menu search
Đóng menu
Đóng

Kim ngạch nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2009 giảm nhẹ

11:18 02/04/2009
Tình hình biến động giá cả nguyên liệu nhựa năm 2008 cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu đặc biệt là 3 thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật và EU đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa nói chung và doanh nghiệp nhựa chuyên xuất nhập khẩu nói riêng.
Năm 2008, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu tăng mạnh trong những tháng đầu năm, cùng với đó, giá cũng trong xu hướng tăng. Nhưng vào cuối năm, giá cả và khối lượng nhập khẩu đều giảm đáng kể. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2008, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 212 triệu USD, bằng 70% của tháng 7 (là tháng có kim ngạch nhập khẩu đạt lớn nhất), giá nhập khẩu trung bình cũng giảm còn 1.100 USD/T. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nhựa sẽ khó khăn hơn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, tiêu thụ trong nước cũng chậm lại nên nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu trong năm 2009 tất yếu cũng sẽ bị chững lại và giá nhập khẩu cũng sẽ giảm đáng kể.
Trong năm 2009, dự báo Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1,85 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu đạt 2,68 tỉ USD, tăng 6,3% về lượng nhưng giảm 8,6% về trị giá so với năm 2008. Còn theo số liệu thống kê thực tế từ Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 2/2009 nước ta đã nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 292 triệu USD, tăng 161,14% so với tháng trước và tăng 49,66% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung, 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 403,8 triệu USD, giảm nhẹ 14,18% so với 2 tháng đầu năm 2008.
Về thị trường và chủng loại nhập khẩu: Trong tháng 2/2009, khối lượng nguyên liệu nhựa nhập khẩu từ châu Á tăng mạnh, tăng 76,9%, nhập khẩu từ Trung Đông cũng tăng 47,9%. Ngược lại nhập khẩu từ châu Âu lại giảm 21,4%, với mức tăng nhập khẩu 43,48% so với tháng trước, Hàn Quốc đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu nhựa lớn nhất của nước ta trong tháng 2/2009. Tính chung 2 tháng đầu năm thị trường này đã cung cấp cho Việt Nam 53,8 nghìn tấn nguyên liệu nhựa các loại. Các loại nhựa được nhập khẩu nhiều từ Hàn Quốc là PP, PE, PS, polyester, PET…
Bên cạnh đó, Đài Loan vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên liệu nhựa lớn thứ 2 của Việt Nam, với 10,3 nghìn tấn nguyên liệu nhựa các loại, đạt kim ngạch 29,4 triệu USD. Tuy giảm 42,56% về lượng song lại tăng 39,61% về trị giá so với tháng 1/2009, tăng 21,11% về lượng nhưng giảm 5,73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2008. Các loại nhựa được nhập nhiều từ thị trường này chủ yếu vẫn là PP, PE, PS, polyester, PU, PVC…
Ngoài ra, nhập khẩu từ Singapore và Thái Lan cũng có sự giảm sút trong tháng 2/2009. Nhập khẩu nhựa tại Singapore chỉ đạt 9,9 nghìn tấn, kim ngạch 27,4 triệu USD, giảm 38,35% về lượng nhưng tăng 63,47% về trị giá so với tháng trước, tuy nhiên vẫn tăng 108,66% về lượng và 1,32% về trị giá so với tháng 2/2008. Còn tại Thái Lan, so với tháng 2/2008 thì mức giảm về trị giá là 17,5%, mặc dù vậy vẫn tăng 276,28% về lượng, đạt 225,7 nghìn tấn chất dẻo nguyên liệu, tương đương trị giá 24,3 triệu USD.
Về chủng loại nhập khẩu: tháng 2/2009, chủng loại chất dẻo nguyên liệu được nhập khẩu lớn nhất là nhựa PP, đạt gần 19 nghìn tấn, trị giá 41,2 triệu USD, tăng 55,57% về lượng và 165,95% về trị giá so với tháng trước, tăng 34,31% về lượng song lại giảm 8,3% về trị giá so với tháng 2/2008.
Đứng thứ hai là chủng loại nhựa chính phẩm dạng nguyên sinh, đạt 12,5 nghìn tấn, kim ngạch 27,3 triệu USD, tăng 12,92% về lượng nhưng giảm 20,52% về trị giá so với tháng 1/2009; mặc dù giảm 86,18% về lượng song lại tăng 48,35% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
So với tháng trước, nguyên liệu chất dẻo nhập khẩu có lượng tăng mạnh nhất tháng 2/2009 là nhựa HDPE, với 223,2 nghìn tấn các loại, kim ngạch 17,6 triệu USD, tăng 4.748,81% về lượng và 150,75% về kim ngạch. Ngược lại, nguyên liệu chất dẻo nhập khẩu có lượng và kim ngạch giảm mạnh nhất trong tháng là nhựa EVA, với 899 tấn, kim ngạch 2,2 triệu USD, giảm 19,78% về lượng và 13,6% về trị giá so với tháng trước.
Về doanh nghiệp nhập khẩu: Tháng 2/2009, nước ta có tất cả 1329 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu nhựa tại các thị trường trên thế giới. Trong đó có 312 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 100 nghìn USD trở lên, 45 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 500 nghìn USD đến 900 nghìn USD… Trong top các doanh nghiệp có kim ngạch nhập khẩu trên 1 triệu USD thì Công ty TNHH Hào Thành giữ vị trí dẫn đầu, với 5,3 triệu USD. Tiếp đến là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam với 4,9 triệu USD; Công ty TNHH Nhựa Hừng Đông với 3,5 triệu USD, Công ty cổ phần hoá chất nhựa với 3,3 triệu USD…

Nguồn:Vinanet