menu search
Đóng menu
Đóng

Khô hạn ở Đông Nam Á đe doạ ảnh hưởng sản lượng cọ, cao su và gạo

14:55 02/04/2010
Thời tiết khô hạn trầm trọng ở toàn khu vực Đông Nam Á có thể đe doạ tới sản lượng cao su và dầu cọ, trong khi thiếu mưa nhất trong hơn một thập kỷ nay có thể ảnh hưởng tới vụ mùa lúa ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam.

Theo nguồn tin Reuters, thời tiết khô hạn trầm trọng ở toàn khu vực Đông Nam Á có thể đe doạ tới sản lượng cao su và dầu cọ, trong khi thiếu mưa nhất trong hơn một thập kỷ nay có thể ảnh hưởng tới vụ mùa lúa ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam.

El Nino đang quay trở lại với khu vực sản xuất dầu cọ, gạo và cao su lớn nhất thế giới. Đông Nam Á cũng là khu vực chính sản xuất cà phê và ca cao. El Nino gây biến đổi thời tiết, làm cho khu vực trở nên khô hạn, ảnh hưởng tới cả diện tích trồng và năng suất cây.

Thái Lan và Việt Nam góp khoảng một nửa vào tổng khối lượng xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn gạo trên toàn cầu, trong khi Indonexia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Ngay cả thời tiết ở Australia cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Malaysia và Indonexia góp khoảng 85% vào sản lượng dầu cọ toàn cầu. Nguồn cung giảm từ hai nước này có thể khiến giá dầu cọ kỳ hạn tăng hơn nữa, sau khi đã tăng 45% từ mức thấp hồi tháng 1/2009.

Giá cao su tại Tokyo cũng sẽ tăng trong tháng 3 này, do nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung giảm sút – điều đã từng đẩy giá cao su physical lên tới mức cao nhất trong vòng 58 năm.

Nếu từ nay tới tháng 6 không có mưa, cây sẽ kiệt quệ và sẽ rất có hại tới sản lượng, nhất là sản lượng trong nửa cuối năm.

Thiếu mưa ở Indonexia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, khiến sản lượng năm nay sẽ thấp hơn khoảng 5% so với mục tiêu 21,5 triệu tấn. Sản lượng ở nước láng giềng Malaysia chắc chắn cũng sẽ giảm. Người trồng cọ ở đảo Borneo của Malaysia cho biết thời tiết nóng kéo dài có thể làm giảm 10% sản lượng cọ trong tháng này, sau khi đã giảm 15% trong tháng 2 vừa qua. Tình hình ở các khu vực khác của Malaysia cũng không khả quan hơn mấy.

Các nhà phân tích cảnh báo thời tiết khô có thể kéo dài tới năm 2011, làm giảm sản lượng và giảm cung. Thời tiết khô hạn từ năm ngoái gây hậu quả thiếu cung dầu cọ vào năm nay.

Theo ông Dorab Mistry, giám đốc công ty giao dịch dầu thực vật Ấn Độ Godrej International, “Thời tiết khô hạn năm 2010 sẽ ảnh hưởng tới sản lượng quý IV/2010 và quý I/2011”.

Tình hình ở thị trường cao su cũng không khác mấy. Ở các nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonexia và Malaysia, lãnh đạo ngành cao su cũng điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng, nguyên nhân cũng do thời tiết.

Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan, Luckchai Kittipol, cho biết sản lượng cao su nước này năm 2010 sẽ không đạt mục tiêu 3,15 triệu tấn như dự báo hồi tháng 1, mà sẽ thấp hơn khoảng 5%. Sản lượng thực tế sẽ chỉ khoảng 3 triệu tấn, bởi thời tiết quá nóng và quá khô.

Các nước Thái Lan và Việt Nam đều đang trong tình trạng thiếu mưa, và tệ hơn, thời tiết khô có thể sẽ buộc nông dân phải giảm diện tích trồng trọt trong vụ tới.

Apichart Jongsakul, tổng thư ký Cục Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan cho rằng giá gạo Thái lan chưa chắc sẽ giảm mặc dù dự trữ của nước này còn rất nhiều. Chính phủ Thái đã khuyến cáo nông dân nên giảm diện tích trồng lúa trong năm nay do mức nước ở các hồ chứa giảm mạnh. Dự báo sản lượng lúa vụ 2 của nước này sẽ chỉ đạt 7 triệu tấn, so với khoảng 8 triệu tấn đưa ra trước đây.

Khô hạn do El Nino đã xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc miền Nam Việt Nam, có thể làm giảm diện tích và sản lượng vụ hè thu năm nay.

Nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Philippine, đang trong đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1998, đã gây thiệt hại 200.000 tấn lúa tính tới thời điểm này, buộc nước này có thể phải nhập khẩu tới 3 triệu tấn gạo. Lượng gạo nhập khẩu cho năm 2010 của Philippine đã lên tới kỷ lục 2,45 triệu tấn.

Vụ mùa lúa mì ở Australia cũng đang trong điều kiện sinh trưởng rất kém. Đây là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới. Mùa gieo trồng ở Australia là vào tháng 3 – tháng 5, mà cơ quan khí tượng dự báo có tới 50% nguy cơ thiếu mưa trong giai đoạn đó. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của miền Tây Australia – bang xuất khẩu lúa mì lớn nhất quốc gia - gần như chắc chắn sẽ bị khô hạn. Bang trồng lúa mì lớn thứ 2, New South Wales, nằm trong số những bang bị hạn hán trầm trọng trong mấy năm gần đây.

(Vinanet)