menu search
Đóng menu
Đóng

OPEC không chịu sức ép giảm hạn ngạch sản lượng dầu mỏ

21:03 03/12/2013

Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), việc các nước thành viên sản xuất không hết công suất, do nội chiến hoặc các lệnh trừng phạt quốc tế, đang giúp cuộc họp chính sách sản lượng của tổ chức này vào ngày 4/12 trở nên "nhẹ nhàng" hơn khi chưa phải bàn đến cách thức hạn chế nguồn cung.

Trong số 12 nước thành viên OPEC, Iran, Libya, Nigeria và Iraq là những nước đang góp phần lớn trong tình trạng giảm sút nguồn cung của toàn cầu.
Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), việc các nước thành viên sản xuất không hết công suất, do nội chiến hoặc các lệnh trừng phạt quốc tế, đang giúp cuộc họp chính sách sản lượng của tổ chức này vào ngày 4/12 trở nên "nhẹ nhàng" hơn khi chưa phải bàn đến cách thức hạn chế nguồn cung.

Trong số 12 nước thành viên OPEC, Iran, Libya, Nigeria và Iraq là những nước đang góp phần lớn trong tình trạng giảm sút nguồn cung của toàn cầu, với tổng cộng khoảng 3,6 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong số 90 triệu bpd trên thị trường thế giới.

Iran và Libya đều đang sản xuất dưới công suất 1 triệu bpd, nước vì các lệnh trừng phạt quốc tế, nước vì nội chiến. Sản lượng dầu của Libya đã giảm xuống khoảng 250.000 bpd, so với mức bình thường là 1,5 triệu bpd.

Trong khi đó, nạn ăn cắp dầu gây tổn thất cho Nigeria khoảng 350.000 bpd, và các vấn đề về cơ sở hạ tầng và an ninh đang lấy đi của Iraq khoảng 500.000 bpd trong tháng 10.

Những tổn thất đó mặt khác lại giúp OPEC đẩy lùi thời điểm phải giảm hạn ngạch sản lượng từ mức 30 triệu bpd hiện nay nếu muốn duy trì mức giá trên 100 USD/thùng.

Cá nhân các quan chức OPEC không hy vọng tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Libya và Nigeria sẽ sớm được giải quyết cũng như xuất khẩu dầu của Iran tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bỏ hoàn toàn, nước này có quyền khôi phục sản lượng và OPEC có thể buộc phải thảo luận về vấn đề hạn chế nguồn cung.

Bên cạnh đó, dù đang sản xuất chưa tới 30 triệu bpd, OPEC có thể vẫn giữ nguyên hạn ngạch khi các nước thành viên OPEC tỏ ra hài lòng với mức giá hiện nay, khi giá dầu Brent nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bất ổn gia tăng tại Libya.

Hiện mức giá trung bình của dầu Brent và dầu thô New York ở quanh mức 100 USD/thùng, mức mà Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu trong OPEC, cho là mức giá cân bằng, hợp lý cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, OPEC sẽ đối mặt với việc bị giảm thị phần vào năm 2014, do sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu mỏ đá phiến của Mỹ, sản lượng của Nga đạt kỷ lục thời hậu Xôviết của và sản lượng gia tăng ở Brazil và Kazakhstan.

Triển vọng không mong đợi đối với OPEC sẽ là sản lượng dầu của Mỹ tăng 1 triệu bpd mỗi năm trong 5 năm tính đến năm 2016, lên 14 triệu bpd.

Theo Barclays, nguồn cung ngoài OPEC có thể tăng khoảng 1,5 triệu bpd vào năm 2014, mức tăng nhanh nhất trong 30 năm. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu đối với dầu thô của OPEC sẽ giảm xuống 29,1 triệu bpd vào năm tới, so với mức 29,89 triệu bpd hiện nay.

Saudi Arabia cho rằng dầu đá phiến chỉ là một hiện tượng ngắn hạn. Trong hai năm qua, Saudi Arabia đã cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới và duy trì giá dầu trong khoảng 100-120 USD/thùng.

Sản lượng của Saudi Arabia đã giảm từ mức cao kỷ lục trên 10 triệu bpd xuống 9,75 triệu bpd vào tháng 10, giúp kéo sản lượng của OPEC xuống 29,9 triệu bpd từ mức đỉnh điểm trong năm nay là gần 30,6 triệu bpd.

Về nhu cầu dầu mỏ của thế giới, trong báo cáo tháng 11, OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ở mức 89,78 triệu bpd trong năm 2013, tăng nhẹ so với dự báo trước đó, khi tình hình ở các nền kinh tế phát triển tốt hơn dự kiến và giữ nguyên dự báo tăng 1,04 bpd năm 2014, lên mức 90,82 triệu bpd./.

(Theo TTXVN)