menu search
Đóng menu
Đóng

Dệt may Việt Nam: Nhắm “Top 5” thế giới

16:30 08/08/2008
Lấy XK làm mục tiêu phát triển bên cạnh phát triển tối đa thị trường nội địa, dệt may Việt Nam đang “nhắm” vào đích quan trọng nhất là lọt vào Top 5 nước phát triển dệt may trên thế giới vào năm 2015, thay cho vị trí Top 10 hiện nay.
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành dệt may sẽ phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Trong giai đoạn 2008-2010, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 16-18 %/năm, xuất khẩu tăng 20 %/năm. Giai đoạn 2011-2020, tăng sản lượng từ 12-14%, xuất khẩu tăng 15%. Doanh thu toàn ngành sẽ đạt khoảng 14,8 tỷ USD vào năm 2010; 22,5 tỷ USD vào năm 2015 và 31 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức lớn cần nỗ lực vượt qua.
Điểm yếu hiện hữu
Theo các chuyên gia, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể, trong đó có sự cố gắng rất lớn của các DN, sự trợ giúp của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhưng nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì ngành dệt may Việt Nam vẫn còn những điểm yếu đang hiện hữu. Đó là hầu hết nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành dệt may còn rất thấp, phần gia công còn cao (khoảng 65%). Một vấn đề nữa là đa số các DN Việt Nam vẫn làm hàng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. May xuất khẩu phần lớn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu mốt còn kém, tỷ lệ làm hàng FOB thấp, hiệu quả chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu.
Về con người, mặc dù Việt Nam có đội ngũ lao động dồi dào, có kỷ luật, có tay nghề nhưng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật lại rất  thiếu, đặc biệt là thiếu những giám đốc, doanh nhân giỏi.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều DN dệt may đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân cục bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Mối quan hệ lao động, tiền lương đang diễn biến phức tạp, thiếu lao động trung cao cấp về công nghệ, thương mại và quản trị. Điểm yếu cuối cùng là khả năng cạnh tranh: Tính thời trang, nhanh nhạy của thị trường dệt may, giá cả...  nên khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam bất lợi so các cường quốc xuất khẩu hàng dệt may khác. Đặc biệt là những nước có nền công nghiệp dệt may phát triển như: Trung Quốc, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh...              
Cải thiện nguồn nhân lực
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để thực hiện được chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay từ bây giờ ngành dệt may phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề lao động đang là nỗi lo lớn của ngành dệt may. Thời gian qua, do lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống công nhân ngành may vốn có mức lương thấp so với một số ngành nghề khác, vì thế, biến động lao động thường xuyên xảy ra do tranh chấp nhu cầu và thu nhập giữa các DN trong ngành và giữa DN dệt may với các ngành nghề khác. Do đó, để đạt hiệu quả cao hơn ngoài việc tổ chức chuyền hợp lý, các doanh nghiệp trong nước cần phải rà soát chọn những đơn hàng có giá cao, đơn giản và ít chi tiết để ký hợp đồng. Song song đó là việc thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm đối với đối tác, cộng đồng thì lợi nhuận đem lại sẽ cao hơn.
Hiện nay, cùng với rất nhiều chuơng trình khác nhằm "tăng tốc" phát triển đang được ngành dệt may thực hiện, ngành dệt may cũng đã có chương trình đạo tạo "thầy hay, thợ giỏi", đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2007-2010 đào tạo cán bộ quản lý cao cấp 3.000 người, cán bộ marketing và tài chính 8.000 người, cán bộ công nghệ và thiết kế 8.000 người, công nhân kỹ thuật 270.000 người; Giai đoạn 2011-2015 đào tạo cán bộ quản lý cao cấp 4.300 người, cán bộ marketing và tài chính 11.000 người, cán bộ công nghệ và thiết kế 12.000 người, công nhân kỹ thuật 360.000 người; Giai đoạn 2016-2020 đào tạo cán bộ quản lý cao cấp 4.800 người, cán bộ marketing và tài chính 12.500 người, cán bộ công nghệ và thiết kế 130.000 người, công nhân kỹ thuật 430.000 người. Đây sẽ là đội ngũ nhân lực bổ sung cho những thiếu hụt hiện nay.

Nguồn:Diễn đàn doanh nghiệp