menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng dệt may thế giới 6 tháng đầu năm 2008

13:57 11/07/2008

Thị trường hàng dệt may thế giới trong nửa đầu năm nay gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, giá dầu mỏ tăng cao, các cuộc đình công đòi tăng lương và lạm phát diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng và đồng USD yếu đi cũng đã làm cho giá thành sản phẩm trên thị trường trở nên đắt hơn.

Trong năm 2007, thị trường hàng dệt may thế giới tăng trưởng rất khả quan. Bước sang năm 2008, xu hướng ấy không còn nữa do những nguyên nhân kể trên khiến thị trường này gặp khó khăn khi buộc phải tăng giá trong khi nhu cầu giảm bởi lạm phát diễn ra ở nhiều nước và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở hai thị trường dệt may lớn nhất thế giới là Mỹ và EU.

Kinh tế Mỹ và EU yếu đi làm cho các đơn hàng mua của họ thấp hơn. Hiện tại, các nước cung cấp chính đang phụ thuộc nặng nề vào thị trường may mặc Mỹ và EU. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt nam. Khoảng 1 nửa xuất khẩu dệt may của Pakistan là vào Mỹ. Ấn Độ và Bănglađét cũng xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang hai thị trường dệt may hàng đầu thế giới này.

Ngoài mức đơn hàng thấp hơn dự kiến, sự trục trặc của nền kinh tế Mỹ cũng dẫn đến nhiều áp lực về giá trên thị trường. Các nhà bán lẻ Mỹ và EU thì cố gắng cắt giảm chi phí mua để tăng bán hàng. Kế hoạch đầu tư bị chậm lại trong khi nguồn tín dụng đang bị ngân hàng hạn chế tại nhiều nước sau cuộc khủng hoảng tại Mỹ. Quan trọng hơn là, sự suy giảm tại Mỹ đang làm tăng thêm các mối lo lắng ảnh hưởng đến các nước có chi phí thấp.

Một nguyên nhân nữa khiến giá hàng dệt may tăng cao trong thời gian qua là sự biến động mạnh trên thị trường năng lượng mà điển hình là giá dầu liên tục ghi các kỷ lục mới cộng với tình trạng thiếu điện ở nhiều nơi cũng làm cho chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển hàng dệt may tăng.

Trên thị trường nguyên liệu, giá bông tăng mạnh trong thời gian vừa qua cũng đang ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành dệt may. Dự đoán giá sẽ duy trì ở mức cao trong cả năm nay do giá các sản phẩm khác cao và nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác như đậu tương và ngô. Mặt khác, việc suy giảm của Mỹ và EU có thể dẫn đến tiêu thụ bông thấp hơn dự kiến và do vậy gây áp lực đối với gía bông. Theo Tổ chức Thông tin Kinh tế (EIU), tiêu thụ bông của thị trường Mỹ trong năm nay dự kiến giảm 6,5% so với năm ngoái, xuống chưa đến 1 triệu tấn. Trong khi đó, tại EU, mức tiêu thụ dự kiến giảm 11% xuống khoảng 460.000 tấn.

Theo Uỷ ban tư vấn bông quốc tế (ICAC), sản lượng bông nguyên liệu tại Mỹ trong năm nay sẽ giảm tiếp 15% so với năm ngoái. Diện tích trồng bông tại Mỹ dự kiến chỉ còn 9,5 triệu mẫu, so với mức 10,8 triệu mẫu của năm ngoái và 15 triệu mẫu của năm 2006. Như vậy, gần như chắc chắn là giá bông nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng cao. Cơ quan này dự đoán, giá bông thế giới sẽ tăng hơn 8% lên mức 80 US cent/lb. Các chuyên gia về thị trường tài chính thì cho rằng mức tăng giá có thể còn mạnh hơn.

Bất chấp xu hướng chuyển sang trồng các loại cây khác của Mỹ, ICAC vẫn cho rằng sản lượng bông của thế giới nhiều khả năng vẫn tăng 3%, do các khu vực sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Brazil và Tây Phi tăng sản lượng. Tuy nhiên, theo tổ chức này, cán cân cung cầu vẫn dễ đổi chiều vì nguồn cung tăng như vậy là chưa đủ mạnh. Sản lượng bông năm nay của thế giới dự kiến cao nhất cũng chỉ đạt 26,9 triệu tấn, trong khi nhu cầu ở mức 27,5 triệu tấn.

Cơn khủng hoảng trên thị trường lương thực còn chưa kết thúc khi giá các mặt hàng này liên tục tăng do thiếu nguồn cung, thì giờ đây người dân nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, lại phải đối mặt với nguy cơ giá vải và quần áo leo thang. Việc giá thực phẩm tăng mạnh đã dẫn đến các cuộc đình công và chi phí lao động cao hơn.  Với các chủ xí nghiệp luôn từ chối bất kỳ yêu cầu tăng lương nào, thì các cuộc đình công và biểu tình đã lan rộng tại các nước như Bangladesh, Campuchia… Xuất khẩu may mặc hiện đang giảm sút tại Bangladesh, một phần là do chậm giao hàng sau khi các cuộc đình công liên tiếp làm gián đoạn sản xuất. Ở Trung quốc, chi phí lao động cũng tăng khi luật mới sẽ bảo vệ công nhân hơn, về lý thuyết sẽ dẫn đến tăng chi phí tới 20%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, nước chiếm tới 37% thị phần hàng dệt may thế giới, tăng giá mạnh so với đồng USD trong thời gian qua, cộng với chính sách hoàn thuế xuất khẩu bị dỡ bỏ đã làm tăng chi phí sản xuất khiến giá thành sản phẩm cao, khiến xuất khẩu của ngành dệt may nước này sụt giảm rõ rệt. Tính từ đầu năm đến nay, giá hàng dệt may của Trung Quốc đã tăng đáng kể, thậm chí nhiều nhà máy tăng giá sản phẩm15-25%. Nhiều khách hàng của họ, trong đó đáng chú ý là khách hàng đến từ Mỹ đã yêu cầu hoãn thanh toán vì những thiệt hại do đồng NDT tăng giá so với đồng USD mà họ phải gánh chịu là quá lớn. Các đơn hàng mới đối với hàng dệt may Trung Quốc cũng giảm rõ rệt.

