menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 22/8/2012

15:28 21/08/2012
Tại cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng, thị trường biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Giá cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) được chào bán quanh mức 15.800-15.900 NDT/tấn của ngày 20/8/2012, đạt ở mức giá cuối tuần trước;....

 

Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu

Nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước và những thông tin bất lợi về thị trường bắp, đậu nành của Mỹ bị tác động xấu do hạn hán đã đẩy giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể như tại Đồng Nai, ngày hôm nay 21/8/2012, giá ngô hạt đỏ khô tăng 100 đồng lên 6.300 đ/kg.

Giá sắn tại miền Bắc dùng chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 100 đồng/kg so với tuần trước lên 5.100 đ/kg.

Nguồn cung bắp và đậu nành cho các nhà máy chế biến TĂCN trong nước đa phần phụ thuộc vào nhập khẩu và giá các loại nông sản này ở trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.

Nhập khẩu lúa mỳ 7 tháng đầu năm khoảng 1,8 triệu tấn với kim ngạch đạt 531 triệu USD, so cùng kỳ năm trước tăng 18,4% về lượng và 4,2% về giá trị. Nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu (chủ yếu là nguyên liệu) trong 7 tháng đầu năm đạt 1,3 tỉ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2012, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu lúa mì lên 0,5 triệu tấn, đạt 2,5 triệu tấn, nhập khẩu đậu nành giảm 100.000 tấn xuống còn 1,23 triệu tấn và khô đậu nành giảm 275.000 tấn, xuống còn 3,275 triệu tấn.

Cao su

Giá mủ cao su tại Đồng Nai tiếp tục giảm 2.000 đ, mủ nước còn 11.000 đồng/kg, mủ khô còn 20.000 đ/kg.

Tại cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng, thị trường biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Giá cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) được chào bán quanh mức 15.800-15.900 NDT/tấn của ngày 20/8/2012, đạt ở mức giá cuối tuần trước.

Lúa gạo

Giá lúa gạo ổn định so với ngày hôm trước (20/8/2012). Cụ thể, tại Đồng Nai ở mức 4.800 – 5.000 đ/kg; tại Trà Vinh lúa thường hạt dài có giá 6.200 đ/kg.

Đến nay hai huyện đầu nguồn lũ là Tân Hưng và Vĩnh Hưng đã thu hoạch dứt điểm gần 60.000 ha lúa hè trước khi lũ lớn đổ về. Riêng các huyện nằm dưới nguồn lũ là Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá và phía Bắc huyện Thủ Thừa do đầu vụ nắng hạn kéo dài, sông Vàm Cỏ Tây bị mặn bà con gieo sạ trễ gần 1 tháng, hiện nay đã thu hoạch được 65% diện tích lúa hè thu.

Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 50% diện tích trên tổng diện tích gần 200.000 ha xuống giống. Tuy nhiên, giá lúa năm nay đã thấp hơn trung bình khoảng 500 đồng/kg so với vụ lúa hè thu năm trước. Nếu trồng loại lúa thường thì sau khi trừ chi phí, nhà nông không còn lãi nhiều; nhiều hộ chăm sóc không tốt, năng suất chừng 5-6 tấn/ha thì lãi không đáng kể. Tuy nhiên, với những hộ làm lúa giống chất lượng cao, lúa đặc sản ST, lúa Tài nguyên, Jasmine... thì lợi nhuận vẫn đạt trên 30% so với giá thành sản xuất.

Hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Thị trường nhìn chung ổn định.

Tại Đồng Nai phân Ure PM có giá 11.300 đ/kg; DAP TQ đen giá 13.800 đ/kg.

Thuốc trừ sâu bệnh như Basudin 10H giá 25/000 đ/kg; Abafax 100cc giá 20.000 đ/chai; Bassa Tiền Giang giá 42.000 đ/kg.

