menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin nổi bật trên thị trường hàng hoá thế giới tuần 5 – 11/7/2010

11:22 13/07/2010
Giá hàng hoá tuần qua tăng khá mạnh. Chỉ số S&P GSCI Total Return Index 24 nguyên liệu kết thúc tuần tăng 0,4% so với ngày trước đó. Tính chung trong cả tuần, chỉ số này tăng 3,9%.

Giá hàng hoá tuần qua tăng khá mạnh. Chỉ số S&P GSCI Total Return Index 24 nguyên liệu kết thúc tuần tăng 0,4% so với ngày trước đó. Tính chung trong cả tuần, chỉ số này tăng 3,9%.

Các ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Ấn Độ đã tăng tỷ lệ lãi suất trong 15 ngày qua, dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ ở Châu Âu sẽ không làm chệch đà tăng trưởng kinh tế.

Kim loại quý

Sau khi lập kỷ lục cao 1.266,50 USD/ounce, giá vàng đã giảm xuống hiện ở dưới mức 1.200 USD/ounce. Tuy nhiên, điều này đã thúc đẩy hoạt động mua vào từ nhiều nước, và điều đó có thể đẩy giá tăng trở lại.

Ngân hàng trung ương Philippine đã mua 9,5 tấn vàng, đưa tổng lượng vàng nắm giữ lên tới 164,7 tấn.

Tính chung trong tuần qua, giá vàng đã tăng 0,2%, còn từ đầu năm tới nay vàng tăng giá 10%. Lượng vàng trong tay của SPDR Gold Trust – quý giao dịch lớn nhất thế giới, đã giảm 0,3% xuống 1.316,036 tấn sau khi lập kỷ lục cao vào ngày 29/6/2010.

Phiên giao dịch cuối tuần qua, vàng kỳ hạn tháng 8 tại Comex (New York) đã tăng giá 13,70 USD hay 1,1%, đạt 1209,80 USD/ounce, mức tăng mạnh nhất kể từ 17/6/2010. Ngày 7/7/2010, vàng đã giảm xuống chỉ 1.185 USD/ounce, mức thấp chưa từng có kể từ ngày 24/5/2010.

Trong số các yếu tố hỗ trợ giá kim loại quý hồi phục phải kể đến việc đồng Euro giảm giá so với USD. Vàng đã lập kỷ lục cao về gias tính theo đồng Euro, đồng Bảng Anh và Franc Thuỵ Sỹ trong tháng vừa qua bởi nhu cầu cao trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Âu. Sự hồi phục giá vàng có liên quan rất nhiều tới diễn biến cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đó, giá bạc kỳ hạn tháng 9 cuối tuần qua tăng 20,1 US cent hay 1,1% lên 18,073 USD/ounce tại Comex, tăng 2% trong cả tuần qua.

Platinum kỳ hạn tháng 10 tăng 16,80 USD hay 1,1% lên 1.533,20 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần. Palladium kỳ hạn tháng 9 tăng 12,55 USD hay 2,8%, đạt 456.95/ounce cũng tại Nymex. Platinum tăng giá 2% trong tuần qua, còn palladium tăng giá 7%, là tuần đầu tiên tăng giá kể từ ngày 18/6/2010.

Năng lượng

Giá dầu lửa tuần qua đã tăng trở lại sau khi giảm xuống chỉ 72 USD/thùng vào tuần trước nữa. Triển vọng lạc quan về nhu cầu đang hỗ trợ giá dầu. Kết thúc tuần, dầu thô kỳ hạn tháng 8 có giá 76,09 USD/thùng. Tính chung trong tuần qua, giá dầu đã tăng 5,5%, là tuần tăng giá mạnh nhất kể từ 28/5/2010. Các nhà đầu tư thường theo dõi thị trrường cổ phiếu, khi thấy giá tăng chứng tỏ triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa, và khi đó học tích cực mua dầu vào.

