menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường dầu cọ thế giới tuần 14 – 21/5/2010: giá tăng

10:23 25/05/2010
Giá dầu cọ trên thị trường thế giới 2 ngày cuối tuần qua tăng trở lại sau nhiều ngày giảm, với mức tăng đủ mạnh để kéo giá cả tuần qua tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tuần, sau khi số liệu xuất khẩu của các nước sản xuất lớn cho thấy nhu cầu tăng từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu ăn lớn nhất thế giới.

Giá dầu cọ trên thị trường thế giới 2 ngày cuối tuần qua tăng trở lại sau nhiều ngày giảm, với mức tăng đủ mạnh để kéo giá cả tuần qua tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tuần, sau khi số liệu xuất khẩu của các nước sản xuất lớn cho thấy nhu cầu tăng từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu ăn lớn nhất thế giới.

Kết thúc tuần ngày 21/5, dầu cọ kỳ hạn tháng 8 giá tăng 0,6% so với ngày hôm trước, lên 2.491 ringgit (750 USD)/tấn trên Sở giao dịch hàng hoá Malaysia, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/4/2010.

Ngày 17/5/2010, giá dầu cọ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng do lo ngại đà hồi phục kinh tế Châu Âu có thể bị chậm lại do những biện pháp khắc khổ ở Châu Âu. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 đã giảm xuống chỉ 2.417 Ringgit (748 USD)/tấn – mức thấp chưa từng có kể từ ngày 29/1.

Theo thống kê của Intertek, xuất khẩu dầu cọ Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 5 tăng 7,1% đạt 775.995 tấn, trong đó riêng sang Trung Quốc tăng 21% đạt 219.260 tấn.

Xuất khẩu sang Châu Âu – khách hàng lớn thứ 2 – trong cùng kỳ giảm 27% xuống 131.508 tấn. Khủng hoảng nợ ở Châu Âu đã khiến đồng Euro rớt giá xuống mức thấp nhất 4 năm so với đồng USD, làm giảm sức mua của các nhà nhập khẩu ở khu vực này. Đồng Ringgit Malaysia đã tăng giá 17% so với Euro từ đầu năm tới nay.

Theo một hãng điều tra khác, Societe Generale de Surveillance, xuất khẩu của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 5 tăng 3,2% đạt 791.971 tấn. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 44%, góp phần bù lại cho xuất khẩu Liên minh Châu Âu giảm 40%.

Tại Sở giao dịch Đại Liên – Trung Quốc, dầu cọ kỳ hạn cũng tăng giá vào 2 ngày cuối tuần qua, tăng 0,8% đạt 6.686 NDT (979 USD)/tấn, trong khi giá dầu đậu tương tăng 0,6% đạt 7.606 NDT.

Đậu tương cũng tăng giá 2 ngày liên tiếp, tăng 0,1% trong ngày cuối tuần, đạt 9,445 USD/bushel. Đậu tương đã mất giá 9,9% từ đầu năm tới nay bởi sản lượng cao kỷ lục trên toàn cầu. Giá dầu đậu tương giảm 8,4%.

Chênh lệch giá giữa dầu đậu tương và dầu cọ đã tăng lên 74,64 USD/tấn so với mức thấp nhất của 52 tuần là 54,94 USD/tấn cách đây 3 tuần, theo thống kê của hãng tin Bloomberg.

Tại Indonexia, hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 8 kết thúc tuần ở mức giá 6.840 Rupiah/kg (737 USD)/tấn.

Xuất khẩu dầu cọ từ Indonexia, nước sản xuất lớn nhất thế giới, đã giảm 9% trong tháng 3 so với tháng trước đó do sản lượng giảm.

Xuất khẩu đã giảm xuống 1,06 triệu tấn trong tháng 3 so với 1,16 triệu tấn tháng 2, theo thống kê của Hiệp hội Dầu cọ Indonexia. Tháng 3/2009, xuất khẩu dầu cọ đạt 1,18 triệu tấn.

Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của Indonexia trong tháng 3, với khối lượng mua đạt 334.157 tấn, chiếm 31% tổng xuất khẩu của Indonexia.

Trong 3 tháng đầu năm, Indonexia đã xuất khẩu 3,6 triệu tấn dầu cọ, so với 3,4 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng 90% dầu cọ trên toàn cầu được sản xuất bởi Indonexia và Malaysia. Dầu cọ được dùng trong sản xuất nhiên liệu và làm thực phẩm. Đây là loại dầu ăn rẻ nhất.

Năm ngoái, giá dầu cọ tại Kuala Lumpur đã tăng 57% do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ lớn nhất thế giới. Dầu đậu tương đã tăng giá 21% trong năm vừa qua.

Theo nguồn tin Reuters dẫn báo cáo của hãng dự báo dầu thực vật và hạt có dầu, Oil World, sản lượng tăng ở Malaysia trong tháng 3 có thể chỉ là tạm thời, và trong 3 tháng tiếp theo sản lượng có thể giảm xuống do thời tiết khô hạn gần đây, cây cọ đến chu kỳ cho năng suất thấp và thiếu nhân lực lao động.

Sản lượng dầu cọ thô Malaysia trong tháng 3 tăng 8,7% so với cùng thágn năm ngoái sau khi giảm trong 2 tháng trước đó.

Xuất khẩu mạnh từ nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới này cộng với tiêu thụ nội địa cao sẽ khiến cho dự trữ duy trì ở mức thấp.

(Vinanet)