Việc tăng giá đồng NDT sẽ có tác động lớn đến thương mại dệt may toàn cầu trong năm 2008. Để đối phó với mức tăng lạm phát, Chính phủ Trung quốc đang chấp nhận tăng mức lãi suất và liên tục tăng giá đồng NDT. Đồng tiền Trung Quốc đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay và điều này sẽ dẫn đến việc các nhà xuất khẩu Trung quốc phải chuyển sang các sản phẩm có chất lượng và giá cao hơn bên cạnh việc mở rộng thị trường của mình sang các nước khác.

Ở Việt Nam, đồng USD liên tục tăng giá so với VNĐ, hiện đang giao động ở mức gần 17.000 VNĐ ăn một USD, trong khi những năm trước và 4 tháng đầu năm nay chỉ giao động quanh mức 15.000 VNĐ = 1 USD, cũng làm cho kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sụt giảm.

Tại Ấn độ, việc tăng giá đồng Rupee so với USD cũng đã làm cho xuất khẩu hàng may mặc của nước này giảm sút trong nửa đầu của năm tài chính hiện nay.

Xu hướng hiện nay cho thấy, các nước Nam Á và Đông Nam Á đã nổi lên thành nguồn cung quan trọng đối với các khách hàng Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Nhập khẩu hàng dệt may của cả EU và Hoa Kỳ từ các nước sản xuất giá rẻ của châu Á đều tăng trưởng khá mạnh. Tỷ lệ hàng dệt may sản xuất bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ và EU giảm. Các biện pháp hạn chế của cả EU và Hoa Kỳ đều không gây ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc vào hai thị trường lớn này cũng như tình hình thương mại dệt may toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm dệt may nhằm cân bằng thặng dư thương mại. Theo đó, mức hoàn thuế đối với các sản phẩm dệt giảm từ 11% xuống 9%, hàng may mặc giảm từ 13% xuống 9% và các sản phẩm sợi hoá học giảm từ 9 xuống 5%. Từ năm 2001 tới nay, Chính phủ Trung Quốc đã 4 lần điều chỉnh tỷ lệ hoàn thuế đối với các sản phẩm dệt và hàng may mặc.

Tại Singapore, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chế tạo quan trọng của nước này. Hiện tại Singapore có hơn 720 công ty dệt may, thu hút hơn 10.000 lao động, tương đương 3% lượng việc làm trong khu vực chế tạo của nước này.

Để đối phó với tình trạng cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực với chi phí lao động rẻ hơn và khả năng sẵn sàng cung ứng các lao động có tay nghề, nhiều nhà sản xuất dệt may tại Singapore đã thành lập cơ sở tại các nước khác, như Trung Quốc hay Việt Nam, để giảm chi phí lao động. Tuy nhiên, các hãng dệt may cần tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất ở Singapore để thực hiện các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, tạo mẫu, lập kế hoạch sản xuất và nguồn lực.

Còn ở Thái Lan, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Dej Pathanasethpong, trong 5 năm qua nước này đã không tăng giá bán do tình hình cạnh tranh gay gắt đặc biệt là từ Trung Quốc. Song với tình hình hiện nay, giá cả hàng hoá leo thang cộng với việc các nước khác, trong đó có Trung Quốc đã tăng giá bán thì các doanh nghiệp Thái Lan cũng sẽ tăng giá bán các đơn hàng cuối năm nay lên 3-4%.

 4 xu hướng lớn trong thương mại dệt may thế giới hiện nay:

  1. Các nước phát triển tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á tiếp tục bị giảm bớt thị phần, do phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các nước sản xuất hàng dệt may giá rẻ. Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc đối trọng lại bằng biện pháp tập trung vào hàng cao cấp.
  2. Các nhà sản xuất đối tác của Hoa Kỳ và EU cũng bị giảm thị phần. Việc liên kết gia công Mexico – Trung Mỹ tại Hoa Kỳ và Bắc Phi - Thổ Nhĩ Kỳ tại EU đã hạn chế bớt giảm sút của những nhà sản xuất này.
  3. Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may, mặc dù bị Hoa Kỳ và EU áp dụng chế độ hạn chế và kiểm soát nhập khẩu. Biện pháp chính được Trung Quốc áp dụng là đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, trong đó chú trọng tăng thị phần tại các nước châu Á.
  4. Các nước đang phát triển tại châu Á tiếp tục được lợi từ những sản phẩm dệt may xuất khẩu giá rẻ của mình. Bangladesh, Campuchia và Việt Nam là những nước thắng lợi trong thời kỳ hậu hạn ngạch hàng dệt may thế giới, cùng với Trung Quốc.

 

 

Nguồn:Vinanet