Các yếu tố cơ bản đối với thị trường dầu lửa rất khả quan ngay cả khi triển vọng tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia trở nên u ám có thể gây sức ép tới dự báo về triển vọng giá dầu năm 2010 và 2011.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm 5 triệu thùng trong tuần qua, giảm nhiều gấp đôi so với dự báo.

Dầu đốt kỳ hạn tháng 8 kết thúc tuần qua tăng giá 2,08 US cent hay 1% đạt 2,0261 USD/gallon tại New York. Hợp đồng này đã tăng giá 5,8% trong tuần qua.

Phiên giao dịch đầu tuần qua, giá dầu thô đã rơi xuống mức thấp nhất trong một tháng do giới kinh doanh phản ứng trước triển vọng bất ổn của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong bối cảnh sự hồi phục của kinh tế thế giới còn khá mong manh. Phiên 5/7, giá dầu thô có lúc dừng ở mức 71,06 USD/thùng tại London và 71,34 USD/thùng tại New York, mức thấp nhất kể từ ngày 7/6/2010. Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2010 trên sàn giao dịch điện tử New York giảm 68 xu so với phiên cuối tuần trước xuống 71,46 USD/thùng.
Tổng nhu cầu nhiên liệu của Mỹ trong tuần tăng 3,2% đạt 19,6 triệu thùng/ngày. Đây là tuần tăng mạnh nhất kể từ 30/4/2010. Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 giá tăng 66 US cent hay 0,9%, đạt 75,37 USD/thùng tại Sở giao dịch hàng hoá London.

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu lửa thế giới sẽ chậm lại trong 5 năm tới do tiêu thụ của Trung Quốc không như kỳ vọng.

Dự báo tiêu thụ sẽ tăng 1% đạt 91,93 triệu thùng/ngày vào năm 2015, giảm so với mức tăng 1,5% dự báo cho năm 2010 với giả thiết tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 4,5% kể từ năm 2010.

Tuy nhiên trung bình trong 5 năm tới, IEA dự đoán nhu cầu về dầu mỏ của toàn cầu sẽ 1,4% mỗi năm do triển vọng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện.

Năm 2009, IEA dự đoán nhu cầu về dầu tăng trung bình mỗi năm 0,6% trong thời gian từ 2008-2014.

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng mạnh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, nhưng sẽ giảm hoặc chỉ tăng nhẹ ở những khu vực khác, nhất là ở châu Âu, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế còn rất mong manh.

Kim loại cơ bản

Giá kim loại cơ bản tuần qua đã hồi phục trở lại sau 2 tuần giảm giá bởi thị trường chứng khoán tăng giá và dự trữ ở Sở giao dịch kim loại London giảm cho thấy tiêu thụ đang hồi phục mạnh.

Giá đồng đã giảm 17% trong quý 2/2010 do lo ngại về nhu cầu. Tuy nhiên trong tuần qua, kim loại đỏ đã tăng giá 4,7% với niềm hy vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 sẽ đẩy nhu cầu tăng lên. Nhập khẩu đồng vào Trung Quốc tăng cũng hỗ trợ giá kim loại này. Nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 6 tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tháng.

Kết thúc tuần, đồng kỳ hạn tháng 9 tại New York đạt giá 3,0535 USD/lb.

Nguồn cung đồng ở Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tuần qua giảm 5,7%, tuần thứ 9 liên tiếp giảm trong vòng 10 tuần qua. Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn thứ nhất thế giới, trên cả Mỹ.

Các kim loại cơ bản khác cũng tăng giá trong tuần qua, trong đó giá thiếc và nickel tăng 100 USD/tấn lên 17.650 USD/tấn và 19.500 USD/tấn.

