menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành Dệt may phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm 20% giai đoạn 2008- 2010

08:40 17/03/2008

Lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển tối đa thị trường nội địa là những quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/3/2008 tại Quyết định 36/2008/QĐ-TTg.
Chiến lược đưa ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2008-2010, ngành Dệt May tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 16-18%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 20%. Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 12-14%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15%. Doanh thu toàn ngành đến 2010 đạt 14,8 tỷ USD, tăng lên 22,5 tỷ USD vào năm 2015 và lên 31 tỷ USD trong đó, xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào năm 2020.
 
Thu hút đầu tư, đa dạng hóa sở hữu và loại hình doanh nghiệp trong ngành Dệt May
Để phát triển ngành Dệt May, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư thông qua các hình thức hợp tác kinh doanh, công ty liên doanh, công ty liên kết, cổ phần hóa các doanh nghiệp, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm, sản xuất nguyên liệu bông xơ và sợi nhân tạo, sản xuất nguyên phụ liệu, để kêu gọi các nhà đầu tư; trong đó ưu tiên các dự án sản xuất vải dệt thoi phục vụ cho sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Xây dựng các doanh nghiệp kinh doanh nguyên phụ liệu tập trung nhằm đáp ứng được nhu cầu nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp với chất lượng cao và giá nhập khẩu hợp lý. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành Dệt May có đủ điều kiện hạ tầng cung cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, đảm bảo các yêu cầu về môi trường và lao động có khả năng đào tạo.
Phát triển nhân lực cả về số lượng và chất lượng
Để đạt mục tiêu sử dụng 2,5 triệu lao động vào năm 2010 và tăng lên 3 triệu lao động vào năm 2020, từng bước di dời các cơ sở sản xuất dệt may về các địa phương có nguồn lao động nông nghiệp và thuận lợi giao thông. Đồng thời, mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế-kỹ thuật, cán bộ pháp chế, cán bộ bán hàng chuyên ngành Dệt May, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; mở các khóa đào tạo về thiết kế và phân tích vải, kỹ năng quản lý sản phẩm, kỹ năng bán hàng... nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ, công nhân lành nghề, chuyên sâu, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho ngành.
Áp dụng các công nghệ mới, nguyên liệu mới để tạo ra sản phẩm dệt may có tính năng khác biệt
Giải pháp về khoa học công nghệ để thực hiện chiến lược phát triển ngành Dệt May nêu ra những việc cần thực hiện: Đó là triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm Dệt May. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dệt may phù hợp và hài hòa với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Tổ chức lại các Viện nghiên cứu chuyên ngành dệt may theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng phòng thí nghiệm sinh thái Dệt May và Trung tâm phát triển các mặt hàng vải trong giai đoạn 2008-2010.
Mở rộng thị trường Dệt May
Giải pháp về thị trường yêu cầu tập trung mọi khả năng và cơ hội đàm phán mở rộng thị trường Dệt May trên thị trường quốc tế. Tăng cường công tác tư vấn pháp luật thương mại quốc tế, chuẩn bị kỹ việc chống các rào cản kỹ thuật mới của các nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, đồng thời quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, xây dựng hình ảnh của ngành Dệt May trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn:Vinanet