menu search
Đóng menu
Đóng

IMF: Saudi Arabia có thể cạn kiệt tài sản tài chính trong 5 năm tới

10:44 22/10/2015

Vinanet - Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chính phủ Saudi Arabia cần triển khai các biện pháp kích thích kinh tế hướng tới giảm thiểu thâm hụt ngân sách quốc gia.

IMF dự báo rằng, nếu chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hiện tại, Saudi Arabia có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn tài sản tài chính cần thiết để hỗ trợ chi tiêu trong vòng 5 năm tới do giá dầu thô liên tục lao dốc.

Trong bối cảnh này, chính phủ Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - buộc phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhằm thúc đẩy nguồn tài chính công. Tuy nhiên, các quan chức nước này vẫn khẳng định rằng, kinh tế Saudi Arabia đủ mạnh mẽ để có thể đứng vững trước đà lao dốc của giá dầu thô, cũng giống như những gì từng làm được trong các cuộc khủng hoảng tương tự trước đây.

Dù vậy theo IMF, những biện pháp kinh tế mà các nước xuất khẩu dầu đang cân nhắc dường như vẫn chưa đủ mạnh để giúp chính phủ củng cố lại nguồn tài chính cần thiết trong trung hạn. "Với chính sách hiện tại, các nước này sẽ cạn kiệt lớp đệm tài chính trong chưa đầy 5 năm nữa vì thâm hụt ngân sách tăng mạnh", IMF nói.

Trong suốt thập kỷ qua, Saudi Arabia đã tích trữ hàng trăm tỷ USD để giúp nền kinh tế vượt qua cú sốc giá dầu giảm. Kết quả là, hệ số nợ/GDP của vương quốc này giảm xuống dưới mức 2% trong năm 2014 - mức thấp nhất thế giới.

Đà lao dốc gần đây của giá dầu thô - loại hàng hóa đóng góp khoảng 80% vào tổng doanh thu ngân sách - buộc chính phủ Saudi Arabia phải trì hoãn các dự án và bán trái phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Tính đến cuối tháng 8/2015, tài sản ngoại hối ròng của Saudi Arabia đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp xuống thấp nhất hơn 2 năm ở 654,5 tỷ USD. Kể từ đầu năm, Saudi Arabia cũng chỉ huy động đượng 14,7 tỷ USD từ việc bán trái phiếu. IMF dự báo, hệ số nợ/GDP của nước này sẽ tăng lên 17% trong năm 2016.

Cũng theo dự báo của IMF, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ tăng lên hơn 20% so với GDP trong năm 2015 nhưng sẽ giảm xuống còn 19,4% trong năm tiếp theo. "So với GDP, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ giảm dần trong vòng 5 năm tới nhưng sẽ ở mức cao trong giai đoạn này", ông Masood Ahmed - giám đốc bộ phận Trung Đông và Trung Á tại IMF - cho biết.

Bất chấp đà lao dốc của giá dầu thô, Saudi Arabia vẫn hướng tới việc tăng sản lượng để bảo vệ thị phần trên thị trường dầu thô thế giới.

Ngoài Saudi Arabia, Bahrain và Oman - là 2 trong số 6 thành viên của Hội đồng hợp tác Vùng vịnh  - cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự, IMF cho biết. Giới chuyên gia phân tích cũng cho rằng, hai nước này thậm chí phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn.

IMF dự báo, thâm hụt ngân sách của Oman sẽ tăng lên 17,7% so với GDP năm 2015 và lên 20% trong năm tiếp theo. Thâm hụt ngân sách của Bahrain cũng sẽ tăng lên tương đương 14,2% GDP trong năm nay và giảm nhẹ về 13,9% trong năm 2016.

Trong khi đó, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất may mắn hơn khi có đủ tài sản tài chính đễ hỗ trợ chi tiêu trong hơn 20 năm tới.

Nguyễn Dung

Theo Bloomberg