menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tiền tệ thế giới tuần kết thúc ngày 16/05/2009

14:12 19/05/2009

Thị trường tiền tệ thế giới tuần qua chứng kiến sự giảm giá trở lại của đồng Euro so với USD và tiếp tục giảm hàng tuần so với đồng yên do kinh tế của 16 nước trong khu vực đồng Euro đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất 13 năm qua gây tâm lý lo ngại tốc độ hồi phục kinh tế sẽ chậm lại.
Đồng yên tiếp tục tăng lên so với các đồng tiền  khác kể  cả đồng rand của Nam Phi và đồng krone của Nauy do dự trữ giảm đã không khuyến khích được các nhà đầu tư mua các tài sản có sản lượng cao hơn bằng đồng yên Nhật Bản. Euro đã có tuần giảm đầu tiên trong một tháng qua so với USD do GDP trong vùng yếu.
Euro đã giảm 1,1% còn 1,3488/ USD vào 4:30 chiều qua tại Niu Oóc, so với mức 1,3639/ USD ngày hôm trước đó và giảm 1,1% trong tuần qua. Đồng Euro đã giảm 1,9% còn 128,23 Yên so với 130,67 yên, giảm 4,5% trong tuần này. Đồng USD giảm 0,8% còn 95,07 Yên so với 95,80 Yên, tiếp tục giảm 3,4% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Trong tuần này, đồng Yên tăng cao so với 16 đồng tiền giao dịch sôi động nhất do dự báo kinh tế suy yếu sẽ gây giảm nhu cầu giao dịch “ carry trade”, đó là các nhà đầu tư vay vốn tại nước có lãi suất cho vay thấp đầu tư mua các tài sản có khả năng sinh lời cao hơn.
Đồng Yên đã tăng 9,7% lên mức 10,85/ rand Nam Phi và tăng 7,1% lên 14,51/ krone của Nauy trong tuần này. Ngân hàng Nhật Bản hiện đang cho vay với lãi suất 0,1% so với mức 8,5% tại Nam Phi và 1,5% tại Na Uy. Chứng khoán Mỹ đã giảm trong ngày giao dịch cuối tuần, chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s500 Index mở rộng biên độ giảm hàng  tuần của lên 5%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2009.
Cơ quan thống kê của Liên Minh Châu Âu cho biết GDP của các nước sử dụng đồng Euro đã giảm 2,5% trong quý đầu năm nay sau khi  giảm 1,6% trong quý trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ các số liệu về GDP của khu vực đồng Euro được thông báo trong năm 1995 và vượt quá mức dự báo của các chuyên gia kinh tế Blooberg là 2%.
Đồng Frand Thuỵ Sĩ đã giảm mạnh so với Euro trong tuần qua, giảm 0,6% - mức giảm cao nhất kể từ 07/05, thời điểm đạt 1,5146/ euro. Đôla Niuzêlân đã giảm 2,2% còn 58,39 Ucent trong ngày hôm nay và đạt mức giảm kỷ lục 3,3% hàng tuần so với đồng bạc xanh sau khi các số liệu chính thức cho biết khối lượng bán lẻ giảm kỷ lục quý thứ 6 liên tiếp, giảm 2,9% so với 3 tháng trước đó.
Trong tuần qua, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) một số nước tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn, đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế.
Ngày 10/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực Trung Đông và Trung Á năm 2009 ở mức 2,6%, thấp hơn ½ so với mức tăng của năm 2008 (5,7%), tuy nhiên tình hình kinh tế của khu vực này vẫn khả quan hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ và trữ lượng dầu mỏ dồi dào.
Tại Mỹ, tuần qua Bộ Tài chính Mỹ đề xuất một số biện pháp để quản lý chặt chẽ các giao dịch phái sinh trên thị trường tài chính thông qua sử dụng hệ thống điện tử để giám sát hoạt động mua và bán các công cụ này trên thị trường, các công ty tham gia các giao dịch phái sinh phải có đủ vốn để đề phòng trường hợp mất khả năng thanh toán, đồng thời phải cung cấp các báo cáo tài chính một cách nghiêm ngặt cho các cơ quan giám sát.
Bốn ngân hàng lớn là US Bancorp, Capital One Financial Corp, BB&T Corp và Bank of New York Mellon Corp cho biết sẽ phát hành thêm tổng cộng khoảng 6,55 tỷ USD cổ phiếu phổ thông để thanh toán cho các khoản vay hỗ trợ từ chính phủ Mỹ sau khi có kết quả cuộc kiểm tra tài chính 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
 Hai tập đoàn hỗ trợ hoạt động cho vay thế chấp hàng đầu của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae đang kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ thêm tài chính do tiếp tục bị thua lỗ lần lượt là 9,9 tỷ USD và 23,3 tỷ USD trong quý I/2009.
 Tại Nhật Bản, hai ngân hàng có quy mô ở mức trung bình của Nhật Bản là Shinsei Bank và Aozora Bank sẽ tiến hành sáp nhập để hình thành ngân hàng lớn thứ 6 tại Nhật Bản với tổng tài sản trị giá 18.000 tỷ Yên (hơn 180 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, thì thặng dư cán cân vãng lai của nước này trong tháng 3 giảm 48,8% so với cùng kỳ 2008 do xuất khẩu tháng 3 giảm tới 46,5%, trong khi nhập khẩu giảm 37,8% so với cùng kỳ.

Nguồn:Vinanet