Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), thị trường sản phẩm nhựa còn khá rộng lớn và các doanh nghiệp nhựa Việt Nam không khó để thâm nhập vào những thị trường mới. Do đó, mục tiêu xuất khẩu hơn 1 tỉ USD (tăng 15,9% so với năm 2008) của ngành nhựa năm nay cũng sẽ sớm về đích.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong tháng 1/2009 đạt 52.583.305 USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2008 và giảm 31% so với tháng 12/2008. Sản phẩm nhựa nước ta được xuất khẩu đi 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó nước chiếm thị phần cao nhất là Nhật, Mỹ, EU…Theo đánh giá của Cơ quan thống kê Liên hiệp quốc (Comtrade), tuy đang bước vào giai đoạn khó khăn, nhưng các sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế so với các nước xuất khẩu đồ nhựa khác. Các mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao, nhạy bén trong việc tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại.
Bất cập lớn nhất của ngành nhựa hiện nay là không đáp ứng được các đơn hàng lớn, với chủng loại sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, theo VPA nếu giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn thì ngành nhựa có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu thế giới về mặt hàng này hiện vẫn rất cao. Trong 3 năm qua, nhựa là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam, với mức tăng trên 30%/năm.
Trong năm 2009, các doanh nghiệp trong VPA sẽ tiếp tục bám sát thị trường xuất khẩu truyền thống. Ngoài ra, thị trường nội địa là một mảnh đất màu mỡ mà bấy lâu nay các doanh nghiệp trong nước thường lơ là nay sẽ được khai thác tích cực, để có thể chiếm lĩnh và hạn chế tối đa sự thâm nhập hàng nhựa từ nước ngoài tràn vào đặc biệt hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố lạc quan, VPA cảnh báo các doanh nghiệp về những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch mới trong sản xuất của thị trường nhựa thế giới. Hiện bao bì chiếm hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa. Song, ngành công nghiệp xe hơi đang đứng trước nguy cơ “đóng băng”, tại một số thị trường nhập khẩu bao bì Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản… các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất các sản phẩm nhựa cho ngành công nghiệp xe hơi và chuyển hướng sản xuất các sản phẩm bao bì phục vụ tiêu dùng và thực phẩm. Đây sẽ là một thách thức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bao bì.
Mặt khác, trong lúc nền kinh tế khó khăn, để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, nhiều quốc gia sẽ xem xét đến việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật như: áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu, các loại thuế nhập khẩu, kiện chống bán phá giá… để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Chính vì vậy, trong thời điểm hiện nay các doanh nghiệp nhựa nên tận dụng cơ hội để đầu tư đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ khi sẵn sàng đầu tư cho một doanh nghiệp với đầy đủ tiềm lực tài chính để đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp đi đàm phán mua nguyên liệu với giá rất rẻ, sau đó về phân bố lại cho doanh nghiệp.
Nguồn:Vinanet