Dầu và hạt có dầu

Thị trường đậu tương thế giới quay đầu tăng giá do dự báo Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, sẽ tăng cường mua đậu tương Mỹ để bù lấp sản lượng giảm trong nước. Thời tiết xấu đã ảnh hưởng tới vụ mùa của Trung Quốc và do vậy làm gia tăng nhu cầu nhập đậu tương từ Mỹ. Mưa quá nhiều ở khu trung tây nước Mỹ cũng hỗ trợ giá đậu tương thế giới tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các nhà xuất khẩu nước nàyd dã bán 116.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc kỳ hạn giao sau 31/8. Trung Quốc đã giảm nhập khẩu dầu đậu tương từ Áchentina - nước cung cấp lớn nhất thế giới. Nhập khẩu từ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục cao trong tháng 6. Nhập khẩu đậu tương cũng tăng lên bởi thời tiết nóng và mưa lớn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện giá đậu tương vẫn thấp hơn 9% so với hồi đầu năm bởi dự báo sản lượng toàn cầu sẽ đạt kỷ lục cao.

Kết thúc tuần, đậu tương kỳ hạn tháng 11 giá tăng 7,25 US cent hay 0,8% lên 9,5325 USD/bushel tại Chicago sau khi đạt 9,5875 USD/bushel trong cùng ngày, mức cao nhất kể từ 14/5/2010. Hợp đồng giao dịch nhiều nhất này giá đã tăng 5,2% trong tuần qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11.

Cao su

Giá cao su physical trên thị trường Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục cao, loại RSS4 lên tới 185 Rupee/kg do thiếu cung và lượng mua mạnh.

Tại Ấn Độ, giá cao su đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm nay. Sản lượng cao su Ấn Độ tăng 5,1% trong tháng 6 đạt 57.000 tấn, trong khi tiêu thụ tăng 1,1% đạt 75.000 tấn, theo thống kê của Uỷ ban Cao su.

Nhập khẩu cao su vào Ấn Độ trong tháng qua giảm hơn 1 nửa xuống 9.255 tấn, do giá tăng trên thị trường thế giới. Trong cùng tháng năm ngoái, Ấn Độ nhập khẩu tới 20.258 tấn cao su.

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý thị trường Campuchia (CamControl), lượng cao su xuất khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2010 đã giảm tới hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 13.057 tấn xuống 9.730 tấn, do thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm, làm giảm đáng kể sản lượng cao su.

Chủ tịch Công ty Chub Rubber Plantation (CRP), Mok Kim Hong cho biết lượng mưa trung bình giảm và thời tiết liên tục nắng nóng tại Campuchia đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ sản xuất của công ty. Từ đầu năm, CRP còn chưa đầy một nửa số diện tích 15.000 ha cao su dành cho khai thác mủ, khiến công ty chỉ mới xuất khẩu được khoảng 2.000 tấn mủ cao su, thấp hơn nhiều so với mức 9.000- 10.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu cao su từ Trung Quốc ngày một lớn đã đẩy giá cao su trên các thị trường quốc tế tăng cao. Hãng Bloomberg dẫn báo cáo của Royal Bank of Scotland Asia Securities (Xingapo) Pte., dự báo giá cao su tự nhiên có thể tăng 26% lên mức trung bình 4.500 USD/tấn vào năm tới (so với mức tương ứng 3.580 USD/tấn trong 6 tháng đầu năm nay), do cung thấp hơn cầu vì mưa lớn ở miền Nam Thái Lan làm gián đoạn nguồn cung và mức dự trữ ở Trung Quốc thấp hơn dự kiến (so với mức tương ứng 3.580 USD/tấn trong 6 tháng đầu năm nay).

Hồi cuối năm ngoái, trong nỗ lực tăng diện tích trồng cao su lên 150.000 ha vào năm 2015, Campuchia đã ký bản ghi nhớ nhượng quyền 100.000 ha đất cho 14 công ty cao su Việt Nam đang hoạt động tại các tỉnh Mondulkiri, Ratanakiri, Kampong Thom, Kratie và Preah Vihear. Các công ty thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã trồng được 10.000 ha cao su trong năm 2009, và dự kiến trồng thêm 20.000 ha vào cuối năm 2010.

VRG đặt mục tiêu năm 2017 có thể bắt đầu khai thác cao su, với sản lượng trong vụ thu hoạch đầu tiên ước đạt 150.000 tấn mủ và sẽ tăng lên 250.000 tấn vào năm 2020, khi toàn bộ diện tích cao su khoảng 100.000 ha của VRG đi vào khai thác.

