menu search
Đóng menu
Đóng

Năm 2009, ngành dệt may sẽ đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu

09:04 28/08/2008

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) về kế hoạch 2009 vào sáng 26/8, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu khẳng định năm 2009, ngành dệt may phải đặt mục tiêu là ngành đứng đầu về xuất khẩu của cả nước với giá trị kim ngạch 11,5 tỷ USD, vượt trên mức xuất khẩu của dầu thô.
Để thực hiện mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng toàn ngành, trong đó có Vinatex phải có những dự án đột phá mang tính chiến lược để phát triển ngành dệt may. Với mức phấn đấu như hiện nay, theo Thứ trưởng, e rằng ngành dệt may sẽ thua mức tăng trưởng về xuất khẩu của cả nước trong năm 2008. Một thuận lợi cho ngành dệt may trong năm 2009 là giá sản phẩm dệt may sẽ tăng lên do giá nguyên liệu tăng trong một thời gian dài năm 2008.
 
Về thực hiện kế hoạch năm 2008, ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, do một số doanh nghiệp chuyển từ làm hàng FOB sang gia công để bảo toàn vốn và giảm sản xuất vào giờ cao điểm để tránh chi phí tăng cao nên giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn trong quý 2/2008 giảm so với quý đầu năm. Mặt khác, do lãi vay ngân hàng quá cao nên hàng loạt các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải ngừng lại. Tuy nhiên, Tập đoàn đã yêu cầu các doanh nghiệp phải duy trì sản xuất để giữ lao động. Từ đầu tháng 8 đến nay, sản xuất của Tập đoàn có mức tăng trưởng khá. Tính chung 8 tháng qua, Vinatex đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 958,4 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Dự kiến, năm 2008, xuất khẩu hàng dệt may vẫn có thể đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD. Hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn tăng trưởng tốt cho dù xuất khẩu sang Mỹ tăng chậm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng chưa có sự bứt phá. Tuy nhiên theo dự báo của Vinatex, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này sẽ thuận lợi sau khi Việt Nam và Nhật Bản ký hiệp định thương mại hợp tác song phương vào cuối tháng 9 tới và có hiệu lực trong năm 2009. Khi đó, hàng dệt may Việt Nam vào Nhật Bản nếu có nguyên phụ liệu nội địa hoặc từ khối ASEAN, Nhật Bản sẽ không còn đánh thuế nhập khẩu (0%) so với thuế suất hiện nay là 10%.

Một trong những giải pháp được Vinatex đưa ra tại cuộc họp nhằm đạt được kế hoạch năm 2009 là tìm mọi cách tăng năng suất và chất lượng để giảm giá thành, bù thiệt hại về giá cả đầu vào tăng cao; chuyển hướng tập trung vào sản xuất những đơn hàng có giá trị gia tăng cao hơn để tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả; đồng thời phát triển xuất khẩu thêm vào các thị trường và hợp đồng không thanh toán bằng USD để hạn chế lệ thuộc vào đồng USD.
 

Nguồn:Vinanet