nam

CFC

1.629.120

16,29

CTCP Tập đoàn HIPT

HIG

9.609.062

150,62

CTCP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng

DDN

2.800.000

28

Như vậy, sau 6 tháng ráo riết chuẩn bị, ngày 24/06/2009 tới, sàn UpCoM sẽ chính thức đi vào hoạt động với 79 công ty chứng khoán tham gia làm thành viên. Các công ty chứng khoán này đóng vai trò nhà tạo lập thị trường khi được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên dưới hình thức tự doanh.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên tham gia thị trường, UBCKNN đã chỉ đạo HaSTC không thu phí thành viên UPCoM và phí đăng ký giao dịch. Các mức phí liên quan đến giao dịch trên thị trường UPCoM sẽ được quy định thấp hơn so với thị trường niêm yết.

Giao dịch trên thị trường UpCoM chủ yếu là giao dịch thỏa thuận, theo hai hình thức là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường. Giao dịch điện tử là các lệnh của nhà đầu tư được chuyển vào hệ thống, sau đó hệ thống tự động tìm các lệnh đối ứng để khớp lệnh. Còn giao dịch thông thường sẽ là hai nhà đầu tư tự thỏa thuận giá với nhau, sau đó thông báo với công ty chứng khoán để nhập lệnh vào hệ thống.

UPCoM có chỉ số tổng hợp, được công bố tương tự như VN-Index, HASTC-Index. Trên UPCoM, biên độ giao động giá là +/- 10% (trong khi tại sàn Hà Nội là +/- 7%, sàn TPHCM là +/-5%).

Chứng khoán sau khi mua bán thì được thanh toán theo phương thức T+3, (nghĩa là 3 ngày sau khi giao dịch thì chứng khoán hay tiền mặt sẽ về đến tài khoản của khách hàng).

Giá tham chiếu trên sàn UPCoM là bình quân gia quyền giao dịch thỏa thuận điện tử của ngày giao dịch gần nhất.

Thời gian giao dịch của UPCoM là cả hai buổi các ngày làm việc trong tuần. Buổi sáng từ 10 giờ đến 11 giờ 30 phút và buổi chiều là từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ.

Nhà đầu tư tại UPCoM có thể đặt lệnh mua bán số cổ phiếu lẻ, chứ không nhất thiết tuân thủ quy định về lô giao dịch như sàn chứng khoán tập trung.

Quy định đối với các thành viên lưu ký

Ngày 18/6/2009, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLK) đã có công văn số 1633/TTLK-LK gửi các Thành viên lưu ký (TVLK) thông báo một số nội dung liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ như sau:

TVLK phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán bù trừ tách biệt với tài khoản thanh toán bù trừ của thị trường niêm yết tại Ngân hàng chỉ định thanh toán để thanh toán cho các giao dịch trên thị trường UPCoM trước ngày 24/6/2009.

Việc thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo kết quả bù trừ đa phương với ngày thanh toán là ngày làm việc thứ 3 sau ngày giao dịch (T+3).

Đối với các trường hợp sau khi TTLK thực hiện huỷ giao dịch lỗi, lập các báo cáo thanh toán bù trừ điều chỉnh sẽ dẫn đến thành viên liên quan không đủ tiền trên tài khoản để thanh toán, TTLK đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho phép sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán (HTTT) để hỗ trợ tiền thanh toán cho thành viên tạm thời bị thiếu tiền thanh toán. Quy định về sử dụng Quỹ HTTT cụ thể như sau:

Thành viên có giao dịch bị huỷ sẽ phải trả lãi vay Quỹ HTTT thay cho Thành viên liên quan được hỗ trợ trong thời hạn vay 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán (T+3). Thành viên liên quan được hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả số tiền được nhận hỗ trợ vào ngày làm việc tiếp theo (T+4).

Trường hợp thành viên liên quan được hỗ trợ không thực hiện hoàn trả Quỹ HTTT đúng hạn thì thành viên này phải trả lãi cho những ngày vay Quỹ HTTT tiếp theo. Lãi tiền vay Quỹ HTTT thực hiện theo quy định hiện hành.

Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) - đơn vị quản lý sàn UPCoM, đã tập huấn cho công ty đại chúng, các công ty chứng khoán và nhà đầu tư về cách thức giao dịch cũng như các quy định trên thị trường này.

(CafeF)

Nguồn:Vinanet