menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường lương thực – thực phẩm thế giới tháng 10/2010

17:07 09/11/2010
 

Giá ngô tăng mạnh nhất kể từ 2008

Giá ngô kỳ hạn trên thị trường thế giới tăng mạnh trong tháng 10, là tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2008 do dự báo Bộ Nông nghiệp Mỹ có thể sẽ điều chỉnh giảm mức dự đoán về sản lượng bông nước này.

Giá ngô kỳ hạn tại Chicago đã tăng 17% trong tháng 10 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng vào ngày 8/10 do thời tiết nóng ảnh hưởng tới sự phát triển của cây ngô.

Đây là lần thứ 2 trong mấy tháng nay USDA điều chỉnh giảm mức dự đoán về sản lượng ngô.

Giá ngô đã lập kỷ lục cao của 2 năm vào ngày 13/10, với giá 5,8425 USD/bushel.

Kết thúc tháng, giá ngô kỳ hạn tháng 12 ở mức 5,82 USD/bushel tại Chicago. Giá đã tăng 3,9% trong tuần thứ 4 của tháng và tăng 40% trong 10 tháng đầu năm.

Trong báo cáo tháng 10, USDA dự báo sản lượng ngô Mỹ sẽ giảm xuống 12,664 tỷ bushel, so với mức kỷ lục 13,11 tỷ bushel của năm trước.

Việc đồng Đôla giảm giá càng kích thích giá nông sản tăng lên. USD đã giảm 1,9% giá trị trong tháng qua so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trong tháng 10.

Thời tiết xấu khiến các nước thuộc EU đối mặt với mức sản lượng ngô giảm vào năm nay. Điều này đòi hỏi EU sẽ phải nhập khẩu thêm ngô. Một thương gia cho biết sản lượng ngô sẽ đạt mức thấp sau khi các vụ mùa ngũ cốc khác vào đầu mùa hè này cũng cho mức sản lượng không cao. Nhà phân tích người Pháp Strategie Grains dự báo sản lượng ngô 2010 của EU sẽ giảm xuống còn 55,6 triệu tấn so với con số 57,1 triệu tấn năm ngoái.
Giá ngô liên tục tăng mạnh đang khiến cho cả thế giới lo lắng về khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực.

Hội đồng Ngũ Cốc Quốc tế đã cắt giảm 10 triệu tấn sản lượng ngô dự báo toàn cầu vào tuần trước. Một thương gia cho biết: Sản lượng ngô tại Pháp và Đức không được khả quan nhưng tại khu vực đông EU, tình hình có vẻ khá hơn. Tuy nhiên, nguồn cung ngô hiện đang ở mức tương đối hạn hẹp. 
80% diện tích ngô tại Pháp đã được thu hoạch và các cán bộ ngành nông nghiệp ước tính sản lượng ngô nước này trong khoảng từ 13 đến 13,7 triệu tấn so với con số 15,2 triệu tấn năm ngoái. Do tình trạng khô hạn diễn ra vào mùa hè vừa rồi, sản lượng ngô sẽ có sự khác biệt lớn trên từng vùng của nước Pháp.
Tại nước sản xuất ngô lớn thứ 2 của EU là Hungary, chính phủ nước này dự báo sản lượng sẽ giữ mức 7,4 triệu tấn với khoảng 49% vụ ngô đã được thu hoạch. Tại nước sản xuất ngô lớn thứ 3 là Đức, chính phủ dự báo mức sản lượng sẽ giảm xuống 4,1 triệu tấn từ con số 4,5 triệu tấn của năm ngoái.
EU đã cấp phép nhập khẩu 140.000 tấn ngô chỉ trong tuần 20 – 26/10. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh có thể sẽ phải nhập khẩu thêm ngô. Trước đó, Tây Ban Nha và Đức đã phải nhập khẩu ngô từ Mỹ.

Một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% sản lượng lương thực của nước này trong vòng 20 năm tới. Yếu tố này sẽ tác động tới thị trường lương thực toàn cầu.

Hồi tháng 9 chính phủ Trung Quốc thành lập dự án nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất lương thực của Trung Quốc trong 20 năm qua. Dự án được tiến hành tại 11 cơ sở nghiên cứu. Tang Huajun, phó viện trưởng của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, là người chỉ đạo dự án. Trả lời phỏng vấn của báo China Daily về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với sản lượng lương thực hôm 5/11, ông Tang khẳng định sản lượng sẽ giảm từ 5 tới 10% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030.

