menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường than đá thế giới tuần kết thúc ngày 02/6/2010

09:58 03/06/2010
Giá than tại Trung Quốc vững nhờ nhu cầu cao trước mùa hè; Ấn Độ có kế hoạch tăng giá than nội địa lên sát giá nhập khẩu; Giá than tại châu Âu giảm.

Giá than tại Trung Quốc vững nhờ nhu cầu cao trước mùa hè; Ấn Độ có kế hoạch tăng giá than nội địa lên sát giá nhập khẩu; Giá than tại châu Âu giảm.

Tại Trung Quốc, giá than đá giao ngay tại cảng Qinhhuangdao - cảng giao dịch than đá lớn nhất Trung Quốc – không đổi trong tuần này so với tuần trước nhờ nhu cầu vững trước thời điểm mùa hè. Giá được dự báo sẽ tiếp tục vững đến tăng trong 2 tháng tới.

Giá loại than đá giá trị nhiệt 5.800 kcal/kg (NAR) vẫn ở mức 785 – 795 NDT/tấn, tương đương 114,9 – 116,4 USD/tấn. Trong khi loại than giá trị nhiệt 5.500 kcal/kg giá 755 – 765 NDT/tấn.

Một chuyên gia phân tích tại Bắc Kinh cho biết, “động lực thúc đẩy nhu cầu than đốt nhiệt từ hạn hán tại các tỉnh phía tây nam Trung Quốc đã qua, nguồn cung đang được cải thiện, còn nhu cầu vẫn khá thưa thớt”.

Theo số liệu từ website sxcoal.com, dự trữ than đá tại các nhà máy năng lượng quan trọng của Trung Quốc đã tăng gần 4% lên 49,8 triệu tấn tính đến ngày 31/5, đủ cho 16 ngày sử dụng nữa. Trong khi 1 tuần trước đó, dự trữ than chỉ đủ dùng cho 15 ngày.

Riêng tại cảng Qinhuangdao, dự trữ than đã đã tăng 14% trong tuần tính đến ngày 01/6 so với tuần trước đó, lên 6,1 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đang có kế hoạch đưa giá than ở thị trường nội địa lên bằng giá trên thị trường thế giới, sự chuyển đổi có thể bắt đầu từ việc tăng thuế năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Than đá, Sriprakash Jaiswal, cho biết, sự xem xét về giá gần đây là nỗ lực của chính phủ nhằm đưa giá ở thị trường nội địa về gần mức giá nhập khẩu.

“Nếu thừa, anh có thể bao cấp, nhưng chúng tôi là nhà nhập khẩu than đá, vì thế tôi cho rằng sự liên kết giữa giá trong và ngoài nước là điều không thể tránh khỏi”, Montek Singh Ahluwalia, phó chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch thuộc Bộ Than đá phát biểu.

Hiện tại, giá than nhiệt ở thị trường nội địa chỉ bằng một nửa so với giá nhập khẩu.

Công ty sản xuất than đá lớn nhất Ấn Độ - công ty nhà nước Coal India - thường đưa ra giá than thấp hơn nhiều so với giá thế giới, tất nhiên có sự chấp thuận của chính phủ, nhằm giữ giá nguyên liệu thô ở mức thấp cho các ngành công nghiệp chủ lực trong đó có năng lượng.

Trong khi đó, giá than đá giao vào châu Âu, FOB, giá than giảm 75 cent/tấn trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6.

Giao dịch trên thị trường vẫn bình thường. Thông tin về khả năng sẽ có cuộc đình công của các công nhân công ty sản xuất than Drummond ở Colombia cũng không ảnh hưởng gì đến giá.

Giá than Nam Phi kỳ hạn tháng 7 giao vào châu Âu chào mua ở 91,50 USD/tấn và giá chào bán là 92,50 USD/tấn, FOB, Richards Bay, giảm 50 cent so với phiên trước đó. Kỳ hạn tháng 8 trong khi đó chào mua ở 91,50 USD và chào bán ở 93,00 USD/tấn, giảm 1 USD so với phiên trước.

Các thương nhân cho rằng nguồn cung sẽ eo hẹp trong mùa hè này, và cuộc đình công ở Colombia có thể xảy ra trong vài tuần hoặc hơn có thể sẽ giúp giá than ở mức cao hơn nếu họ buộc phải mua than từ các nơi khác thay thế.

Dự trữ than tại Richards Bay Coal Terminal của Nam Phi đang tăng chậm trở lại. Tính đến ngày 1/6, dự trữ than ở đây ở quanh mức 2,1 triệu tấn, giảm so với mức trên 5 triệu tấn kể từ trước khi có cuộc đình công của công nhân đường sắt và công nhân cảng Transnet bắt đầu hôm 10/5.

Trong năm 2010, tổng xuất khẩu than đá của Nam Phi dự kiến đạt 65 triệu tấn, do đình công .

Thị trường giờ đây đang dõi theo tình hình xuất khẩu than đá của Nam Phi bởi đây là một trong những yếu tố giúp giữ nguồn cung ở mức thấp như hiện tại. Ngoài ra, thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào châu Á, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ– nơi nhu cầu nhập khẩu cao – và giá nhập khẩu vào khu vực này thường mang tính định hướng cho toàn bộ thị trường.

Số liệu xuất khẩu của Richards Bay cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nhu cầu than đá tại châu Á không kể đến Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng khá mạnh. Nhập khẩu của Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm gần 3 triệu tấn trong tổng 20 tấn đã xuất khẩu của Nam Phi kể từ đầu năm tới nay.

(Vinanet - N.H)