menu search
Đóng menu
Đóng

Dự báo thị trường nhôm châu Âu năm 2010

09:27 24/02/2010
Giá nhôm tăng trong năm 2010 có thể sẽ không đủ để kìm hãm đà sụt giảm sản lượng nhôm tại châu Âu do các nhà sản xuất dịch chuyển nhà máy đến Trung Đông nơi có giá điện rẻ hơn.

(Vinanet) Giá nhôm tăng trong năm 2010 có thể sẽ không đủ để kìm hãm đà sụt giảm sản lượng nhôm tại châu Âu do các nhà sản xuất dịch chuyển nhà máy đến Trung Đông nơi có giá điện rẻ hơn.

Các công ty đóng cửa

Theo Hiệp hội Nhôm châu Âu (EAA), khoảng một nửa các nhà máy đang hoạt động trong khu vực có thể đóng cửa vào cuối năm nay và 2/3 các nhà máy sẽ dần cắt giảm sản lượng đến năm 2013. Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ phải lệ thụôc nhiều hơn vào nhập khẩu nhôm khiến chi phí sản xuất các sản phẩm nhôm, như khung cửa, tăng lên.

Hiện châu Âu là khu vực sản xuất nhôm lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Bắc Mỹ và Nga. Năm 1940 khu vực này giữ vị trí số 1 khi đáp ứng tới 1 nửa tổng nhu cầu nhôm trên toàn thế giới.

Tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới, Alcoa Inc., hồi cuối năm ngoái cho biết sẽ cho đóng cửa hai lò nấu ở Italia và xây dựng một khu liên hiệp sản xuất nhôm trị giá 10,8 tỷ USD tại Ả rập Xê út vào năm 2013.

Công ty Norsk Hydro ASA của Nauy – nhà sản xuất nhôm lớn thứ 3 ở châu Âu, cũng cho biết công ty này có thể sẽ đóng cửa một lò nấu nhôm tại Đức do giá năng lượng cao, thay vào đó, công ty sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang Quatar, bắt đầu từ một lò nấu với công suất 585.000 tấn.

Công ty nhôm lớn thứ 2 thế giới Rio Tinto Group có trụ sở tại Luân Đôn cũng cho biết đã cho dừng hoạt động một lò nhôm có công suất 148.000 tấn ở xứ Wale hồi cuối quý 3 năm 2009.

Chi phí sản xuất cao

Chi phí sản xuất nhôm tại châu Âu hiện đang ở mức rất cao, chủ yếu do giá điện. Theo Daniel Brebner, chuyên gia phân tích thuộc Deutsche Bank AG tại Luân Đôn, các lò nấu nhôm hiện phải trả 950 USD tiền điện cho mỗi tấn nhôm mà họ sản xuất ra.

Nguyên nhân khiến giá điện cao tại đây là việc áp dụng hạn ngạch cácbon điôxi theo tiêu chuẩn đối với các nhà máy điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Uỷ ban châu Âu (EC). Theo đó, nhà máy nào vượt quá giới hạn cho phép sẽ phải đóng thuế, đây là lý do khiến giá điện ở khu vực này đứng ở mức cao nhất thế giới.

Sau khi uỷ ban châu Âu ra quyết định nói trên, Alcoa đã bỏ không hai lò nấu Fusina và Portovesme ở Italia, vốn cho công suất 194.000 tấn mỗi năm, nhằm giảm chi phí điện. Sản lượng của Alcoa tại Tây Ban Nha, nơi công ty này có 3 lò nấu, cũng có khả năng sụt giảm nghiêm trọng.

Mặc dù áp dụng hạn ngạch đối với các nhà máy phát điện song EC lại không có luật cấm các nhà sản xuất bán giá điện dưới mức thị trường. Vì thế, các nhà sản xuất nhôm luôn nỗ lực đàm phán để giành đựơc hợp đồng mua điện với giá thấp hơn.

Ngoài chi phí sản xuất cao, công ty nghiên cứu thị trường CRU International Ltd tại Anh cho biết, những người sử dụng nhôm tại châu Âu còn phải chịu thuế nhập khẩu 3% cộng với chi phí vận chuyển và bảo hiểm lên tới 65 USD/tấn. Hiện giá nhôm nhập vào Rotterdam, cảng lớn nhất của châu Âu, có giá 2.275,25 USD/tấn và theo cách tính của CRU thì 133 USD trong số này là thuế, chi phí vận chuyển và chi phí bảo hiểm.

Chuyển địa điểm sản xuất

Theo nhận định của ông Brebner, các nhà máy nhôm trong bối cảnh này chỉ còn cách duy nhất là rời khỏi khu vực châu Âu và đến những nơi có giá năng lượng rẻ hơn, chẳng hạn như Trung Đông. Nếu tại châu Âu, các nhà máy phải trả 36,80 – 48,60 euro cho mỗi mega oát giờ mà họ sử dụng thì tại các nước vùng Vịnh, họ chỉ phải trả 20 euro.

Tại Trung Đông, Dubai Aluminium Co là công ty nhôm lớn nhất. Công ty này mới đây đã liên doanh với công ty Mubadala có vốn đầu tư nhà nước của Abu Dhabi cho ra đời công ty Emirates Aluminium Co. Ltd., (Emal), dự kiến sẽ cho công suất 700.000 tấn vào cuối năm 2010.

Cùng với sự tồn tại và phát triển của các công ty nhôm ở Trung Đông, nếu các nhà máy ở châu Âu dịch chuyển sản xuất sang khu vực này thì trong tương lai sản lượng nhôm của Trung Đông sẽ tăng vọt. Năm 2009, các nước châu Âu đã tiêu thụ 5,3 triệu tấn nhôm trong khi chỉ sản xuất được 3,9 triệu tấn.

Trong năm 2010, nhu cầu nhôm thế giới dự đoán sẽ tăng 12% lên 38,9 triệu tấn, sau khi sụt giảm 6,6% trong năm 2009. Giá nhôm giao ngay năm nay được dự báo sẽ ở mức trung bình 1.984 USD/tấn, so với 1.671 USD/tấn của năm 2009.

Nguồn:Vinanet