menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường ngũ cốc và dầu thực vật thế giới quý II/2010

16:54 15/07/2010
Giá hầu hết các loại nông sản đều giảm trong quý II/2010 bởi triển vọng sản lượng tăng.

Giá hầu hết các loại nông sản đều giảm trong quý II/2010 bởi triển vọng sản lượng tăng.

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp quốc (FAO) dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ tăng 0,9% trong niên vụ 2010/11, trong khi sản lượng các ngũ cốc thô như ngô sẽ tăng 1,4%.

Sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ giảm xuống 676,5 triệu tấn so với 682,4 triệu tấn. Sản lượng ngũ cốc thô sẽ đạt 1,13 tỷ tấn, so với 1,12 tỷ tấn.

Tiêu thụ lúa mì dự kiến sẽ tăng 1,8% lên 675 triệu tấn, và tiêu thụ ngũ cốc thô sẽ tăng 2,1% lên 1,13 tỷ tấn.
Báo cáo của FAO viết: “Những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng ngũ cốc sẽ đạt gần kỷ lục cao trong niên vụ 2010/11, làm gia tăng hơn nữa lượng dự trữ ngũ cốc, làm gia tăng cả mậu dịch những sản phẩm này”.
Sản lượng lúa mì thế giới đang giảm sau khi giá giảm 2 năm liên tiếp. Năm 2008, lúa mì, gạo và ngô tăng giá quá mạnh đã gây bạo loạn tại nhiều nước đang phát triển, từ Haiti đến Côđivoa năm 2008.

Ngô

Giá ngô kỳ hạn trên thị trường Chicago đã giảm 2% trong tháng 6/2010 sau khi giảm 4,3% trong tháng 4/2010. Tuy nhiên, tính chung trong quý II năm nay, giá đã tăng 2%.

Kết thúc tháng 6/2010, ngô kỳ hạn tháng 12 đạt giá 3,4775 USD/bushel tại Chicago và 3,4725 USD/bushel tại Paris.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 12 đã mất 9,6% giá trị chỉ trong 12 ngày cuối tháng 6 bởi dự báo nông dân Mỹ - nước trồng và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, có thể tăng diện tích trồng ngô, và sản lượng vì vậy sẽ lặp lại mức kỷ lục cao của năm ngoái.

Hợp đồng giao dịch nhiều nhất này đã tăng gúa 0,8% trong quý II sau khi giảm 17% trong quý I.

Lúa mì

Giá lúa mì đã tăng 4% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 - mức tăng mạnh nhất trong ngày trong 6 tháng trở lại đây sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo diện tích trồng lúa mì và dự trữ mặt hàng này thấp hơn so với các dự báo trên thị trường.

Kết thúc tháng 6, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 ở mức 4,5825 USD/bushel tại Chicago và 4,585 USD/bushel tại Paris. Hợp đồng giao dịch nhiều nhất này đã giảm giá 15% trong 6 tháng đầu năm nay.

Sản lượng lúa mỳ ở Ấn, nước đứng hàng 2 thế giới về sản xuất, được cho là chạm mức 82 triệu tấn trong năm vụ mùa kết thúc vào ngày 30/6/2010.

Con số này cao hơn mức 80,68 triệu tấn mà nước này đã sản xuất trong vụ mùa năm ngoái. Lúa mỳ được gieo trồng vào tháng 10 – tháng 11 và được thu hoạch từ tháng 3 – tháng 4.

Bên cạnh, nguồn dự trữ lúa mỳ liên bang tính đến ngày 28/2 đã đứng ở mức 18,38 triệu tấn, gần gấp đôi nhu cầu của quốc gia cho các chương trình an sinh.

Ấn đã cấm xuất khẩu lúa mỳ năm 2007 nhằm tăng nguồn cung trong nước và kiểm soát giá, nhưng vụ thu hoạch có khả năng đạt kỷ lục năm nay và nguồn dự trữ đã nhiều khiến cho chính phủ liên bang xem xét đến việc cho phép xuất khẩu để làm trống kho cho vụ mới.

Chính phủ Ấn Độ sẽ chỉ cho phép xuất 250.000 tấn lúa mỳ sang Nepal theo giao dịch chính phủ, và không cho phép bất cứ hình thức xuất khẩu nào nữa.

Đại diện cao cấp của công ty lương thực cho biết công ty sẽ thuê thêm kho nếu chính phủ quyết định duy trì lệnh cấm đối với xuất khẩu lúa mỳ. Công ty lương thực quốc doanh này mua hạt lương thực từ nông dân để dùng vào dự trữ liên bang.

Đậu tương

Kết thúc tháng 6/2010, giá đậu tương đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, là quý thứ 2 liên tiếp giảm, sau khi Chính phủ Mỹ thông báo nông dân nước này sẽ trồng nhiều đậu tương hơn dự kiến.

Ước tính nông dân Mỹ sẽ trồng kỷ lục 78,868 triệu acres đậu tương, tăng 1,8% so với 77,451 triệu acre năm ngoái.

Sản lượng dự kiến sẽ tăng tổng cộng 37% ở Brazil và Áchentina, các nước xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 thế giới sau Mỹ.