“Tổng sản lượng của ba loại ngũ cốc chính – gồm gạo, lúa mì và ngô – có thể giảm tới 37% trong những năm tới nếu chính phủ không thể tiến hành các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tác độngcủa biến đổi khí hậu”, China Daily dẫn lời ông Tang.

Trung Quốc sản xuất 530,8 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2009. Chính phủ vừa đề ra chỉ tiêu tăng sản lượng lên 550 triệu tấn trước năm 2020 để đảm bảo an ninh lương thực cho 1,3 tỷ người.

Trong một báo cáo gần đây, tổ chức Greenpeace cho rằng Trung Quốc sẽ không có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân vào năm 2030 và sản lượng lượng thực có thể giảm tới 23% trước năm 2050.

“Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và một số hậu quả tiêu cực đã trở nên rõ ràng do sự gia tăng nhiệt độ và thiếu nước trong 10 năm qua”, ông Tang nói.

Hạn hán là hiểm họa lớn nhất của các cánh đồng tại Trung Quốc. Theo tính toán của Tang, Trung Quốc mất từ 15 tới 25 triệu tấn ngũ cốc – tương đương 4 tới 8% tổng sản lượng hàng năm – từ năm 1995 tới 2005. Các thiên tai khác như lũ lụt, mưa đá và bão cũng làm giảm sản lượng lương thực.

Giá đậu tương tăng mạnh nhất kể từ năm 2009

Giá đậu tương đã có tháng 10 tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2009 do nhu cầu tăng đối với nguồn cung từ Mỹ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Giá đã tăng 12% trong tháng 10 bởi Trung Quốc – khách hàng lớn nhất thế giới – đẩy tăng nhập khẩu.

Xuất khẩu từ Mỹ tăng tới 2,026 triệu tấn trong tuần thứ 3 của tháng 20, hay tăng 40% so với mức trung bình của 4 tuần, trong đó 2/3 xuất sang Trung Quốc.

Kết thúc tháng, đậu tương kỳ hạn tháng 12 có giá 12,4875 USD/bushel, cao nhất trong vòng 25 tháng.

Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính trong tháng 10/2010, khối lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đạt 4,2 triệu tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng nhập khẩu đậu tương tăng đột biến như vậy là do tại thị trường trong nước, cơ cấu tổ chức sản xuất đậu tương thay đổi. Hiện nay, các nhà máy của Trung Quốc đang tăng cường sản xuất dầu đậu tương trong nước, tránh phải nhập khẩu loại dầu này từ bên ngoài. Do đó, khối lượng nhập khẩu dầu đậu tương cũng giảm đáng kể. Dự kiến, khối lượng nhập khẩu dầu đậu tương sẽ đạt 222.500 tấn trong tháng 9 và 129.000 tấn trong tháng 10/2010.

Được biết, trong năm 2010, Trung Quốc sẽ tăng lượng sản xuất ngũ cốc lên 486,1 triệu tấn, so với 483,4 triệu tấn trong năm 2009. Con số này sẽ tăng lên sau khi có báo cáo đầy đủ về vụ thu hoạch lúa và ngô. Vụ mùa ngũ cốc của nước này cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn giữ được vị trí thứ hai trên thế giới về sản xuất ngũ cốc. Chính phủ nước này sẽ không thay đổi hạn ngạch nhập khẩu hạt giống trong năm 2011.

Dự báo nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh sẽ đẩy giá dầu đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục cao kể từ năm 2008, mặc dù nguồn cung dầu đậu tương và dầu cọ đều tăng. Giá dầu đậu tương Mỹ sẽ tăng lên mức cao mới, trên 45 US cent vào đầu năm 2011, và giá các loại dầu ăn khác cũng sẽ tăng lên.

Thomas Mielke, giám đốc điều hành của Oil World nhận định: “Tình hình ngành dầu ăn toàn cầu đang khan hiếm do triển vọng sản lượng dầu ăn thế giới niên vụ 2010/11 sẽ thấp hơn triển vọng nhu cầu và dự trữ đang giảm”.

