menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng may mặc sẽ có đợt tăng giá mới?

10:09 17/07/2008
Dưới sự tăng giá liên tục các mặt hàng thiết yếu, giá các loại vải may mặc tại TP.HCM đang tăng khá mạnh, từ 15 – 30% so với tháng trước, nhất là vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong… Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tỷ giá USD cao, giá xăng, dầu thế giới liên tục tăng kéo theo chi phí vận chuyển cao hơn.
Tùy theo từng loại vải mà có giá tăng khác nhau, đối với những loại vải thường như: vải thun xô, thun lạnh 3 chiều, 4 chiều, thun cotton giá từ 15.000 – 70.000 đồng/m (tăng từ 6.000 – 10.000 đồng/m). Vải voan, tơ tằm Hàn Quốc giá 150.000 đồng/m (tăng 15.000 đồng/m). Vải kaki giá 45.000 đồng/m (tăng khoảng 8.000 đồng/m). Các loại vải để may quần tây như: thô kẻ ô, thô sẫm màu, đũi… có giá 35.000 – 140.000 đồng/m cũng tăng bình quân từ 10.000 – 25.000 đồng/m….
 
Ban quản lý Thương xá Đồng Khánh cho biết: hiện tất cả các loại vải bán tại chợ đã tăng giá khoảng 30% so với tháng trước. Nếu như tháng trước mỗi ngày bình quân một tiểu thương bán được từ 1.000 – 1.250m vải thì nay đã giảm xuống chỉ còn 900m/ngày. Nhìn chung, sức mua tại chợ đã giảm khoảng 20% so với tháng trước. Lượng khách mua liên tục giảm, chợ ngày càng ế ẩm.
 
Vải tăng giá không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động buôn bán của các tiểu thương mà hàng loạt các công ty may mặc như: Việt Tiến, Thành Công, Nhà Bè… cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên liệu nhập vào tăng giá nên trong thời gian tới có thể các loạt hàng may mặc sẽ phải đối diện với một đợt tăng giá mới, đây là điều tất yếu khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc điều hành Công ty 28 Agtex, cho biết: Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng giá từ 15 – 20%, riêng ngành dệt may, giá nguyên liệu đầu vào như bông, xơ, hóa chất nhộm tăng 30 – 40% khiến một số doanh nghiệp khó khăn và có nguy cơ đóng cửa.
 
Theo ông  Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP.HCM: Giá vải nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, làm giảm đi sự cạnh tranh vốn có. Tình trạng này buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán thành phẩm lên và hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu, trong khi đó để tìm ra một giải pháp cụ thể cho phù hợp với tình hình hiện nay vẫn chưa có. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Trong thời gian ngắn nhất, phía hiệp hội sẽ đề xuất những giải pháp chung, tạo điều kiện ổn định tỷ giá ngoại tệ cũng như nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất”.
(Theo Báo Công thương)

Nguồn:Vinanet