Kết thúc tháng 6, đậu tương kỳ hạn tháng 11 giá 9,025 USD/bushel tại Chicago. Hợp đồng giao dịch nhiều nhất này đã giảm 4,1% trong quý II bởi dự báo sản lượng của Nam Mỹ sẽ tăng lên. Tại Paris, hợp đồng kỳ hạn tháng 11 kết thúc quý ở mức 9,145 USD/bushel, giảm 2,7% trong quý.

Đậu tương kỳ hạn tháng 7 kết thúc tháng ở giá 9,485 USD/bushel tại Chicago. Hợp đồng này đã mất giá 0,2% trong quý II.

Sản lượng đậu tương Mỹ năm qua đạt trị giá 31,8 tỷ USD, chỉ đứng thứ 2 sau ngô.

Nhập khẩu đậu tương vào trung Quốc, nước NK lớn nhất thế giới, có thể đạt trên 50 triệu tấn trong năm tới.

Trong quý II, ngoại trừ thông tin mua hàng từ phía Trung Quốc, thị trường gần như bão hòa và rất thiếu các thông tin hỗ trợ. Thêm vào đó, các nước xuất khẩu lớn như Achentina, Brazil, Hoa Kỳ hay Ấn Độ đều được dự báo có mức sản lượng lớn và cuộc cạnh tranh giữa những nguồn cung này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Dự báo thị trường đậu tương sẽ tiếp tục bị điều tiết bởi thời tiết, giá sẽ có khả năng biết động mạnh nếu sản lượng giảm trên toàn cầu.

Trong quý tới, hiện tượng thời tiết La Nina có thể ảnh hưởng xấu tới vụ mùa đậu tương ở Mỹ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, và Nam Phi, có thể sẽ gây hạn hán trầm trọng từ đầu tháng 8 năm nay tới tháng 2 năm tới, và do vậy năng suất sẽ bị giảm mạnh.

La Nina là hiện tượng thời tiết lạnh hơn bình thường ở vùng biển Thái Bình Dương, có thể gây thay đổi thời tiết trong đất liền, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây trồng. Nó có thể khiến cho thời tiết ẩm ướt hơn bình thường ở Châu Á, và mưa ít hơn bình thường ở một số nơi của Mỹ, Áchentina và Brazil.

Việc sản lượng giảm ở Mỹ, Áchentina và Brazil - những nước chiếm 82% sản lượng đậu tương toàn cầu – có thể kết thúc việc giá giảm 13% ở Chicago trong năm nay.

Việc gieo trồng ở Brazil, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, có thể bị chậm lại do khô hạn.

Trong khi đó, La Nina có thể gây mưa quá nhiều ở Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất Châu Á, mưa trong mùa mưa (tháng 6 – tháng 9) có thể sẽ cao hơn 102% so với mức trung bình của 50 năm nay.

Dầu cọ

Giá dầu cọ thế giới đã giảm 7,4% trong quý II/2010 do dự báo sản lượng hạt có dầu thế giới đạt kỷ lục cao.

Thời tiết khô hạn trầm trọng ở toàn khu vực Đông Nam Á có thể đe doạ tới sản lượng cao su và dầu cọ. El Nino đang quay trở lại với khu vực sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Đông Nam Á cũng là khu vực chính sản xuất cà phê và ca cao. El Nino gây biến đổi thời tiết, làm cho khu vực trở nên khô hạn, ảnh hưởng tới cả diện tích trồng và năng suất cây.

Malaysia và Indonexia góp khoảng 85% vào sản lượng dầu cọ toàn cầu. Nguồn cung giảm từ hai nước này có thể khiến giá dầu cọ kỳ hạn tăng hơn nữa, sau khi đã tăng 45% từ mức thấp hồi tháng 1/2009.

Nếu từ nay tới tháng 6 không có mưa, cây sẽ kiệt quệ và sẽ rất có hại tới sản lượng, nhất là sản lượng trong nửa cuối năm.

Thiếu mưa ở Indonexia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, khiến sản lượng năm nay sẽ thấp hơn khoảng 5% so với mục tiêu 21,5 triệu tấn. Sản lượng ở nước láng giềng Malaysia chắc chắn cũng sẽ giảm. Người trồng cọ ở đảo Borneo của Malaysia cho biết thời tiết nóng kéo dài có thể làm giảm 10% sản lượng cọ trong tháng này, sau khi đã giảm 15% trong tháng 2 vừa qua. Tình hình ở các khu vực khác của Malaysia cũng không khả quan hơn mấy.

Các nhà phân tích cảnh báo thời tiết khô có thể kéo dài tới năm 2011, làm giảm sản lượng và giảm cung. Thời tiết khô hạn từ năm ngoái gây hậu quả thiếu cung dầu cọ vào năm nay.

Theo ông Dorab Mistry, giám đốc công ty giao dịch dầu thực vật Ấn Độ Godrej International, “Thời tiết khô hạn năm 2010 sẽ ảnh hưởng tới sản lượng quý IV/2010 và quý I/2011”.

Giá ngũ cốc quý II/2010

 

ĐVT

30/6/2010

Ngô tại Mỹ

US cent/bushel

347,75

Đậu tương tại Mỹ

US cent/bushel

953,50

Lúa mì tại Mỹ

US cent/bushel

458,25,00

(Vinanet)