menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường than đá thế giới ngày 8/3/2010

15:22 09/03/2010
Giá than trên thị trường Châu Âu tiếp tục giảm. Trung Quốc đang điều khiển thị trường than đá thế giới.

Giá than đá giao ngay trên thị trường Châu Âu giảm trở lại mặc dù giao dịch sôi động. Than Nam Phi giao tại Vịnh Richards kỳ hạn tháng 4 giá 83,25 – 83,75 USD/tấn.

Nhu cầu than Châu Âu lúc này rất thấp, ảnh hưởng tới xu hướng giá, mặc dù nguồn cung tại Indonexia và Australia vẫn khan hiếm.

Nhập khẩu than đá vào Ấn Độ chắc chắn sẽ tăng 21% trong tài khoá kết thúc vào năm 2010/11.

Kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc trong năm nay - sẽ tăng theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế - sẽ hậu thuẫn giá than toàn cầu tăng lên. Kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 9,5%.

Kể từ cuối tháng 8-2009, giá than tăng gần 30%. Vào giữa tháng 1-2010, giá than leo lên 100 đô la Mỹ/tấn, sau đó giảm còn 95 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân một phần vì Trung Quốc đóng cửa các mỏ than nhỏ làm giảm sản lượng than trong nước, dẫn đến nguồn cung eo hẹp. Việc đóng cửa các mỏ than khiến ngành thép của Trung Quốc tăng nhập khẩu than gấp 10 lần.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục làm như vậy, cộng với việc nền kinh tế Mỹ, Tây Âu và toàn cầu hồi phục thì trong 2-3 năm nữa, nhu cầu than trên thị trường sẽ rất chạy” - Giám đốc của Teck Resources, Don Lindsay nói.

Theo nguồn tin Reuters, Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu ròng than đá trong năm nay do nhu cầu mạnh và chính sách bảo toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước để đẩy mạnh an ninh lương thực.

Việc củng cố các mỏ than trong nước khiến cho tốc độ tăng nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy trong năm 2009, số lượng than nhập khẩu của Trung Quốc cao kỷ lục, đạt 126 triệu tấn, gấp ba lần năm trước đó. Lượng nhập khẩu ròng trong năm 2009 là 103 triệu tấn. Năm 2009, Trung Quốc đã thu mua các nguồn than dư của thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nhập khẩu than của Colombia, Nam Phi và Mỹ.

Quí 4-2009, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 10,7%, đẩy mạnh nhu cầu về than. Đồng thời, mùa đông và nhu cầu của ngành thép làm cho nhu cầu than của Trung Quốc tăng lên. Lượng nhập khẩu than tháng 12-2009 đạt 16 triệu tấn, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó, khiến cả năm 2009, lượng nhập khẩu than của Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Sản lượng than của Trung Quốc đầu tháng 3-2010 có thể bị hạn chế do chính phủ tiếp tục đóng cửa các mỏ than nhỏ, trong khi tỉnh Sơn Tây – tỉnh sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc - tiếp tục chỉnh đốn các mỏ than. Một báo cáo cho thấy 98% các mỏ than nhỏ ở Sơn Tây thực hiện sáp nhập nhưng chỉ hơn 80% nhận được giấy phép khai khoáng.

Tuy nhiên, sản lượng than của Trung Quốc có khả năng tăng từ 3 tỉ tấn năm ngoái lên 3,3 tỉ tấn trong năm nay. Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc có nhu cầu lớn về than chủ yếu để đáp ứng năng lực sản xuất trong nước. Do vậy, sản xuất trong nước tăng hoặc giảm nhẹ cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong sản lượng nhập khẩu than.

Trung Quốc đột nhiên trở thành người mua than chính làm thị trường toàn cầu bị dao động vì trước đó, Trung Quốc luôn tự túc về than. Nhà phân tích Ghee Peh của tập đoàn UBS (Thuỵ Sĩ) nói: “Việc vận chuyển than bằng đường biển đến Trung Quốc ngày càng nhiều”.

UBS dự báo từ tháng 4-2010 trở đi, giá than từ 90 đô la Mỹ/tấn sẽ tăng lên 95 đô la Mỹ/tấn do nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên, trong khi nguồn cung ở Ấn Độ và Nam Phi gặp khó khăn. Một nhà phân tích cho biết: “Vào tháng 4, chúng ta sẽ thấy tác động của việc nhập khẩu than của Trung Quốc, khi đó, giá các hợp đồng sẽ cao hơn nữa”.

Giá than tại cảng Tần Hoàng Đảo, cảng than chính của Trung Quốc, tăng lên 1/3 kể từ tháng 8-2009, đến 745 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.045.000 đồng Việt Nam). Các nhà phân tích và kinh doanh cho rằng nguồn cung cấp hạn chế đã đẩy giá than tăng lên.

Nguồn:Vinanet