Giá lúa Hậu Giang tăng nhẹ; nông dân Cà Mau trúng mùa cua; giá rau xanh tăng;…
Giá lúa Hậu Giang tăng nhẹ
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, sau khi có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo của Thủ tướng Chính phủ, thị trường giá lúa thương phẩm ở Hậu Giang có dấu hiệu “ấm” trở lại, tuy nhiên đến thời điểm này sức tiêu thụ lúa nguyên liệu trong dân còn chậm.
Theo phản ánh của bà con trên địa bàn, trong 2 ngày trở lại đây, giá lúa ở Hậu Giang tăng nhẹ. Cụ thể, đối với lúa hạt tròn có giá dao động từ 4.000 - 4.200 đồng/kg, lúa hạt dài từ 5.000 - 5.200 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.
Điều đáng mừng ở đây, tuy giá lúa mới tăng nhẹ, nhưng phần nào làm “ấm” lại thị trường lúa gạo. Người bán, người mua, nhà nông tạo thêm động lực, khí thế hăng say lao động sản xuất. Theo nhận định của ngành chức năng, từ dấu hiệu này, nhiều khả năng giá lúa sẽ tăng vào đầu tháng 3 tới, tức qua mùng 10 Tết âm lịch. Bởi vào thời điểm đó, các doanh nghiệp, thương lái bắt đầu đẩy mạnh thu mua, sản xuất, tình hình xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo trong và ngoài tỉnh sẽ tăng mạnh, đặc biệt là thời điểm đầu năm các đối tác thường mở thêm giao dịch, hợp đồng mới, ký kết mua bán với số lượng lớn.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, ngành công thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015, tỉnh Hậu Giang xuống giống được gần 80.000 ha. Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 6.000 ha, với năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt trên 10 tấn/ha. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa cho năng suất cao nhất trong năm, hơn nữa điều kiện thời tiết sản xuất cũng rất phù hợp, giảm được chi phí, giá thành đầu vào.
Hi vọng, với quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo của Chính phủ, thị trường giá lúa ở Hậu Giang sẽ tăng trở lại, nhằm giúp nhà nông thoát được tình cảnh chung “ trúng mùa mất giá” tái diễn nhiều năm qua.
Ngư dân Hà Tĩnh được mùa cá đầu năm
Ngày 26/2, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, nhân dân trên địa bàn xã rất phấn khởi vì chuyến đánh bắt cá đầu năm thắng lớn. Nhiều hộ gia đình đánh cá đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vụ ra quân đầu năm đã mang lại niềm vui cho ngư dân trong xã và hứa hẹn một vụ mùa cá thắng lợi cho ngư dân vùng biển này.
Theo thống kê, tại xã Thạch Kim có hơn một nửa hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, có hàng trăm chiếc tàu thuyền đánh bắt vùng khơi và vùng lộng. Trong mấy ngày sau Tết Nguyên đán, ngư dân xã Thạch Kim đã ra quân đánh bắt được trên 50 tấn cá các loại, thu trên 1,5 tỷ đồng. Đây là địa phương có sản lượng khai thác cá nhiều nhất trong mấy ngày qua.
Tại các địa phương ven biển của tỉnh Hà Tĩnh như xã Xuân Hội, Xuân Liên (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh) và nhiều xã huyện Thạch Hà người dân cũng ra quân và đánh bắt được rất nhiều cá trích, cá đục. Theo người dân vùng biển, do đầu năm thời tiết thuận lợi, các phương tiện đánh bắt vùng lộng vừa ra khơi đã trúng đậm mùa cá trích, bình quân mỗi thuyền ra khơi, ngư dân đánh bắt được từ 2 đến 4 tạ cá trích/ngày.
Với những mẻ lưới nặng đầy cá đó là thành quả của những ngày ra khơi, những người dân kiên cường bám biển góp phần tiếp thêm niềm tin một năm mới với những chuyến ra khơi thắng lợi.
