menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin thị trường gạo thế giới ngày 12-7

17:08 10/07/2012

Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2012/2013 có thể đạt mức lỷ lục 466,5 triệu tấn (gạo thành phẩm), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
  
  

(VINANET) - Sản lượng gạo thế giới vụ 2012/13 sẽ tăng 1%

Trang The GropSite của Anh công bố dự báo sản lượng gạo thế giới niên vụ 2012/2013 có thể đạt mức lỷ lục 466,5 triệu tấn (gạo thành phẩm), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những lý do làm sản lượng gạo tăng là do diện tích canh tác được nới rộng, đạt 157,8 triệu ha, tăng trên 1 triệu ha so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Á, cận Sahara châu Phi, tiếp đến là việc được mùa, sản lượng bình quân ước đạt 4,35 tấn/ha, trong đó có Uzbekistan được xem là được mùa nhất, tăng từ 60.000 tấn lên 135.000 tấn.

Năm 2012/2013, 6 nước châu Á được xem là những nước xuất khẩu gạo tăng gồm: Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam. Các nước xuất khẩu khác không thuộc châu Á, gồm: Brazil (vừa xuất khẩu lại nhập khẩu), Australia, Argentina, Ai Cập, Mỹ. Cũng tại châu Á, 4 quốc gia vẫn đứng đầu bảng về nhập khẩu là Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Giá gạo thế giới giảm từ sau khi Ấn Độ khôi phục xuất khẩu

Giá gạo thế giới đã giảm từ tháng 9-2011- thời điểm Ấn Độ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo kéo dài 3 năm với khả năng và cường độ cung cấp ra thị trường rất lớn.

Sự xuất hiện của Ấn Độ đã vô hiệu hoá kế hoạch thu mua lúa từ dân của chính phủ Thái Lan theo cam kết, nhằm hỗ trợ thu nhập cho người trồng lúa.

Theo chỉ số giá gạo của FAO (2002-2004=100), giá trung bình trong tháng 4-2012 là 234 điểm, giảm từ mức 235 điểm của tháng 1. Tất cả các loại gạo, từ Indica, Japonica đến gạo thơm đều giảm giá, khiến trị giá chỉ số trong quý I-2012 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo giảm ở cả Pakistan và Việt Nam, bởi hai nước này đều phải cạnh tranh rất khó khăn với nguồn cung mới từ Ấn Độ. Giá ở Mỹ và Nam Mỹ cũng giảm do nhu cầu xuất khẩu yếu. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung từ vụ thứ 2 (đến vào tháng 3) rất lớn thì giá gạo Thái Lan vẫn duy trì ở mức cao nhờ chương trình thu mua với khối lượng không hạn chế của Thái Lan, với giá mua cao vượt trội so với giá thị trường.

Trong tháng 3, bán được nhiều gạo đồ cho Nigeria (bởi cảng biển Ấn Độ bị tắc nghẽn) đã đẩy giá gạo Thái tăng; sang tháng 4 gạo Thái vẫn tăng, chẳng hạn loại 100% B được báo gía 569 USD/tấn, tăng so với chỉ 548 USD/tấn hồi tháng 1. Tuy nhiên, với triển vọng vụ thu hoạch thứ 2 (bắt đầu từ tháng 7) cũng sẽ bội thu, chính phủ Thái đã đề xuất hợp tác với 4 nước xuất khâẩ gạo khác (Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam) để giảm thiểu sự bất ổn trên thị trường lúa gạo.

Sản lượng gạo Ấn Độ có thể tăng thêm 10%
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Tarsem Saini, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xay xát gạo Ấn Độ cho biết, sản lượng gạo của nước này bắt đầu từ 01/7/2012 tới có thể tăng thêm 10% từ mức 90,8 triệu tấn của năm trước.

Cũng theo ông Saini, việc Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sau 3 năm vào năm ngoái và dự báo về lượng mưa vừa phải sẽ thúc đẩy người nông dân trồng thêm lúa. Vụ lúa bắt đầu thu hoạch vào tháng 6 này của Ấn Độ chiếm khoảng 80% sản lượng lúa gạo cả năm của nước này.

Giá gạo thế giới hiện đã giảm 41% từ mức kỷ lục của năm 2008 sau khi nông dân toàn cầu trồng thêm lúa. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định, sản lượng gạo toàn cầu năm nay có thể lên tới 466,5 triệu tấn từ mức 463,98 triệu tấn của năm ngoái.