Theo Bộ Công Thương, do nguồn cung trong nước tương đối dồi dào, Nhà máy đạm Cà Mau hiện đã hoạt động ổn định nên lượng phân bón nhập khẩu bảy tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 10,2%), nhất là phân urê (giảm 25,8%).

Tình hình sản xuất phân bón tháng Bảy ổn định, giá các loại phân bón không biến động nhiều. Sản lượng phân urê bảy tháng đầu năm ước đạt 896.500 tấn, tăng 61,4% so với cùng kỳ; phân DAP đạt 155.700 tấn, tăng 28,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) dự báo trong thời gian tới, thị trường phân bón trong nước sẽ có biến động, vì cả nước vào vụ Đông Xuân, nhu cầu phân bón sẽ tăng.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng giá xuất khẩu nhiều loại phân bón. Một số nước thực hiện chính sách không khuyến khích xuất khẩu để dùng trong nước. Do đó, để giải quyết bài toán cung cầu và góp phần hạ nhiệt, bình ổn thị trường phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam yêu cầu các nhà máy cần sản xuất liên tục để bảo đảm nguồn cung.

Mía đường

Giá đường tại các tỉnh Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ dao động quanh mức 23.000 – 25.000 đ/kg.

Mía là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Phú Yên. Các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân đã có 20.858 ha mía, chiếm hơn 80% diện tích mía toàn tỉnh. Theo Ban điều hành mía đường tỉnh Phú Yên: Nhờ cây mía, tỉnh đã phát triển ngành công nghiệp mía đường với 2 nhà máy đường có tổng công suất ép mỗi ngày 7.400 tấn, góp phần cải thiện đời sống nông dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Thông qua các chính sách đầu tư của nhà máy đường, nông dân hầu như đã thay toàn bộ giống mía Cau địa phương để trồng 21 loại giống mới cao sản với năng suất trong điều kiện canh tác bình thường đạt từ 55 tấn đến 65 tấn/ha và có thể đạt từ 80 tấn đến 100 tấn/ha trong điều kiện thâm canh và có nước tưới bổ sung, nghĩa là gấp 2 lần so với giống mía Cau.

Các nhà máy cũng đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho hơn 10.100 hộ nông dân; theo đó nông dân được nhà máy đầu tư giống, phân bón, tiền mặt mỗi ha 22 triệu đồng để trồng mới và 14 triệu đồng đối với mía lưu gốc và một số chính sách khác như hỗ trợ chuyển đổi từ cây lúa bấp bênh sang trồng mía; trồng rải vụ, thay giống mía Cau bằng giống mới, hỗ trợ không hoàn lại phân vi sinh…..

Hiện nay, Nhà máy đường Tuy Hòa đã có trại sản xuất giống mía rộng 27 ha và Nhà máy đường KCP (100% vốn Ấn Độ) cũng đang xúc tiến dự án đầu tư Trại giống mía công nghệ cao rộng 25 ha để trồng khảo nghiệm, nhân giống mía cao sản cung cấp cho nông dân.
Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là việc quy hoạch vùng mía không theo kịp với nhu cầu thực tế của nông dân cũng như các nhà máy đường. Theo đó, diện tích mía niên vụ 2011-2012 là 20.858 ha, tăng 3.358 ha so với quy hoạch và dự kiến niên vụ 2012-2013 sẽ tăng hơn nữa. Diện tích mía vượt quy hoạch chủ yếu do người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Chỉ 10% phụ gia thực phẩm sản xuất tại Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, hiện Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm bao gồm 337 chất (cả hương liệu).

Tuy nhiên, chỉ 5-10% phụ gia thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam, còn lại đều nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Điều đáng lo ngại, phụ gia thực phẩm trôi nổi, nhập lậu rất nhiều (đặc biệt nhập từ Trung Quốc), nhưng thường được dùng ở các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ nên các lực lượng chức năng không thể thống kê, kiểm soát được.

Nguồn:Vinanet