Nếu có bất kỳ vấn đề bổ xung nào đối với nguồn cung, thị trường dầu ăn có thể sẽ bùng nổ. Giá không chỉ tăng đối với dầu ăn, mà đối với cả dầu hướng dương, dầu hạt cải và dầu cọ.

Việc gieo trồng đậu tương chậm lại ở nhiều khu vực thuộc Brazil đã góp phần đẩy giá đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất của 13 tháng. 45,07 US cent/lb, trong tuần vừa qua.

Giá sẽ tiếp tục biến động mạnh do dự trữ tăng và các quỹ đầu cơ tăng cường thâm nhập vào thị trường hàng hoá.

Mối quan hệ giữa dầu đậu tương và khô đậu tương ngày càng khăng khít. Đây là hai sản phẩm chính thu được trong quá trình chế biến đậu tương. Tuy nhiên, nhu cầu dầu đậu tương vẫn vượt trội hơn nhu cầu đậu tương, bởi dầu đậu vừa được sử dụng làm thực phẩm, vừa làm nhiên liệu sinh học, trong khi khô đậu tương chỉ sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Dự báo nhu cầu dầu đậu tương cao sẽ dẫn tới dư cung khô đậu tương. Trong 12 tháng tới, dầu đậu tương sẽ điều khiển hoạt động ép dầu. Và phần của dầu đậu tương trong tổng trị giá các sản phẩm của đậu tương sẽ tăng lên 45%, thậm chí có thể tới 50% so với mức 42 – 43% hiện nay.

Giá đường tăng mạnh nhất kể từ tháng 2

Đường đã có tháng 10 tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 trên thị trường New York sau khi sản lượng giảm ở Brazil – nước sản xuất lớn nhất thế giới.

FO Licht dự báo sản lượng đường của Brazil có thể giảm trong vụ mùa tới đây, đây là lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 11 năm qua do sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng đối với hoạt động tái trồng mía và sử dụng phân bón.“Tỉ lệ tái trồng mía thấp hơn mức bình thường, chúng ta đang gặp khó khăn đối với các nguồn cung từ Brazil.”, Agrimoney.com dẫn lời Stefan Uhlenbrock , chuyên gia phân tích của FO Litch.

Đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc tháng 10 ở mức 29,12 US cent/lb. Trước đó, giá đã đạt mức cao kỷ lục kể từ ngày 2/2 là 29,8 US cent/lb. Giá đã tăng 8,1% trong năm nay.

Tại London, đường kỳ hạn tháng 3 kết thúc tháng ở mức giá 724 USD/tấn.

Giá lúa mì tăng mạnh

Giá lúa mì đã tăng 49% chỉ trong 4 tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, do hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng của Nga, buộc nước này phải cấm xuất khẩu.

Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago kết thúc tháng 10 ở 7,17 – 1/4 USD/bushel, tăng 7% trong cả tháng.

Triển vọng thị trường lúa mì thế giới sẽ còn nóng do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn hẹp.

Chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng lượng lúa mỳ nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng lên mức 55 triệu bushel vào năm 2011 so với mức 31 triệu bushel năm 2009

Ông Matt Weimar, phó chủ tịch khu vực của Hiệp hội lúa mỳ Hoa Kỳ (USW) cho biết: “Các nhà chế biến lúa mỳ Trung Quốc cần nhập khẩu thêm lúa mỳ chất lượng cao để trộn lẫn với loại lúa mỳ trong nước có hàm lượng protein trung bình phục vụ việc sản xuất các sản phẩm lúa mỳ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng đối với mặt hàng này. Lượng dự trữ lúa mỳ nhập khẩu của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp, do đó thị trường cần được bổ sung thêm nhiều loại lúa mỳ như lúa mỳ cứng hạt đỏ vụ xuân, lúa mỳ mềm hạt trắng và có thể cả lúa mỳ cứng hạt đỏ vụ đông.