Tây Phi tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu gạo

Nhập khẩu gạo của Tây Phi sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới do tăng tiêu dùng và những hạn chế của việc sản xuất gạo địa phương. Có 3 lý do khiến tiêu thụ gạo không ngừng tăng: tăng dân số, đô thị hóa mạnh và tăng tiêu thụ gạo của mỗi người dân. Chẳng hạn tại Nigeria, nước nhập khẩu nhiều gạo nhất khu vực, mỗi người dân hiện mới chỉ tiêu thụ 20 kg gạo một người/năm. Hiện khu vực Tây Phi nhập khẩu tới khoảng 5 triệu tấn mỗi năm, tập trung nhiều nhất vào 3 quốc gia là Nigeria (khoảng 2 triệu tấn), Bờ Biển Ngà (900.000 tấn) và Senegal (700.000 tấn). Thời gian tới, dự báo việc tiêu thụ gạo nước này sẽ tăng, tiệm cận với mức tiêu thụ trung bình trong khu vực là 32 kg gạo mỗi năm, góp phần tăng cầu về gạo của cả vùng.

Mặt khác, trong những thập kỷ qua, sản xuất lúa ở Tây Phi thường gặp những khó khăn trong khâu chế biến và thương mại do vậy tốc độ tăng trưởng chậm hơn tiêu dùng. Thậm chí ngay cả sau khi được chính quyền hỗ trợ sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, việc sản xuất lúa cũng chỉ tăng 5,4% mỗi năm, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng. Điều này cho thấy khu vực Tây Phi sẽ phải tiếp tục đối mặt với sự phụ thuộc kinh niên vào thị trường gạo quốc tế.

Các nước châu Á là những nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Tây Phi. Tuy nhiên, chính phủ các nước Tây Phi đang tìm cách đa dạng hóa nội dung các hợp đồng nhập khẩu bằng cách đàm phán trực tiếp về mặt chính trị với những nước có lượng gạo dư thừa như Ấn Độ, Trung Quốc.

Hiện khu vực Đông Nam Á cung cấp gần ¾ tổng lượng gạo nhập khẩu của Tây Phi, tuy nhiên đã có thêm những nguồn cung cấp mới, nhất là kể từ năm 2008, khi những nước châu Á chủ động hạn chế xuất khẩu gạo. Trên thị trường Tây Phi đã xuất hiện các loại gạo đến từ khu vực Nam Mỹ (Uruguay và Brazil).

Các nước khối Mercosur (Achentina, Braxin, Uruguay và Paraguay) có thể đóng vai trò ngày càng tăng trong việc cung cấp gạo cho khu vực Tây Phi. Với những tiềm năng về đất và nước, khối này đang dần trở thành một khu vực dư thừa về lúa gạo.

Bangladesh sẽ không nhập khẩu gạo năm 2013  

Bộ trưởng lương thực và quản lý thảm họa Bangladesh, ông Abdur Razzak, hôm 2/7/2012 cho biết khối lượng gạo nhập khẩu của nước này đã giảm 3 lần trong năm tài chính 2011 – 2012 so với năm tài chính 2010 – 2011. Đây cũng là nội dung Bộ trưởng trả lời ông Uddin  Chowdhury Any, nghĩ sỹ Đảng dân tộc Bangladesh (BNP) trước Quốc hội nước này.

Theo Bộ trưởng, trong cùng thời kỳ, nhập khẩu lúa mỳ cũng đã giảm từ 777.184 tấn xuống còn 521.000 tấn. Tổng trị giá nhập khẩu là 46.347,99 triệu Tika và 17.749,76 triệu Tika (BTK) cho nhập khẩu gạo và 19.995,90 triệu Tika và 12.875,76 triệu Tika cho nhập khẩu lúa mỳ trong năm tài chính 2010 – 2011 và 2011 – 2012 tương ứng (1 USD = 81,83 BTK ngày 3/7/2012).

Quốc hội nước này cũng được thông báo rằng Bangladesh đã không nhập khẩu gạo vào thời gian cuối của năm tài chính 2011 – 2012 (kết thúc vào 30/6/2012) do sản xuất lúa trong nước đã tăng và chính phủ đã chủ động được trong dự trữ lúa gạo.

Do đó, Bangladesh sẽ không cần phải nhập khẩu gạo trong năm 2012 – 2013 nếu thiên tai không ảnh hưởng đến sản xuất lúa của nước này và rằng năng suất lúa đã tăng nhanh chóng do chính phủ có các chính sách mở rộng và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp./.

(T.H – Reuters, Oryza)