menu search
Đóng menu
Đóng

Giá hàng hoá thế giới biến động theo hai xu hướng rõ rệt trong quý 2/2010

10:26 01/07/2010
Giá hàng hoá chia thành hai xu hướng biến động rõ rệt trong quý 2 vừa qua, trong đó số lượng các mặt hàng giảm giá chiếm đa số.
   
   

Giá hàng hoá chia thành hai xu hướng biến động rõ rệt trong quý 2 vừa qua, trong đó số lượng các mặt hàng giảm giá chiếm đa số.

Các mặt hàng giảm giá

Hầu hết các mặt hàng giảm giá trong tháng 5 bởi nỗi lo khủng hoảng nợ tại châu Âu, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và nguy cơ suy thoái kép của kinh tế toàn cầu. Những mối lo này đã hỗ trợ cho đồng USD đi lên và khiến giá hàng hoá tính theo đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô giảm 5,4% trong quý 2 và là mức giảm tệ nhất kể từ quý 4/2008.

Giá dầu mỏ đã giảm 10% trong quý 2 – quý giảm đầu tiên kể từ quý 4 năm ngoái khi giá giảm tới 56% bởi sức nóng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong phiên giao dịch cuối tháng 6, giá dầu giảm bởi tình hình việc làm tại Mỹ tháng 6 thất vọng khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng.

Các kim loại công nghiệp kết thúc quý 2 giảm từ 5 – 25% bất kể nỗ lực hồi phục của giá đồng những phiên cuối tháng.

Kẽm là kim loại giảm sâu nhất khi mất tới 25% giá trị trong quý 2, sau khi đã giảm 7,2% trong quý 1. Chốt tháng 6, giá kẽm đứng ở 1.790 USD/tấn.

Giá đồng giảm hơn 17% trong quý 2 và là quý giảm thứ 5 liên tiếp. Mức giảm trong quý 2 là mạnh nhất kể từ cuối năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra. Chốt tháng 6, giá đồng tại New York đứng ở 2,9505 USD/lb, giá đồng tại Luân Đôn ở 6.510 USD/tấn.

Giá nhôm chốt tháng 6 ở 1.977,50 USD/tấn, giá thiếc còn 17.200 USD/tấn, giá niken còn 19.745 USD/tấn.

Giá đường trắng giảm 4,9% trong quý 2 năm nay và tổng cộng 25,5% trong 6 tháng đầu năm.

Giá đường thô chốt tháng 6 ở 16,06 cent/lb, giảm 40% trong nửa đầu năm.

Giá ca cao tại New York giảm 1,96% trong quý 2 năm nay, chốt phiên 30/6 ở 2.944 USD/tấn.

Các mặt hàng tăng giá

Khí đốt thiên nhiên tại Anh là mặt hàng có màn trình diễn ấn tượng nhất trong số các hàng hoá trong quý 2 năm nay khi tăng 53% bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm.

Giá ngô trên thị trường Chicago đã tăng 3% trong quý 2 năm nay, chủ yếu nhờ mức tăng tới 9% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 sau khi chính phủ Mỹ công bố dự trữ ngô và cả diện tích vụ mới đều ở dưới các dự đoán trước đó. Mức tăng của ngày 30/6 là mức tăng trong ngày lớn nhất trong 9 tháng trở lại đây.

Giá lúa mì đã tăng 4% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 - mức tăng mạnh nhất trong ngày trong 6 tháng trở lại đây sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo diện tích trồng lúa mì và dự trữ mặt hàng này thấp hơn so với các dự báo trên thị trường.

Giá cà phê arabica đã tăng 20,3% trong quý 2 năm nay và chạm mức cao nhất trong vòng 12 năm qua bởi nhu cầu mua đầu tư của các quỹ hàng hoá và các yếu tố kỹ thuật. Đây cũng là quý có mức tăng tốt nhất kể từ quý 1/2005. Chốt quý 2, giá kỳ hạn tháng 9 đứng ở 1,6585 USD/lb.

Giá cà phê robusta tăng 27,7% trong quý 2 và tổng cộng 30% trong 6 tháng đầu năm. Chốt tháng 6, giá cà phê kỳ hạn tháng 9 đứng ở 1.731 USD/tấn.

Giá ca cao tại Luân Đôn tăng 4,4% trong quý 2 và chạm mức cao nhất trong vòng 32 năm qua. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá tăng 4,5%.

(Nguyễn Hằng)