 “Để chứng tỏ rằng lúa mỳ của Hoa Kỳ là lựa chọn đúng đắn đáp ứng nhu cầu đó”, ông Weimar cho biết: “Chúng tôi đang tập trung phổ biến cho các nhà chế biến lớn về khả năng đảm bảo chất lượng và những đặc tính mà họ cần từ chuỗi cung ứng lúa mỳ của Hoa Kỳ”. Ông Weimar cũng lưu ý rằng USW đang nỗ lực để đào tạo các doanh nghiệp chế biến và chủ các lò bánh mỳ của Trung Quốc về cách sản xuất bột và các sản phẩm chất lượng cao thường được chế biến từ lúa mỳ Hoa Kỳ.

Ông Mike Krueger khuyên nông dân tập trung vào việc quảng bá cho mùa vụ và đưa ra nhận định rằng nhu cầu về ngô của Trung Quốc sẽ giúp tăng giá ngô của Hoa Kỳ.

Krueger cho biết, một số chuyên gia phân tích tin rằng Trung Quốc có thể nhập khẩu ngô nhiều hơn từ Hoa Kỳ trong năm marketing này. Đó không phải là một thị trường xuất khẩu lớn cho mặt hàng ngô nhưng mức tiêu thụ thịt tiếp tục tăng và Trung Quốc thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài mặt hàng ngô để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài yếu tố sản lượng ngô ở Hoa Kỳ được dự báo giảm và nhu cầu về ethanol hiện nay không còn cao như trước, nhu cầu ngô từ thị trường Trung Quốc đang là yếu tố nâng đỡ giá lúa mỳ của Hoa Kỳ.

Việc Nga gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sẽ khiến cho thị trường này thêm căng thẳng. Mới đây, thủ tướng Nga đã ký quyết định gia hạn tạm ngừng xuất khẩu lúa mì đến 1/7/2011 tức là tới niên vụ mới 2010 – 2011.

Nguyên nhân là do hạn hán và nắng nóng kỷ lục tại Nga trong vòng 130 năm trở lại đây, gây thiệt hại đáng kể về người và hoa màu đã khiến sản lượng nhiều cây lương thực giảm mạnh trong đó có lúa mì, tình trang tương tự cũng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Chính điều này đã khiến nguồn cung bị sụt giảm nghiêm trọng đẩy giá lúa mì lên cao mức kỷ lục. Hồi tháng 8 vừa qua, giá lúa mì đã tăng đến 80% so với tháng 7, lên đến mức 321 USD/tấn.

Giá thịt lợn giảm mạnh nhất trong 2 năm

Giá thịt lợn trên thị trường Chicago đã có tháng 10 giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm do dấu hiệu cho thấy nguồn cung thịt lợn từ Mỹ tăng. Thị bò có đợt giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 8.

Trên thị trường Chicago, giá thịt lợn kỳ hạn tháng 12 kết thúc tháng 10 ở mức 66,2 US cents/lb, giảm 12% trong tháng nhưng vẫn tăng 0,9% so với đầu năm.

Giá thịt bò kỳ hạn tháng 12 kết thúc tháng ở mức 98,825 US cents/lb, giảm 2,8% trong tuần cuối tháng và giảm 0,8% trong tháng 10, nhưng vẫn cao hơn 15% so với hồi đầu năm.

Theo dự báo mới nhất của USDA (tháng 10/2010), sản lượng thịt bò thế giới năm 2011 đạt 56,66 triệu tấn (giảm 0,18% so với sản lượng 56,76 triệu tấn của năm 2010).

Brazil và Ấn Độ là 2 trong số ít những quốc gia có sản lượng thịt bò dẫn đầu thế giới và có sản lượng tăng trong năm 2011 so với năm trước (Brazil đạt 9,4 triệu tấn, tăng 3%; Ấn Độ 2,92 triệu tấn, tăng 2,5%).
Mỹ, Trung Quốc là 2 quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất thịt bò, trong năm 2011 sản lượng thịt bò của các quốc gia này đều được dự báo giảm so với 2010 (Mỹ giảm 2,3%, đạt 11,56 triệu tấn; Trung Quốc giảm 1,8%, đạt 5,45 triệu tấn).
Sản lượng thịt bò của Achentina trong năm 2011 cũng được dự báo sẽ giảm 1,9%, sản lượng đạt 2,55 triệu tấn. Tổng nhu cầu tiêu thụ thịt bò năm 2011 của thế giới được USDA dự báo sẽ vào khoảng 56,371 triệu tấn, giảm 0,2% so năm 2010.