Hạt tiêu
Giá hạt tiêu trên thị trường Ấn Độ tăng trong tuần qua nhờ hoạt động mua mạnh từ các nhà xuất khẩu và nguồn cung hạn chế. Trên thị trường thế giới, sản lượng giảm ở Việt Nam đang hỗ trợ giá. Vụ mùa của Indonexia năm nay dự kiến sẽ giảm so với năm ngoái. Xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ giảm 12% trong tháng 4 so với cùng tháng năm ngoái, xuống 1450 tấn. Tại Ấn Độ, hạt tiêu kỳ hạn tháng 7 giá tăng từ 17603 Rupee lên 18652 Rupee.

Đường

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 tuần qua tăng 7,5% đạt 528,90 USD/tấn tại Sở giao dịch hàng hoá London (Liffe). Đồng thời, đường thô tại New York cùng kỳ hạn giá tăng 1,4% lên 17,33 US cent/lb.

Theo nguồn tin Reuters, Thái Lan hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 trên thế giới, giờ đây lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu đường. Nửa cuối năm 2010, khả năng Thái Lan có thể xuất khẩu đường là rất thấp.

Thái Lan thiếu đường khiến các nước nhập khẩu đường truyền thống của Thái Lan như Indonesia, Pakistan và Trung Đông phải tìm nguồn cung cấp khác. Áp lực tăng giá đường sẽ gia tăng.

Trong ngắn hạn sắp tới, nhu cầu của nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới là Ấn Độ sẽ tăng cao trong mùa lễ hội, từ tháng 8 – tháng 10. Song song đó, Indonesia và các nước Hồi giáo khác cũng tăng nhu cầu trước lễ Ramadan, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.

Hoá chất

Giá polystyrene giao ngay trên thị trường Châu Á tuần qua tiế tục giảm do giá nguyên liệu giảm và nhu cầu yếu. Dự báo nhu cầu polystyrene sẽ chưa sớm hồi phục bởi các nhà sản xuất Trung Quốc chưa khôi phục công suất sản xuất styrene.

Tại Trung Quốc, giá polystyrene tuần qua giảm 150 – 400 NDT/tấn (22 – 59 USD/tấn), với tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất hiện chỉ khoảng 50% sau nhiều tuần bán hàng ế ẩm. Tương tự tại Đông Nam Á, giá cũng giảm, với mức giảm phổ biến ở 20 – 40 USD/tấn. Thậm chí một số nhà sản xuất trong khu vực chào giá giảm 50 USD/tấn.

Tin kinh tế ảnh hưởng

 

 Theo tờ Financial Times, các thống kê cho thấy sản xuất ở các khu vực lớn trên thế giới đều chậm lại, cho thấy những nền kinh tế đầu tầu đang gặp những khó khăn lớn khó giải quyết, có nguy cơ đưa nền kinh tế trở lại suy thoái.

Triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới - Mỹ - đang trở nên u ám hơn, do dự báo tỷ lệ thất nghiệp khó có thể giảm mạnh, hãng tin Reuters dẫn báo cáo điều tra của hãng dự báo kinh tế Blue Chip cho hay.
Kết quả thăm dò dư luận do Blue Chip thực hiện đối với các nhà dự báo độc lập và công bố hôm 10/7 cho thấy, kinh tế Mỹ sẽ suy yếu nhưng sẽ không rơi trở lại vào tình trạng suy thoái như trước. Báo cáo điều tra cho thấy, các nhà phân tích ngày càng bi quan về triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Giới phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2010, giảm hơn so với mức 3,3% đưa ra trong lần thăm dò dư luận hồi tháng 6.
Báo cáo cũng chỉ ra những nguy cơ đối với sự phục hồi không ổn định ở Mỹ, trong lúc thị trường bất động sản còn yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp tới cuối năm nay vẫn ở mức 9,4%, giảm nhẹ từ mức 9,5% hiện nay.
"Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, số chuyên gia tham dự cuộc khảo sát hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát, vượt quá số người tăng mức dự báo", bản báo cáo điều tra bổ sung thêm.
Các nhà dự báo cho rằng, tỷ lệ lạm phát vẫn được kiềm chế, do chỉ số giá cả năm 2010 dự kiến chỉ tăng 0,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1950 tới nay.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Mỹ cần tiến hành thêm nhiều biện pháp tài chính nữa như xem xét tăng các loại thuế, giảm phúc lợi xã hội nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công đang tăng ở nước này.
IMF dự đoán các chính sách hiện nay của Mỹ sẽ làm tăng mức nợ công lên 95% GDP vào năm 2020 và vượt 135% trong 10 năm kế tiếp. IMF cũng đề nghị chính quyền Mỹ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 8% GDP vào năm 2015, cao hơn 3% so với kế hoạch của chính quyền.

