menu search
Đóng menu
Đóng

Những quy định người nước ngoài lao động tại Việt Nam VN

08:35 20/04/2009
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện: - Đủ 18 tuổi trở lên;- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý....

Tình trạng cả chục ngàn người lao động phổ thông nước ngoài tràn vào Việt Nam làm việc tự do hoặc làm trong nhiều dự án khiến dư luận không khỏi nghi ngại về tính vi phạm pháp luật khi sử dụng những lao động này.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện con số lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam có khoảng trên 50.000 người, trong đó có cả lao động phổ thông, nhưng con số này được các Sở LĐTB&XH báo lên thì rất ít. Và Việt Nam chỉ nhận lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vào làm việc tại Việt Nam ở vị trí quản lý, điều hành và là các chuyên gia, không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài. Bởi, thực tế Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ cao, nhất là những ngành nghề sử dụng công nghệ thiết bị mới. Chính vì vậy, việc cần tuyển lao động có trình độ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nghị định 34/2008/NĐ - CP ngày 25/3/2008 quy định rõ, đối tượng phạm vi các DN, các tổ chức được tuyển lao động nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện cơ bản: Người lao động phải đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật, không vi phạm pháp luật, đảm bảo về sức khỏe và phải có giấy phép lao động trước khi vào Việt Nam làm việc…

Đối với các nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam, nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam: người nước ngoài vào Việt Nam phải được Việt Nam cấp giấy phép lao động. Giấy phép lao động do Sở LĐTB&XH cấp dựa trên mẫu sẵn của Bộ LĐTB&XH.

Thời gian qua, có một số nhà thầu có đưa một số lao động phổ thông sang làm việc ở một số dự án. Có một hiện tượng là đầu năm ngoái do tình hình trượt giá, giá cả tăng, nhiều nhà thầu phụ bỏ gói thầu nên nhiều nhà thầu nước ngoài đưa lao động của họ vào Việt Nam làm việc.

Ở một số địa phương, khi kiểm tra ở nhiều nhà thầu cho thấy có nhiều lao động không có giấy phép lao động, không có giấy chứng nhận trình độ chuyên môn kỹ thuật. Như vậy, theo quy định, nhà thầu và chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định của pháp luật dù các chủ đầu tư, nhà thầu này đã được các Sở LĐTB&XH nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở.

Đối với những chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì trước hết, hướng dẫn họ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu họ không thực hiện thì thanh tra sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Còn nếu họ cố tình không thực hiện thì theo Nghị định 34 đã nói rõ: Trong trường hợp cố tình không thực hiện thì Sở LĐTB&XH đề nghị Bộ Công an trục xuất lao động phổ thông nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện:

- Đủ 18 tuổi trở lên;

- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý.

- Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

- Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này. - Trích Nghị định 34/2008/NĐ-CP

Nguồn:Vinanet