menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường trong nước thời gian gần đây

09:34 17/04/2009

Từ đầu tháng 4 đến nay, Bộ Tài chính đã 2 lần điều chỉnh giá xăng lên 12.000 đ/lít, theo đó mà giá các hàng hoá, dịch vụ cũng rục rịch tăng theo giá xăng;Do giá nguyên liệu thức ăn tăng cùng với việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm thời gian qua đã làm thị trường bán lẻ có dấu hiệu tăng cao...

*Giá hàng hoá tăng theo giá xăng

Từ đầu tháng 4, Bộ Tài Chính đã 2 lần điều chỉnh giá xăng tăng lên 12.000 đồng/ lít. Theo đó, hàng hóa - dịch vụ cũng rục rịch tăng giá.

Tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu đã điều chỉnh tăng giá từ 5- 7%. Các loại thực phẩm tươi sống đã có mức tăng từ 3.000- 5.000 đồng/kg. Các loại rau, củ cũng có mức tăng khá cao, từ 1.000 – 5.000 đồng/kg...

Chợ rau Long Biên là nơi cung cấp nhiều rau xanh nhất cho thị trường Hà Nội, nhiều người bán hàng ở đây cho biết, sau khi giá xăng tăng, giá rau đã tăng lên thêm vài giá nữa do chi phí xăng xe và phân bón đều bị “đội” lên. Và mặt hàng rau xanh là một trong những mặt hàng tăng giá khá cao tại thời điểm này.

Giá của nhiều mặt hàng trong siêu thị cũng đang chịu sức ép của giá xăng, nhưng vì đặc thù của siêu thị thời gian này sức mua đang chậm nên nếu tăng giá sẽ gây bất lợi và khó khăn cho các siêu thị.

*Tăng thuế nhập khẩu thịt, rau quả tự nâng giá

Do giá nguyên liệu thức ăn tăng cùng với việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm thời gian qua đã làm cho thị trường bán lẻ có dấu hiệu tăng cao.

Tại các chợ đầu mối, giá thịt lợn hơi tuy đã giảm lại còn 40.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với tuần đầu tháng 4, nhưng vẫn còn khá cao so với mức giá 36.000 – 37.000 đồng cách đây hai tháng. Theo đó, giá gà công nghiệp, gia cầm  khác cũng tăng thêm khoảng từ 15 – 20% so với giá cũ.

Nguyên nhân tăng giá thịt lợn và gia cầm là do những chủ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải mua thức ăn đầu vào với giá cao. Thêm vào đó, là do sau Tết tình trạng dịch bệnh kéo dài dẫn đến việc hao hụt con giống, giá lợn giống bị đẩy lên khá cao. Và một phần cũng do việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm.

Theo số liệu thống kê, sau hai lần thực hiện chính sách nâng thuế nhập khẩu một số loại thịt đông lạnh, lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2008.

*Giá tăng cao, nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm mạnh

Giá cả tăng cao trong khi thu thập giảm sút đã khiến người tiêu dùng thắt chặt hơn trong chi tiêu. Nhiều người đã chuyển hướng mua sắm từ chợ sang siêu thị.

Các mặt hàng thực phẩm, tươi sống như thịt cá tại các chợ Tp.Hồ Chí Minh, bán khá chậm, lượng hàng về chợ trong tuần giảm 15% so với tháng trước. Giá xăng tăng kéo theo giá các loại cá ngân, cá bạc má tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg. Sức mua chậm đến mức nhiều tiểu thương không còn mặn mà lấy hàng về bán.

Các chủ hộ kinh doanh cho biết, khách mua đông vào khoảng 8 – 9h sáng, sau đó các dãy hàng thực phẩm đều vắng hoe. Thịt, cá, tôm, rau củ quả bày đầy trên các khay, các sạp và dù nhìn khá tươi ngon cũng chẳng thuyết phục được khách ghé mua.

Trước giá cả tăng như vậy, tâm lý người dân có xu hướng chuộng đến siêu thị mua sắm vì ở đấy tiện nghi hơn và giá cả có lẽ phải chăng hơn ở chợ.  Các trung tâm thương mại, siêu thị không ngừng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do giá cả tăng, nên người dân chắt chiu trong việc mua sắm, sức mua ở các siêu thị và các trung tâm mua sắm cũng giảm mạnh.

Tại siêu thị, không còn cảnh khách chen nhau xếp hàng chờ ở quầy tính tiền như trước, cho dù đó là những ngày cuối tuần ở Metro, Co.opmart, Maximark…

Sức mua giảm sút khiến các hệ thống siêu thị lớn đang tập trung đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút, kích thích mua sắm. Tuy nhiên, để kích cầu không chỉ tăng khuyến mãi mà cần phải thay đổi hình thức khuyến mãi.

Chuyển các giá trị quà tặng bằng sản phẩm hay dịch vụ vào giá là một trong những cách đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Bởi người tiêu dùng đang rất nhạy cảm với giá, nên nhà kinh doanh nào chia sẻ được với nỗi khó khăn của từng gia đình, thì sẽ bán tốt hơn. Để làm đựơc điều đó, một số siêu thị cần nỗ lực đàm phán, chia sẻ với nhà cung cấp, sản xuất để giảm giá hơn nữa cho người tiêu dùng và tạo thế cạnh tranh giữa các siêu thị với nhau.

*Các cửa hàng nội thất ào ạt giảm giá nhằm kích cầu

Đây cũng là cách để giải phóng lượng hàng tồn kho do xuất khẩu ngưng trệ vì tác động của khủng hoảng kinh tế.

Từ đầu tháng 4, hệ thống siêu thị nội thất Nhà Đẹp tại TP HCM bắt đầu chương trình khuyến mãi, giảm giá tất cả các sản phẩm với nhiều mức hấp dẫn: giảm 20% với trọn bộ sản phẩm của phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ; giảm 5% cho khách mua sản phẩm lẻ...

Trong khi đó, hệ thống Nhà Đẹp tại Hà Nội từ 1/4 đến 15/5 có đến 1.000 sản phẩm đồ gỗ giảm giá 10 - 50% và kèm thêm quà tặng khách hành. Trong đó, mức giảm phổ biến nhất là 30% với các loại bàn phấn (từ 4,3 triệu xuống 3 triệu đồng một sản phẩm); các loại tủ đầu giường (còn khoảng 500.000 - 900.000 đồng); tủ quần áo (14 triệu xuống 9,9 triệu đồng… Những món quà đi kèm mà khách hàng có thể được nhận ngay là gối, đệm...

Hệ thống các showroom của Nhà Xinh từ 10/4 đến 10/5 cũng giảm giá đến 35% và kèm theo quà tặng là những sản phẩm trang trí nội thất cho nhiều mặt hàng.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng loạt nhà máy đồ gỗ xuất khẩu tại các tỉnh Bình Dương, TP HCM… rơi vào tình trạng ngưng trệ sản xuất, lượng hàng ứ đọng do không xuất khẩu được ngày càng nhiều.

 Để giải quyết tình hình, hàng nội thất xuất khẩu được đưa ra tràn ngập các cửa hàng bán lẻ.

 

Nguồn:Vinanet