menu search
Đóng menu
Đóng

Dự báo giá hàng dệt may thế giới sẽ tăng trong năm nay

16:12 13/06/2008
             Thời gian vừa qua, thị trường dệt may thế giới gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của kinh tế Mỹ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới này suy yếu làm cho nhu cầu giảm song nhiều triển vọng sẽ tăng trong dài hạn. Bên cạnh đó, đồng USD giảm giá so với rổ tiền tệ ở những nước xuất khẩu như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ … cũng làm cho giá sản phẩm trở nên đắt hơn.
             Tại Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh so với đồng USD cộng với chính sách hoàn thuế xuất khẩu bị dỡ bỏ đã làm tăng chi phí sản xuất khiến giá thành sản phẩm cao, làm cho cho xuất khẩu của ngành dệt may nước này sụt giảm rõ rệt. Tính từ đầu năm đến nay, giá hàng dệt may của Trung Quốc đã tăng đáng kể, thậm chí nhiều nhà máy tăng giá sản phẩm tới 15-25%. Nhiều khách hàng của họ, trong đó đáng chú ý là khách hàng đến từ Mỹ đã yêu cầu hoãn thanh toán vì những thiệt hại do đồng NDT tăng giá so với đồng USD mà họ phải gánh chịu là quá lớn.
              Trong hội chợ Xuất nhập khẩu lần thứ 103 của Trung Quốc (Hội chợ Canton), được tổ chức tại Quảng Châu vào cuối tháng 4 vừa qua, hàng dệt may xuất khẩu được ký hợp đồng xuất sang Mỹ đã giảm 25,49% so với hội chợ trước (được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái) - mức giảm lớn nhất trong số các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc. Đứng trước tình hình trên, nhiều nhà xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đang tìm cách mở rộng thị phần tại một số thị trường khác như EU và Nam Mỹ.
            Ở Việt Nam, hoạt động xuất khẩu hàng dệt may đã có nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ khi các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu thời gian qua tăng cả lượng lẫn giá. Tuy nhiên ngành cũng gặp không ít khó khăn khi VND tăng giá và ngành đang phải đối mặt với việc điều tra chống bán phá giá ở một số thị trường. Mới đây nhất là hồi đầu tháng, khi Tổng vụ Chống bán phá giá trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ thông báo sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối vải sợi polyeste, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất dệt, may mặc gia đình, và lĩnh vực dệt công nghiệp khác mang mã số HS:5402.47 của Việt Nam.
            Trong khi đó ở Bănglađét, ngành dệt may nước này lại hi vọng sẽ tăng gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu dệt may lên 25 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhằm tranh thủ thời gian Trung Quốc và Ấn Độ - hai đối thủ cạnh tranh chính về xuất khẩu dệt may - đang phải đối phó với những khó khăn do đồng nội tệ tăng giá. Kể từ đầu năm 2007 đến nay, đồng Taka của Bangladesh nhìn chung khá ổn định so với USD khi dao động ở mức 68,5 Taka ăn 1 USD. Trong khi đó, đồng NDT của Trung Quốc cùng thời điểm này đã tăng 8,6% so với USD và Rupee của Ấn Độ tăng trên 2%. 
            Ngoài vấn đề đồng USD mất giá và kinh tế Mỹ khủng hoảng, tình tạng lạm phát cũng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, giá cả hàng hoá tăng cao ở hầu hết các nơi khiến người ta phải cắt giảm chi tiêu cũng có thể khiến nhu cầu hàng may mặc sẽ sụt giảm trong năm nay.
Nhu cầu hàng dệt may có thể giảm, song giá bông – nguyên liệu để sản xuất hàng dệt may -  được dự đoán sẽ tăng do hạn hán và diện tích bị thu hẹp. Uzbekistan, một trong những nước xuất khẩu bông hàng đầu thế giới, dự đoán sẽ thu hoạch 3,6 triệu tấn bông thô trong năm 2008, giảm so với mức 3,65 triệu tấn năm ngoái. Còn Ấn Độ, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu bông thứ hai thế giới sau Trung Quốc cũng dự đoán sẽ đạt sản lượng bông 5,34 triệu tấn trong năm nay, so với 4,76 triệu tấn của năm ngoái. Tuy nhiên sản lượng của Mỹ năm nay sẽ giảm mạnh còn 4,14 triệu tấn trong vụ này và xuống 3,19 triệu tấn trong vụ sau do nông dân chuyển sang trồng các cây nông nghiệp khác như ngô. Sản lượng bông của Trung Quốc năm nay được dự đoán ở mức 7,62 triệu tấn, thấp hơn so với 7,72 triệu tấn của năm ngoái.
           Sản lượng giảm trong khi tiêu thụ dù giảm song vẫn ở mức cao và giá bông tăng có thể sẽ đẩy giá hàng dệt may tăng cao trong thời gian tới.
           Ở Trung Quốc, nơi hàng dệt may chiếm 37% thị phần toàn cầu, các công ty dệt may đều khẳng định họ sẽ phải tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không thể hạ giá để thu hút khách hàng. Hiện tại, nhiều công ty của nước này đã quyết định tăng giá bán cho các đơn hàng giao những tháng cuối năm lên 10%. Còn tại Thái Lan, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Dej Pathanasethpong, trong 5 năm qua nước này đã không tăng giá bán do tình hình cạnh tranh gay gắt đặc biệt là từ Trung Quốc. Song với tình hình hiện nay, giá cả hàng hoá leo thang từng ngày trong khi Trung Quốc đã quyết định tăng giá bán thì các doanh nghiệp Thái Lan nhiều khả năng sẽ tăng giá bán các đơn hàng cuối năm nay lên 3-4%.
 

Nguồn:Vinanet