menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường nông sản tuần đến ngày 25/01/2014

09:38 25/01/2014

Lúa gạo: thị trường trấm lắng, giá xuất khẩu giảm nhẹ;Sắn và sản phẩm: giá vẫn giữ ở mức ổn định;Hạt tiêu: Giá tăng cao ...

Lúa gạo: thị trường trấm lắng, giá xuất khẩu giảm nhẹ

Thị trường trầm lắng, giao dịch ít, hầu hết các nhà kho đã ngừng thu mua để chuẩn bị nghỉ tết nguyên đán, giá gạo nguyên liệu xu hướng giảm vào cuối tuần. Giá gạo nguyên liệu IR 50404/dài ở mức 7150-7250/7500-7900 đồng/kg, tại kho.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần giảm nhẹ bởi dự báo nguồn cung gia tăng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 385-395 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, đối với hàng bốc xếp vào cuối tháng 2, khi ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch đông- xuân, giảm so với 395 USD/tấn một tuần trước đây, và so với 400 USD/tấn cách đây một tháng.

Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam đề xuất, năm 2014 vẫn giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ nhưng để doanh nghiệp mua theo giá thị trường.

Phó Chủ tịch VFA- cho biết, năm 2013, mặc dù cả hai đợt tạm trữ đông xuân và hè thu, các doanh nghiệp đã rất cố gắng thu mua lúa, gạo, nhưng hiệu quả tạm trữ không cao.
Vì vậy, VFA kiến nghị, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định trong Nghị định 109/2010 và Thông tư 44/2010 của Bộ Công Thương, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét thay thế giải pháp tạm trữ bằng giải pháp phù hợp hơn. Tuy vậy, việc đề xuất này phải do Bộ NNPTNT thực hiện.

Sắn và sản phẩm: giá vẫn giữ ở mức ổn định

Tại Quy Nhơn, giá mì lát mua vào kho của các doanh nghiệp tiếp tục ổn định ở mức 4.100-4.300 đồng/kg với mì Việt Nam và 4.400-4.450 đồng/kg với mì Campuchia.

Tại Tây Ninh, giá mì nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức 1.900-1.950 đồng/kg. Lượng về tương đối ít, giá giao tại biên giới vẫn ở mức cao 370 Riel/kg.

Năm 2013 xuất khẩu sắn và sản phẩm thu về 1,1 tỷ USD với 3,1 triệu tấn, giảm 25,72% về lượng và giảm 18,63% về kim ngạch. Trong đó sắn xuất khẩu 1,5 triệu tấn, trị giá 385,5 triệu USD, giảm 32,9% về lượng và giảm 31,2% về trị giá so với năm 2012.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng này của Việt Nam, chiếm 85,7% thị phần, kim ngạch 946,4 triệu USD với 2,6 triệu tấn, giảm 28,33% về lượng và giảm 19,79% về trị giá so với năm 2012.

Hạt tiêu: Giá tăng cao

Giá hồ tiêu những ngày gần đây trên thị trường các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ dao động ở mức 146.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 9/2013.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, lượng hồ tiêu tồn kho vào những tháng cuối năm 2013 còn ít, trong khi sản lượng của năm 2014 được dự báo tăng không nhiều, mặt khác nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường ổn định, thậm chí có thể tăng lên, nên giá sản phầm này trong năm nay vẫn ở mức cao.

Lý do để VPA tin tưởng giá hồ tiêu trên thị trường sẽ cao và ổn định là do trong những năm qua lượng hồ tiêu xuất khẩu (XK) của Việt Nam đứng đầu khi chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu XK toàn cầu mỗi năm nên Việt Nam có khả năng tham gia bình ổn thị trường, giá cả nếu có sự thống nhất giữa các DN XK, người trồng hồ tiêu.

Năm 2013, tổng lượng hồ tiêu XK của các nước là 250.000 tấn; trong đó, Việt Nam chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu XK của thế giới. Năm 2013, Việt Nam đã XK trên 133.000 tấn hồ tiêu, tương đương 901 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 14% về lượng và gần 14% về giá trị so với cùng kỳ 2012.

Hiện diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam vào khoảng 60.000 ha. Những tỉnh có thế mạnh về hồ tiêu là các tỉnh Đông Nam bộ chiếm hơn 50% diện tích, Tây nguyên là hơn 31% diện tích cả nước, tiếp đến là các tỉnh miền Trung.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/ Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:Vinanet