Nông dân Cà Mau thu nhập khá nhờ trúng mùa cua
Theo giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà, trong những ngày nghỉ Tết trên địa bàn tỉnh có gần 600 hộ dân trúng đậm vụ cua nuôi, đây là tin vui năm mới đối với nông dân nơi đây. Cua vừa được mùa lại được giá. Hiện giá của gạch son giao động từ 550.000 đồng đến 600.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Từ đó sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ 50 triệu đồng trở lên/1 vụ. Vùng trúng mùa cua tập trung ở 3 huyện Đầm Dơi, Cái Nước và Phú Tân.
Cà Mau hiện có khoảng 2.300 hộ dân nuôi cua, chủ yếu là thả của nuôi chung cùng với diện tích đất nuôi tôm. Qúa trình nuôi cua không cần cho thức ăn, thời gian từ 3 đến 4 tháng là thu hoạch, lúc đó cua đã có trọng lượng 4 con/1kg. Do cua dễ nuôi nên ngày càng có nhiều người tổ chức nuôi trên đất nuôi tôm nhằm tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là con giống còn hạn chế nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Tương tự như nuôi tôm, người nuôi cua phải tìm con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc nên nhiều khi gặp rủi ro. Theo ông Nguyễn Văn Phấn, chuyên nuôi cua ở xã Phú Hưng huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau, nếu bảo đảm được đầy đủ nguồn giống thì nuôi cua hiệu quả kinh tế sẽ cao gấp 3 lần nuôi tôm.
Tp. HCM: giá rau xanh tăng
Lượng hàng về chợ đầu mối tăng mạnh trở lại, nguồn cung dồi dào nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn cao, cá biệt một số mặt hàng giá tăng gấp đôi.
Giá thịt heo vẫn ở mức cao, giá heo mảnh dao động 59.000-62.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với ngày thường, thịt heo pha lóc cũng có mức tăng tương ứng như sườn non 115.000 đồng/kg, thịt đùi 75.000 đồng/kg...
Đến ngày mùng 7, 100% sạp thịt heo ở chợ đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường, trong khi ngành hàng rau củ khoảng 80%. Các sạp mở hàng trễ chủ yếu hành, tỏi, bầu bí, khoai lang...
Theo ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, hiện mặt hàng thịt heo đang được tiêu thụ mạnh, đến tầm sáng chợ đã vãn. Tương tự lượng hàng về các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cũng tăng nhanh theo từng ngày, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả và hàng đông lạnh.
Mãi lực hàng rau củ lại không cao, cá biệt trong ngày mùng 5 tết, tại chợ đầu mối Hóc Môn, gần 20 tấn rau củ quả chủ yếu là đậu côve, cà tím, xà lách, khổ qua... bị tồn do không tiêu thụ được.
Tuy nhiên tại các chợ truyền thống, bà nội trợ vẫn phải mua rau củ với giá cao. Đến nay, hầu hết sạp ở chợ lẻ đã mở cửa trở lại, mặt hàng rau củ quả, trái cây và thực phẩm tươi sống hút khách nhất.
Tiểu thương tại khu vực chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) cho biết hiện mặt hàng rau các loại giá tăng trung bình 20-40% so với trước tết.
Giá rau các loại được nhiều chợ lẻ bán ra ở mức: xà lách 25.000-30.000 đồng/kg, cải thảo 15.000-17.000 đồng/kg, cải thìa 15.000-20.000 đồng/kg, súp lơ 25.000-30.000 đồng/kg, cà chua lên mức 15.000 đồng/kg, riêng mặt hàng dưa leo tăng giá gần gấp đôi so với trước tết ở mức 23.000-25.000 đồng/kg, cải xanh 21.000-24.000 đồng/kg tùy loại.
Theo các tiểu thương, giá dưa leo tăng cao do nguồn cung không nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn cao.
Do lượng hàng rau ăn củ quả như cà chua, dưa leo, khổ qua, khoai tây lượng bán khá khiêm tốn nên giá đang có xu hương tăng dần lên.
T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp
Nguồn:Vinanet