menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin lúa gạo thế giới ngày 24-10

21:00 21/10/2012

Dự trữ gạo Philippine tính tới 1-9-2012 là 1,44 triệu tấn, thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, và cũng thấp nhất tính ở thời điểm đầu tháng 9 kể từ năm 2009 tới nay.
  
  

(VINANET) - Dự trữ gạo Philippine giảm 40%

Theo Cục Thống kê Nông nghiệp Philippine (BAS), dự trữ gạo nước này tính tới 1-9-2012 là 1,44 triệu tấn, thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, và cũng thấp nhất tính ở thời điểm đầu tháng 9 kể từ năm 2009 tới nay.

Fwj trữ giảm mạnh chủ yếu do lượng dự trữ mà Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) nắm giữ giảm mạnh, hiện chỉ 520.000 tấn, giảm 62,4% so với mức gần 1,4 triệu tấn tháng 9 năm ngoái. Dự trữ của các công ty thương mại là 390.000 tấn, giảm 19%, còn của các hộ gia đình chỉ giảm 2,7% xuống 530.000 tấn.

Dự trữ trong tháng 9 giảm 2% so với tháng 8, từ mức 530.000 tấn xuống 520.000 ttaans.

BAS cho biết tổng lượng dự trữ của nước này đủ dùng trong 43 ngày.

Được biết, dự trữ gạo của Philippine thường thấp vào t háng 9, trước khi vào vụ thu hoạch mới. Vụ thu hoạch chính của Philippine kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, còn vụ thứ 2 từ tháng 1 đến tháng 4.

Thái Lan: XK gạo thơm phải cạnh tranh với Việt Nam và Campuchia

Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) đã thúc giục chính phủ xúc tiến nhanh việc nghiên cứu và phát triển gạo thơm để tăng năng suất và chất lượng hơn nữa, bởi loại gạo này đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo cùng loại của Việt Nam và Campuchia.

Chủ tịch cho biết trong khi Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo thơm hàng đầu thế giới với 900.000 tấn tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến sát với 700.000 tấn. Ông cho biết cả Việt Nam và Campuchia đều tăng cường sản xuất gạo thơm và giá rẻ hơn khoảng 200 đến 500 USD/tấn so với gạo thơm Thái Lan – hiện 1.100 USD/tấn.

Chủ tịch yêu cầu các nhà cung cấp gạo trong nước đạt tiêu chuẩn 80-90% gạo thơm nguyên chất và chính phủ phải cải tiến việc nghiên cứu nhằm giúp nông dân có được những giống lúa thơm Thái Lan có hạt dài hơn và thơm hơn.

Bộ Nông nghiệp Ấn Độ: XK gạo có thể đạt 8-9 triệu tấn

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ cho biết tổng xuất khẩu gạo năm nay chắc chắn sẽ đạt khoảng 8-9 triệu tấn, mặc dù sản lượng niên vụ 2012-13 ước tính giảm nhẹ.
Bộ trưởng cho biết Ấn Độ đã trở thành nước cung cấp gạo và các lương thực khác lớn trên thị trường quốc tế, và đã đưa ra chính sách xuất khẩu dài hạn, giúp tăng tổng xuất khẩu nông sản thêm trên 50% lên 1,87 tỷ rupee (khoảng 355 triệu USD) trong tài khóa 2011-12.

Ông cho biết trong niên vụ 2011-12 Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo, bao gồm 3,5 triệu tấn gạo basmati. Bộ trưởng ước tính xuất khẩu gạo năm 2012-13 sẽ đạt 8-9 triệu tấn, cao hơn khoảng 1 triệu tấn hay 11% so với con số 7 triệu tấn mà USDA dự đoán.

Theo USDA, tổng xuất khẩu gạo Ấn Độ năm marketing 2011-12 (tháng 9-tháng 10_ ước đạt 10 triệu tấn. Năm 2011-12 Ấn Độ sản xuất kỷ lục 104,3 triệu tấn gạo, nhưng sản lượng giảm khoảng 6% trong năm 2012-13 do thiếu mưa trong vụ gieo trồng.

Indonesia: Bulog cho biết 2012 sẽ nhập khẩu 770.000 tấn

Cơ quan Thu mua Quốc gia Indonesia (Bulog) dự báo nhập khẩu gạo năm nay sẽ vào khoảng 500.000 đến 770.000 tấn, và sẽ ưu tiên chọn gạo Ấn Độ và Việt Nam vì giá rẻ hơn gạo Thái Lan.

Bulog thường duy trì lượng dự trữ từ 1,5 đến 2 triệu tấn bằng việc thu mua của bà con trong nước hoặc các nhà xuất khẩu trong khu vực.

“Nếu chúng tôi có thể mua thêm 200.000-250.000 tấn trong nước vào tháng 11 và 12 tới, tổng lượng thu mua trong nước của chúng tôi sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn”, lãnh đạo Bulog cho biết.

Vụ thu hoạch chính của Indonesia vào tháng 6-8, còn vụ thứ 2 vào cuối quý I.

Indonnesia dự kiến sản lượng gạo xay sẽ khoảng 68 triệu tấn trong năm nay, và có tham vọng duy trì mức dự trữ 10 triệu tấn vào năm 2014.

Indonesia tự cung được lúa gạo vào đầu những năm 1980, nhưng sản lượng giảm dần do xu hướng đô thị hóa và dân số tăng. Mỗi tháng nước này tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn gạo, và không ngừng tăng.

Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ với Thái Lan về việc nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, với Việt Nam về 1,5 triệu tấn, Campuchia với 100.000 tấn và Myanmar với 200.000 tấn.

(T.H –Oryza, Reuters)