menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình kinh tế trong nước tuần qua (từ 11-15/5/2009)

08:58 18/05/2009
Theo Vietstock, nền kinh tế Việt Nam đang ấm dần lên từng ngày dưới nỗ lực kích cầu của chính phủ xen lẫn một chút hân hoan của người dân.

Báo cáo của UNCTAD cho biết Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ thu hút các nguồn vốn FDI cao nhất. So với năm trước, số vốn cam kết đầu tư đã tăng gấp ba lần, từ 20.3 tỷ USD lên 64 tỷ USD. Thị trường việc làm cũng khấp khởi reo vui khi Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM cho biết trên 80% lao động mất việc (18,300 người) từ đầu năm 2009 đến nay đã có việc làm mới, tại Hà Nội cũng có thêm 3,387 nhu cầu việc làm mới được đăng tuyển.

Sức mua trên thị trường có nhiều dấu hiệu nhích lên. Dễ nhận thấy nhất là nhiều công ty liên tục lên kế hoạch nhập nguyên liệu đầu vào sản xuất. Giá cả đã bắt đầu tăng lên cho thấy mãi lực đã dần quay trở lại. Nhiều nhà cung cấp thực phẩm đã yêu cầu các siêu thị tăng giá khoảng 10%; hàng điện gia dụng, hàng có nguồn gốc nhập khẩu tăng giá khoảng 10% - 18%. Ngoài ra, theo các nhà bán lẻ trong và ngoài nước, hiện các doanh nghiệp bán lẻ rất khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích mặt bằng lớn để mở rộng mô hình bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy tiềm năng bán lẻ trước mắt là rất lớn khi nhu cầu quay trở lại.

Xuất khẩu gạo đang thắng lớn. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu đạt 4 triệu tấn và đã xuất 2.3 triệu tấn. Đó thực sự là một tin vui cho bà con nông dân, tuy nhiên vấn đề cần lưu ý là phải đảm bảo được an ninh lương thực trong nước. Sự lạc quan cũng trở lại với ngành giấy khi sản xuất quý I/2009 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4, sản xuất giấy cao hơn tháng 3 và bằng 67% so với tháng 4/2008. Ngành thủy sản cũng lấy lại sự hưng phấn khi con cá tra Việt Nam lấy lại lòng tin của người tiêu dùng tại Nga. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, mặc dù có giảm song hàng dệt may của Việt Nam vẫn chiếm khoảng 5% tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ, gần đây các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại rất nhiều. Đó là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Theo một số chuyên gia, khủng hoảng thế kinh tế thế giới rất có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam muộn hơn một chút và nhiều khả năng ở lại lâu hơn. Một số nước ở châu Á vừa tuyên bố, nền kinh tế của họ sẽ chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ít nhất là trong 3 - 4 năm.

Ai cũng biết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có nguồn gốc từ sự đổ vỡ của cả một cấu trúc nền tảng của nền kinh tế về hệ thống ngân hàng, phương thức sản xuất và quản lý. Điều mà các quốc gia lớn như Mỹ làm được đó là ngăn chặn được sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng cũng như sản xuất. Nhưng vấn đề căn nguyên nhất là cấu trúc vẫn chưa được “động” tới.

Các gói kích cầu của Việt Nam trong thời gian qua chỉ nhằm giải quyết bề nổi của vấn đề, còn vấn đề cải tổ lại hệ thống quy trình và quản lý cũng chưa được đề cập tới. Chính sự yếu kém và hạn chế của hệ thống ngân hàng Việt Nam lại là một điều may mắn, đúng hơn điểm yếu lại trở thành điểm mạnh trong khủng hoảng khi không có một ngân hàng nào lâm vào tình trạng phá sản và phần lớn vẫn làm ăn tốt. Đó là do các ngân hàng cũng như những định chế tài chính của Việt Nam chưa kinh doanh những sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam xảy ra khủng hoảng thì mọi việc sẽ tồi tệ hơn nhiều bởi nội lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam yếu.

Lợi thế xuất khẩu thời khủng hoảng của Việt Nam chính là cơ cấu hàng xuất khẩu trong đó phần lớn là nguyên liệu thô, nông sản và dệt may. Những mặt hàng này là hàng thiết yếu, ít co giãn nên nhu cầu luôn sẵn có. Tuy nhiên, bản thân các nước cũng như các doanh nghiệp khi xoay sở chống lại khủng hoảng sẽ chuyển mình theo hướng phù hợp và khả năng tập trung đầu tư sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu là rất lớn. Vì thế, có nhiều nguy cơ xuất khẩu của Việt Nam giảm sút do cạnh tranh và tụt giảm nhu cầu. Chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói hỗ trợ trong thời gian vừa qua đã đẩy một số lượng lớn tiền vào lưu thông, dư nợ hỗ trợ cho vay đã lên tới 276 ngàn tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu tập trung giải quyết vẫn đề cung, còn cầu vẫn chưa được tác động. Điểm lo lắng nằm ở chỗ số tiền đó có đi vào sản xuất kinh doanh hay không. Một điểm đáng lưu ý là dòng tiền chảy mạnh vào nền kinh tế cùng với thời điểm chứng khoán và bất động sản cũng ấm dần lên. Trong khi đó, trao đổi thương mại vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu của sự tăng cầu. Sự tăng cung mạnh mẽ về tiền, theo lý thuyết, bao giờ cũng kéo theo nguy cơ lạm phát. Việc tăng giá xăng lên mức 12,500 đồng/lít và tăng giá điện trong thời gian vừa qua cũng là nguy cơ tạo đà cho lạm phát quay trở lại.

Thử hình dung một kịch bản mà Việt Nam đang phải đối mặt: xuất khẩu sụt giảm mạnh do nhu cầu thế giới giảm, khủng hoảng tài chính ngân hàng do sự đổ vỡ trong đầu tư tài chính quá mức, giá cả và lạm phát leo thang. Đó có thể là những con sóng ngầm đến muộn mà sức tàn phá của nó sẽ mạnh mẽ hơn nếu không cảnh giác.

Có một thực trạng là rất nhiều công ty đặc biệt là các công ty sản xuất, kinh doanh ô tô, các công ty du lịch… hiện niêm yết giá bằng USD. Hiện tượng này chỉ ra 1 thực tế rằng rằng tình trạng đô la hóa trở nên sâu rộng hơn, đồng USD vẫn rất mạnh, tệ hơn nữa, vẫn được kỳ vọng theo xu hướng tăng. Trên thực tế, việc niêm yết giá bằng USD, rồi thanh toán bằng USD và làm cho USD trở thành một thứ đảm bảo rủi ro đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân Việt Nam vào đồng bản tệ.

Việc đẩy lùi được tâm lý chuộng USD trong người dân chỉ có thể tiến hành được khi đồng tiền Việt Nam được tăng cường tính chuyển đổi cao hơn. Khi có nhu cầu mua USD cho thanh toán thì có thể mua được dễ dàng và được đảm bảo về việc thực hiện nhu cầu đó. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì cho thấy vấn đề này được cải thiện.

 

Nguồn:Vinanet