Kinh tế thế giới từng chuyển biến mạnh mẽ với sự nổi lên của người tiêu dùng Mỹ những năm 1950-1960. Giờ đây, tiếp theo sẽ là Trung Quốc.
Nằm ở trung tâm của thành phố Thượng Hải cổ kính là một ngôi biệt thự nguy nga được sử dụng làm nơi làm việc của nhà làm phim trẻ Guo Jingming. "Tiny Times" - bộ phim "bom tấn" mới nhất của anh - xoay quanh hình ảnh những cô sinh viên sành điệu.
Việc khắc họa cuộc sống xa hoa - vốn hiếm thấy trong các bộ phim Trung Quốc - khiến dư luận nổi sóng. Những hình ảnh trong phim bị tờ Nhân dân nhật báo (People's Daily) tấn công vì "chủ nghĩa tận hưởng không điều kiện". Guo cho rằng chủ nghĩa thiên về vật chất là điều trung lập, không tích cực mà cũng không tiêu cực. Guo bổ sung thêm rằng sau cùng thì người dân thành thị Trung Quốc cũng biết rằng bộ phim nào đang được trình chiếu ở New York và xu hướng thời trang ở Paris là gì.
Nổi lên ở Mianyang - thành phố trung lưu của tỉnh Sichuan, là một tấm biển quảng cáo khổng lồ có hình siêu mẫu người Australia Miranda Kerr chào đón người mua sắm đến với trung tâm thương mại Parkson. Đây là một trong số nửa tá trung tâm thương mại cao cấp ở thành phố này. Các mặt hàng xa xỉ đang bùng nổ ở đây. Nhân viên bán xe của Audi và BMW có thể bán hơn 100 chiếc mỗi tháng, Land Rover, Jaguar và Cadillac đang làm mưa làm gió trên thị trường.
Cách đó 30 km là Luxi - thị trấn có 57.000 người đang nóng lên với hoạt động mua sắm trực tuyến. Văn phòng giao nhận đầu tiên được mở ra cách đây 3 năm và chỉ giao 10 kiện hàng/ngày. Ngày nay, có 5 văn phòng và mỗi văn phòng giao 100 kiện/ngày. Thậm chí, Santai - huyện vốn được coi là vùng nông thôn (cách đó 60km) và có khách hàng chủ yếu là những người nông dân - cũng đang xây một trung tâm thương mại hiện đại.
Trong những năm 1950 và 1960, kinh tế thế giới đã chuyển biến mạnh mẽ với sự nổi lên của người tiêu dùng Mỹ. Giờ đây, dường như Trung Quốc sẽ trở thành "siêu cường tiêu dùng" tiếp theo. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế tiêu dùng lớn thứ 2 thế giới. Khu vực tư nhân có sức tiêu thụ 3.300 tỷ USD - chiếm 8% của toàn thế giới. Và, làn sóng tiêu dùng mới chỉ bắt đầu trong bối cảnh chính phủ thay đổi chiến lược tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng.
Theo Karl Gerth, chuyên gia nghiên cứu về tiêu dùng Trung Quốc tại ĐH California, tương lai của thế giới sẽ được định hình bởi làn sóng hướng về tiêu dùng của Trung Quốc. Mặc dù đầu tư là phần đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2013 và tiêu dùng tư nhân mới chỉ chiếm 36% sản lượng, xu hướng đầu tư giảm và tiêu dùng tăng sẽ không chấm dứt với một vài lý do.
Thứ nhất, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân là mục tiêu quốc gia của các lãnh đạo Trung Quốc. Chính phủ chi nhiều hơn vào y tế và lương hưu có thể khuyến khích các hộ gia đình giảm bớt tiết kiệm vì những mục đích này. Lãi suất tăng lên có thể làm giảm lối sống tăng tiện nếu người ta đạt được mục tiêu tiết kiệm sớm hơn. Lương tăng và dân số già cũng cán cân lệch về tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Và, mặc dù nợ của các hộ gia đình tăng nhanh, ở Trung Quốc chỉ số này vẫn ở mức thấp.
Quy đổi ra USD, Trung Quốc đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu nhiều hơn bất kỳ nước nào trong giai đoạn 2011 - 13 (theo kết quả nghiên cứu của CLSA). Thêm vào đó, các số liệu chính thức của Trung Quốc đánh giá thấp hơn so với thực tế, ví dụ như chi tiêu vào đất đai và nhà cửa.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đô thị hóa - quá trình sẽ tạo ra hàng chục triệu công dân giàu có với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Theo dự báo của hãng tư vấn McKinsey, tiêu dùng của các hộ gia đình thành thị của Trung Quốc sẽ tăng từ 10.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2012 lên gần 27.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022.
Nguồn CafeF