menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 8/11/2010

09:03 09/11/2010
 

 
*Đường tăng giá

Tiếp theo đà tăng giá trong tháng 10, từ đầu tháng 11 đến nay, đường đã nhích thêm 200 - 400 đồng/kg. Nhiều nhà máy mía đường đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Hiện giá bán lẻ đường trên thị trường dao động khoảng 19.500 - 22.000 đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị, đường cũng tăng thêm khoảng 500 đồng/kg, lên mức 20.500- 22.000 đồng/kg (trừ loại đường bình ổn vẫn giữ mức 18.000 đồng/kg). Giá bán đường tại nhà máy cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm, hiện đã tăng 3.500 - 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái: đường tinh luyện (RE) bán buôn 18.500 - 18.800 đồng/kg, đường RS 17.300 - 17.800 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT).

Giá đường tăng cũng góp phần đẩy giá các loại bánh kẹo, thực phẩm công nghệ tăng theo.

*Nông sản, thực phẩm

Giá lúa gạo tiếp tục tăng mạnh tại thị trường An Giang: lúa tẻ thường tăng 250 đ lên 5.950 đ/kg, gạo nguyên liệu tăng 300 đ lên 7.850-7.950 đ/kg, các loại gạo thành phẩm xuất khẩu tiếp tục tăng 270-380 đ; gạo thành phẩm 5% lên 9.730 đ/kg, 10% lên 9.600 đ/kg, 15% lên 9.080 đ/kg, 20% lên 8.930 đ/kg, 25% lên 8.470 đ/kg, 35% lên 8.240 đ/kg.

Thực phẩm: giá thịt heo tại An Giang tăng 1000 đ/kg, thịt bò tăng 10.000 đ/kg, giá mua cá tra nuôi hầm tiếp tục tăng 300 đ lên 19.000-19.500 đ/kg.

*Giá thép tăng thêm 200.000 đồng/tấn

Các doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt áp dụng giá mới kể từ ngày 5-11 với mức tăng tại đầu nguồn trung bình 200.000 đồng/tấn. Hiện giá thép bán lẻ trên thị trường 15,8-16 triệu đồng/tấn.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết lượng thép tiêu thụ trong tháng 10-2010 đã vọt lên mức khoảng 410.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với tháng trước.

Theo nhận định của VSA, việc các công ty thương mại và các đại lý thường tăng lượng thép mua vào trong bối cảnh giá tăng là một trong những điểm “đặc trưng” của thị trường thép VN.

*Giá rau củ quả tiếp tục tăng

Giá nhiều loại rau quả ở chợ bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục có xu hướng tăng mạnh, tăng nhiều nhất là cà chua, xà lách, cải ngọt, xúp lơ... với mức tăng 2.000-4.000 đồng/kg.

Trong khi đó, dù chưa vào mùa cao điểm cuối năm nhưng giá các loại thủy hải sản khô đều đã tăng 50.000-70.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), giá các loại khô bắt đầu nhích lên 10.000-40.000 đồng/kg, sức mua thấp.

Theo các tiểu thương chợ An Đông (Q.5), giá mực khô loại 1 lên đến 500.000-550.000 đồng/kg, tôm khô loại 1: 550.000-600.000 đồng/kg, loại 3: 220.000-280.000 đồng/kg, khô cá lóc: 220.000-260.000 đồng/kg...Nguyên nhân tăng mạnh do nguồn cung từ thị trường miền Trung giảm vì bị ảnh hưởng lũ lụt, trong khi khách có nhu cầu lựa chọn loại ngon để làm quà biếu.

*Lệ phí hàng hải – Nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh

Trước đây phí và lệ phí hàng hải của VN cao hơn các nước khu vực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh.

Chính vì vậy đã có tới 5 lần thay đổi, để lệ phí hàng hải VN giảm ngang bằng với lệ phí cảng tại Bangkok, Thái Lan. Song nhiều dịch vụ “ngoài luồng” lại xuất hiện tăng chi phí thực khoảng 20 -30%. Và hiện vấn đề này đang nan giải với các cơ quan quản lý.

Nguyên nhân chủ yếu là do cảng biển Việt Nam, nhất là hai cụm cảng chính Hải Phòng và Sài Gòn được xây dựng từ lâu, khá lạc hậu lại nằm sâu trong đất liền. Do đó tàu biển ra vào cảng đều phải trả phí luồng cao. Đơn cử luồng tàu vào cảng Hải Phòng dài 26 hải lý, luồng vào cảng Sài Gòn dài 51 hải lý. Thực tế này khiến phí hàng hải bị đội lên nhiều để cân đối cho việc đầu tư đảm bảo hoạt động của hệ thống đèn biển, hệ thống phao tiêu, báo hiệu luồng hàng hải, đặc biệt là chi phí nạo vét luồng do phù sa bồi đắp quanh năm...

Đây cũng là một nguyên nhân cực kỳ nan giải trong cố gắng giảm phí hàng hải. Đồng thời các khoản phí, lệ phí hàng hải là nguồn kinh phí chủ yếu để chi cho công tác quản lý nhà nước về hàng hải và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải của Việt Nam nên nếu giảm phí và lệ phí hàng hải nhiều sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách chung.

Nguồn:Vinanet