Báo cáo của IMF cho rằng Nhà Trắng cũng cần phải tiến hành các biện pháp khác để giảm thêm 350 tỷ USD chi ngân sách như chấm dứt việc giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp của người dân và giảm phúc lợi an sinh xã hội, đồng thời với việc tăng thuế nhiên liệu hoặc áp dụng thuế tiêu thụ quốc gia. IMF cảnh báo sự phục hồi của ngành ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua có thể không chắc chắn bởi nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không trả được tiền vay ngân hàng.
Theo các thăm dò mới nhất, hiện tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống B.Obama chỉ còn 45% - mức thấp kỷ lục kể từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 1-2009. Ngày càng có nhiều người cho rằng chính phủ hiện nay không đủ năng lực để giải quyết các vấn đề của nước này. 

Còn với Trung Quốc, nền kinh tế tâm điểm thế giới, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) vừa được công cho thấy, nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng Sáu, sau khi Trung Quốc chỉnh lại chỉ số tăng trưởng GDP của năm 2009 vào tuần trước. Việc sửa đổi chỉ số GDP có nghĩa là, tăng trưởng của Trung Quốc cùng kỳ các năm sẽ có cơ sở so sánh cao hơn tại quý II và các quý tiếp theo, do đó, tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn mong đợi của các nhà kinh tế.

Mặc dù theo dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, song Trung Quốc vẫn sẽ duy trì, nhưng sẽ tăng tính linh hoạt các chính sách kinh tế nhằm “giải quyết những vấn đề cấp bách”, đồng thời “tạo nền tảng để ổn định và tăng trưởng kinh tế nhanh vào năm 2011, cũng như trong tương lai,” Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại diễn đàn kinh tế tại thành phố Changsa của Trung Quốc mới đây. “Kinh tế Trung Quốc hiện tại đang ở tình trạng khá vững, song môi trường kinh tế trong nước cũng như toàn cầu là cực kỳ phức tạp,” TTg Ôn nói. Theo ông, Bắc Kinh sẽ cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, trong khi vẫn kiềm chế lạm phát.

 Phòng Thống kê Trung Quốc mới đây đã điều chỉnh chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP Trung Quốc trong năm 2009 từ 8,7% lên 9,1%. Việc sửa đổi này là do những đóng góp cao hơn từ các ngành công nghiệp thứ cấp của quốc gia này. Ngành công nghiệp cấp hai của Trung Quốc bao gồm khai thác mỏ, sản xuất và các ngành điện; ngành công nghiệp cấp ba bao gồm lĩnh vực dịch vụ. Còn ngành công nghiệp gốc của Trung Quốc là nông, lâm và ngư nghiệp. Năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,6%.

Phòng Thống kê Trung Quốc cho biết, GDP danh nghĩa được xác định theo giá thị trường hiện tại chưa điều chỉnh lạm phát, đạt 34 nghìn tỷ NDT (5,02 tỷ USD) trong năm 2009. Theo tỷ giá hối đoái bình quân năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Nhật.

Nền kinh tế Trung Quốc, với tốc độ phát triển nhanh chóng, dự kiến sẽ vượt qua Nhật để chiếm vị trí nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ về sản lượng hàng năm tính bằng USD tại thị trường trao đổi tỷ giá vào cuối năm 2010.

