menu search
Đóng menu
Đóng

Hoa Kỳ lên tiếng phản đối các hình thức trợ cấp của Trung Quốc đối với xuất khẩu hàng dệt may

10:16 20/01/2009
Chỉ ít ngày trước khi dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc, với sự vận động của ngành dệt, Hoa Kỳ đã bắt đầu một “cuộc chiến chống trợ cấp” mới bằng việc chính thức lên tiếng với WTO, phản đối chương trình hỗ trợ các nhãn hiệu lớn của Trung Quốc hồi trung tuần tháng 12 vừa qua.
Theo giới quan chức Hoa Kỳ, chương trình này được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhãn hiệu lớn bao gồm rất nhiều hình thức trợ cấp bị cấm và không phù hợp với luật pháp của WTO, như thưởng tiền mặt, cấp tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, giảm chi phí tín dụng bảo hiểm xuất khẩu, thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu.... Hơn nữa, phía hiệp hội ngành dệt Hoa Kỳ (NCTO) còn cho rằng hình thức hoàn thuế VAT mới đây còn là cơ chế lách luật WTO rất tinh vi của Trung Quốc.
Trên thực tế, nạn thất nghiệp ngày càng tăng cũng là một sức ép lớn để chính quyền Bush châm ngòi cuộc chiến, và chính quyền Obama sẽ tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ, trong vòng 8 năm kể từ năm 2000 đến nay, Hoa Kỳ đã mất 35% lao động trong ngành công nghiệp dệt và tới 58% lao động trong ngành may mặc. Báo cáo của họ còn cho rằng “trong số các ngành công nghiệp sản xuất hàng không lâu bền, 40% số lao động suy giảm thuộc về ngành dệt may”.
Đầu tháng 1 vừa qua, trên cơ sở yêu cầu của Nghị sỹ quốc hội đảng Dân chủ Charles Rangel, Cơ chế Giám sát hàng dệt may xuất khẩu từ Trung Quốc cũng bắt đầu được thực hiện ngay khi chế độ hạn ngạch được dỡ bỏ.
Báo cáo của Hạ viện Hoa Kỳ cũng yêu cầu cần phải tăng cường giám sát đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Cơ quan Quản lý Thương mại quốc tế sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát đơn giá hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bất kể việc hàng hoá có thật sự bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ hay không.
Bên cạnh đó, một Nhóm Sáng kiến Thuế chống trợ cấp đối với hàng Trung Quốc cũng đã được thành lập. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy thái độ phản đối ngày càng mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong thời gian tới.
Vụ châu Mỹ - Bộ Công Thương

Nguồn:Internet