menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường chứng khoán tuần từ 15-19/6/2009: Dừng 7 tuần tăng, chứng khoán chờ chu kỳ mới

15:40 22/06/2009
Cả 2 chỉ số VN-Index và HaSTC-Index đều đã có tuần giảm điểm đầu tiên sau 7 tuần tăng liên tục từ cuối Tháng Tư đến nay. Khoảng thời gian tăng giá vừa qua cũng là chuỗi tăng mạnh mẽ nhất của thị trường trong 1 năm rưỡi qua.

Đây không phải là diễn biến quá bất ngờ đối với nhà đầu tư vì ít nhất từ đầu năm đến nay đã có 3 lần thị trường diễn ra hiện tượng này. Các con số thống kê đã cho thấy một chu kỳ khá trùng hợp đang được tái hiện ở cả 2 sàn giao dịch. Cứ sau 6 hay 7 tuần tăng/giảm liên tiếp thị trường sẽ có sự điều chỉnh để rồi sau đó, một chu kỳ mới được thiết lập trở lại.

Sau 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, VN-Index sụt giảm tổng cộng 34.37 điểm, tương đương mất 6.47% so với phiên cuối tuần trước và hiện đứng tại 475.22 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch cũng có sự sụt giảm tương ứng 12.45% và 13.62%.

Hai phiên giảm mạnh đầu tuần đã lấy đi của VN-Index nhiều điểm nhất, phiên cuối lại cho thấy một nỗ lực phục hồi bất thành, trong khi đó, xen giữa các phiên giảm là 2 lần tăng nhẹ kèm theo kỳ vọng đón đầu con sóng mới của một bộ phận nhà đầu tư.

Nếu như 2 phiên đầu tuần, thị trường hoàn toàn bị áp đảo bởi nhu cầu chốt lãi thì ở 3 phiên giao dịch cuối, giằng co tại từng bước giá nhỏ lại là xu thế chủ đạo. Diễn biến này cho thấy quan điểm của phần lớn các bên tham gia thị trường hiện đang là chờ đợi, thậm chí tương đối thận trọng. Trong bối cảnh hầu hết các thông tin quan trọng có tác động đến thị trường như báo cáo tài chính quý 2, việc lên sàn của các cổ phiếu lớn... vẫn còn đang ở phía trước thì động thái của nhà đầu tư trong tuần là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy vậy, đối với khối nhà đầu tư nước ngoài, chiến lược của họ là tương đối rõ ràng khi liên tục bán ròng ở cả 5 phiên, trong tuần thứ 2 liên tiếp. Hàng loạt các tổ chức như Dragon Capital, PXP Asset Management, Wareham Group Limited… đã đăng ký bán và bán ra khối lượng lớn nhiều cổ phiếu trong thời gian ngắn trở lại đây. Sau một thời gian dài chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế cũng như sự suy giảm mạnh của thị trường, việc tận dụng sự hồi phục lần này để bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, giảm lỗ, tăng NAV hay cơ cấu danh mục đầu tư cũng là một động thái không quá bất thường đối với các tổ chức này.

Là một tuần giảm điểm nên số lượng các mã đi ngược thị trường chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ đạt 18/167 chứng khoán, chiếm 10.78%. Tuy vậy, đáng chú ý ở chỗ hầu hết các mã tăng mạnh trong tuần này đều có hoạt động liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản. NTL đã duy trì phiên tăng kịch trần thứ 15 liên tiếp, SJS, HDC, SC5, BTC đều có được sự hỗ trợ tốt từ lực cầu trong phần lớn thời gian giao dịch. Điều này có thể nhận được nhiều lý giải từ phía nhà đầu tư nhưng có lẽ nguyên nhân đang được chú ý nhất có lẽ là việc một phần lợi nhuận từ chứng khoán đã được chuyển sang bất động sản như từng xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2007.

Tương tự như VN-Index, chỉ số chứng khoán của sàn Hà Nội (HaSTC-Index) cũng đã đánh mất hầu như toàn bộ số điểm có được trong tuần giao dịch trước. Thất vọng hơn, sự sụt giảm về mức độ sôi động trong giao dịch ở sàn này lại cao hơn khá nhiều nếu so với sàn giao dịch tại Tp.HCM. Chỉ có hơn 148 triệu cổ phần được giao dịch, tính thanh khoản của HaSTC đã giảm mạnh 27.35%, tương đương mất 33.2% giá trị khi chỉ đạt 5,219 tỷ thấp hơn khá nhiều so với con số 7,812 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Trong tuần, chỉ còn 3 cổ phiếu chuyển sàn cụ thể là CAN, UNI, DPC tiếp tục có giao dịch khởi sắc khi nằm trong top các cổ phiếu tăng giá, 2 mã còn lại là SFN và VGP vẫn tăng nhẹ trong khi các mã còn lại đều có dấu hiệu hụt hơi. Chiếm đa số trong nhóm tăng giá vẫn là các cổ phiếu xây dựng, nổi bật nhất là PVA của Xây dựng Dầu Khí Nghệ An khi tăng cả 5 phiên liên tiếp trong đó có 3 phiên tăng hết biên độ. Tuy vậy, gây ấn tượng mạnh nhất trong tuần phải kể đến cổ phiếu VNR của Tái bảo hiểm Quốc Gia Việt Nam. Bất chấp việc bán ra rất mạnh gần 2.27 triệu cổ phần của khối nhà đầu tư ngoại trong suốt 5 phiên liên tục, cổ phiếu này vẫn có được 3 phiên cuối tuần tăng mạnh hết biên độ.

Theo như các chu kỳ tăng/giảm từ đầu năm đến nay thì tuần giao dịch vừa qua là một bước ngoặt khá quan trọng khi nó đã kết thúc một chuỗi tăng giá kéo dài 7 tuần liên tiếp. Cùng với đó, tuần giao dịch tiếp theo sẽ được coi là tuần bản lề để từ đó xác định rõ hơn về hướng đi sắp tới của thị trường chứng khoán.

Với bối cảnh nền kinh tế hiện đã phần nào ổn định trở lại, kết quả kinh doanh quí 2 của các doanh nghiệp cũng được dự báo là tương đối khả quan thì khả năng thị trường giảm mạnh là tương đối thấp. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã chính thức bỏ phiếu nhất trí miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân giãn nộp từ Tháng Một đến Tháng Sáu và tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư, chuyển nhượng vốn trong 6 tháng cuối năm. Đây là một tin khá tích cực có thể hỗ trợ cho TTCK mở đầu tuần sau. Tuy nhiên, nếu thị trường vẫn không thể “bật dậy” để bắt đầu cho xu hướng tăng điểm tiếp theo hoặc chuyển vào giai đoạn giao dịch cầm chừng thì nhà đầu tư cần phải cẩn trọng với xu hướng giảm điểm theo hiệu ứng “tuyết lở”.

(vietstock)

Nguồn:Vinanet