Nếu xét sức mua tương đương (PPP), Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong một thời gian dài. Nếu Liên minh châu Âu (EU) được coi là nền kinh tế hợp nhất, khi đó, Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí thứ nhất, đẩy Mỹ xuống hàng thứ hai.

Các nhà kinh tế dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm xuống còn hơn 10% từ mức tăng trưởng 11,9% của quý I tại cùng kỳ các năm do Bắc Kinh áp dụng các biện pháp thắt chặt.

Năm nay, Bắc Kinh đã dần rút khỏi các chính sách kích thích kinh tế được thông qua vào năm ngoái trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Đặc biệt, tháng trước, Trung Quốc đã quyết định nới lỏng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD và cho phép tiền tệ tăng, đồng thời thông qua các chính sách hạn chế thị trường nhà ở vốn gây ra tình trạng bong bóng nhà đất vào giữa tháng Tư vừa qua.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet mới đây khẳng định nền kinh tế thế giới sẽ không rơi vào “cái đáy thứ hai”. Theo ông: “Rõ ràng, nền kinh tế các nước đều đang phục hồi, bất luận là các nền kinh tế mới nổi hay các nền kinh tế phát triển”. Đồng thời ông Trichet cũng cho biết, để duy trì tính lâu dài của sự phục hồi kinh tế, các nền kinh tế phát triển vẫn cần áp dụng các biện pháp, nỗ lực khôi phục lòng tin cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và những người gửi tiền, nhưng việc khôi phục lòng tin vẫn cần phải thông qua sự quản lý tài chính tốt để thực hiện. Ông còn phủ nhận việc châu Âu thắt chặt tài chính sẽ gia tăng thêm gánh nặng cho sự phục hồi kinh tế.
Theo bà A. Carlyle, một chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu triển vọng nước Pháp và thông tin quốc tế, lãnh đạo các nước có thể xúc tiến phục hồi kinh tế. Theo bà, các nước châu Âu phải điều chỉnh nền tài chính công và duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, mới có thể vượt qua được khủng hoảng.
Nhà kinh tế Jacques Attali, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến kinh tế Pháp lại có quan điểm trái chiều. Ông cho rằng, hiện nay nền kinh tế thế giới vẫn có nguy cơ rơi xuống “cái đáy thứ hai”, nếu không thay đổi chính sách, nguy cơ có thể biến thành sự thật. Ông Attali còn cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước rnguy cơ giảm phát, nhưng có thể né tránh rủi ro này bằng cách xử lý chính xác các vấn đề của hệ thống ngân hàng và giảm nợ công.
Giáo sư kinh tế Laura Tyson của Học viện Berkeley thuộc trường Đại học California phân tích, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang rất khó khăn. Sau khi khủng hoảng qua đi, các cơ quan tư nhân rất cần sự hỗ trợ, nhưng chính sách thắt chặt tài chính mà châu Âu thi hành có thể khiến các cơ quan tư nhân không được hỗ trợ vốn đầy đủ.
Theo bà, các nước nên tiếp tục thi hành các chính sách kích thích kinh tế. Lấy ví dụ như Mỹ, nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình và sự đầu tư mà các cơ quan tư nhân thu hút vẫn chưa đủ để thay thế các chính sách kích thích kinh tế, để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Bà cho rằng, trong nền kinh tế thế giới, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, nếu tăng trưởng kinh tế của 3 quốc gia này trong vài năm tới còn chậm, thì sẽ ảnh hưởng đáng kể cho nền kinh tế thế giới.
Cựu Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF Rodrigo Rato cho rằng: “Hậu quả tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính đã tránh được, nhưng viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn tồn tại nhiều nghi ngờ”. Theo ông này, các nước phương Tây nên tiếp tục chỉnh đốn xử lý hệ thống các ngân hàng. Đồng thời, các quốc gia cần phải áp dụng các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Mỹ cần vạch ra chiến lược giảm nợ trong trung hạn.

( Vinanet.com.vn)