menu search
Đóng menu
Đóng

Giá Ure Trung Quốc và thế giới tăng

09:41 23/05/2011
 

Tại trung tuần tháng 5/2011, giá Ure Trung Quốc đã bật tăng trở lại liên tiếp trong vòng 2 tuần liên tiếp gần đây, với mức tăng khá mạnh (tăng từ 50 – 100 NDT/tấn) sau khi có những diễn biến tăng giảm trái chiều trong tháng 4/2011.

Sơn Đông và Hồ Nam là 2 thị trường có mức tăng giá ure mạnh nhất trong 2 tuần qua, đều tăng 120 NDT/tấn, lên lần lượt các mức giá 2.080 NDT/tấn và 2.200 NDT/tấn. Trong khi đó, hiện giá ure bán buôn tại các thị trường Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Bắc đã đều tăng 70 NDT/tấn so với giá tại thời điểm đầu tháng 5/2011, đều ghi nhận tại 2.150 NDT/tấn…

Giá phân bón Ure thị trường Trung Quốc tăng một phần do ảnh hưởng từ giá ure trên thị trường thế giới đã đảo chiều tăng mạnh trở lại từ tháng 4/2011 cho tới nay bởi triển vọng về các đơn hàng nhập khẩu mạnh từ Bắc Mỹ trong quý III/2011. Hiện giá phân ure trên một vài thị trường chủ chốt đã cao hơn cả mức đỉnh hồi tháng 1/21011.

Tại Bắc Phi, Ure hạt đục Ai Cập tuần trước được chào bán ở mức 437 USD/tấn (FOB), mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay và tăng 21 USD/tấn (tăng 5%) so với giá tuần cuối tháng 4/2011. Nếu so với già sàn giao dịch của tháng 3/2011, thì đã tăng tới 32%. Còn tại Châu Á, các nhà nhập khẩu Ure Ấn Độ đang đối diện với mức điều chỉnh giá tăng 55-65 USD/tấn trong phiên mời thầu tháng 5/2011. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức khá cao, thêm vào đó giá than tăng, giá điện cũng sẽ có thể được điều chỉnh tăng… ảnh hưởng tới chi phí sản xuất đẩy giá thành sản phẩm phân bón tại Trung Quốc đi lên. Trong khi đó, nhu cầu ure cho mùa vụ tại thị trường Trung Quốc đang đươc cải thiện mặc dù vẫn chưa phải là thời kỳ cao điểm, tuy  nhiên sản lượng hướng ra những đơn hàng xuất khẩu lại khá lớn.

Trái ngược lại với diễn biến giá Ure tại thị trường Trung Quốc trong nửa đầu tháng 5/2011, giá phân DAP tại thị trường này lại có xu hướng giảm do nhu cầu suy yếu và giá DAP tại thị trường thế giới cũng suy giảm. Giá DAP tại vùng Baltic là 590-610 USD/tấn(FOB), giảm 2.8% so với cuối tháng 4/2011. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá của các loại phân bón phốt phát. Như giá Acid sulfuric tại Sơn Đông và Liêu Ninh lần lượt tăng 5,1% và 4% so với giữa tháng tư. Do vậy, có thể trong thời gian tới giá phân DAP sẽ có thể tăng nhẹ trở lại.

Hiện Trung Quốc đã có thông báo giá DAP tháng 6/2011 tại thị trường Trung Quốc sẽ ở mức 605 USD/tấn(FOB). Một số thương nhân Việt Nam đã đấu thầu mức giá 630-635 USD/tấn (CFR); Nga, Thái Lan, Tập đoàn Mekatrade đã đầu thầu mua 28.000 tấn DAP trong tháng 6 của Trung Quốc.

Nhìn tổng quan thị trường phân bón cho thấy dường như trong thời gian tới Ure sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá mạnh, còn DAP nếu có tăng thì mức tăng cũng nhẹ hơn. Trong khi đó, Việt Nam, có tới 60% tổng lượng phân bón là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, mặc dù giá phân bón tăng nhưng xu hướng nhập tại tháng 4/2011 lại gia tăng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, tháng 4/2011 nhập khẩu phân Ure của Việt Nam đạt 114,58 nghìn tấn, kim ngạch 41,92 triệu USD, tăng khá mạnh trên 30% cả về lượng và trị giá so với tháng 3/2011 và tăng gấp 3,3 lần về lượng, 3,4 lần về kim ngạch nếu so với cùng kỳ năm 2010.

Trong các thị trường xuất khẩu Ure sang Việt Nam thì Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu nhưng trong tháng 4/2011, thị trường đã phải nhường lại trí quán quân cho Ả rập Xê út để xuống vị trí thứ 2.  Tuy nhiên mức độ chênh lệch về lượng nhập khẩu giữa 2 thị trường này trong tháng 4/2011 không lớn: Trung Quốc: 24,39 nghìn tấn, Ả rập Xê út: 25,3 nghìn tấn. Điều đó để khẳng định Trung Quốc vẫn là thị trường ảnh hưởng mạnh tới thị trường Việt Nam.

Do đó, trước nhiều khả năng giá ure trên thị trường Trung Quốc và thế giới sẽ tăng trong thời gian tới thì giá ure nhập khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, tác động vào giá ure tại thị trường trong nước. Nhất là thời điểm hiện nay, nhu cầu phân bón cho vụ Hè Thu tại miền Nam và bón thúc vụ Đông Xuân tại các tỉnh miền Bắc vẫn ở mức khá. Vì vậy, giá ure trên thị trường nội địa có thể cũng theo chiều hướng đi lên trong thời gian tới.

Theo Agromonitor

Nguồn:Vinanet