menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình xuất nhập khẩu hàng dệt may của một số nước trong 5 tháng đầu năm

12:36 15/07/2008
 
1) Trung Quốc:
Tổng doanh số bán hàng tiêu dùng đạt 870,4 tỷ NDT trong tháng 5/08, tăng 21,6% so với cùng tháng năm ngoái. Trong đó, doanh số bán lẻ quần áo cũng tăng 21,6%. Xuất khẩu may mặc đạt 8,6 tỷ USD trong tháng 5, trong khi kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2008 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đang tăng trưởng về xuất khẩu dệt nhưng tăng trưởng thấp hơn trong xuất khẩu may mặc. Trong giai đoạn này, Trung Quốc xuất khẩu 66,2 tỷ USD hàng dệt may với mức tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ.
Dự đoán, mức chi phí lao động bình quân đối với công nhân dệt sẽ tăng 16% trong năm nay, bao gồm cả các chi phí phúc lợi khác. Đây là mức tăng thêm sau khi đã tăng 12% trong năm 2007. Kết quả là, các nhà sản xuất may mặc đang bắt đầu xây dựng các nhà máy ở Việt Nam và Campuchia. Hiệp hội dệt may Trung Quốc sẽ tổ chức 1 hội nghị nhằm quảng bá cho các tỉnh nội địa Trung Quốc như là những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất may mặc. Theo Hiệp hội, ở các tỉnh kém phát triển hơn, chi phí lao động thấp hơn và cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác cũng ít hơn. Thị trường tiêu dùng cũng đang khởi sắc. Việc chuyển dịch này được sự hỗ trợ của Chính phủ với những chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích đầu tư vào 6 tỉnh miền Trung Trung quốc trong năm 2009.
2) Campuchia:
Xuất khẩu may mặc sang Mỹ của Campuchia đã giảm mạnh từ tháng 10 năm ngoái. Các quan chức cho rằng, việc giảm sút này là do cạnh tranh tăng lên từ Việt Nam. Trong quí 1 năm nay, xuất khẩu sang Mỹ giảm 44% so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu may mặc nói chung đã tăng nhẹ 4,78% so với cùng kỳ do nhu cầu tăng lên từ EU và Canada. Xuất khẩu sang EU đã và đang tăng lên từ năm 2003, 1 xu thế được củng cố vững chắc hơn do sự suy yếu của đồng đôla. Việc tăng chi phí sản xuất tại Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho Cambodia do khách hàng tìm kiếm các nguồn sản xuất may mặc thay thế.
3) Indonesia:
Xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong quí 1 giảm nhẹ 0,38% xuống còn 1,1 tỷ USD. Mỹ nhập khẩu khoảng 37% các sản phẩm dệt may của Indonesia trong năm ngoái và là nhà nhập khẩu lớn nhất. Nước nhập khẩu lớn thứ 2 là Nhật Bản nhập khẩu ít hơn trong quí 1, giảm 3,5% so với cùng kỳ đạt 142,2 triệu USD. Tuy nhiên, tương lai của thị trường Nhật Bản sẽ sáng sủa hơn khi thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Indonesia-Nhật Bản trong tháng 6. Theo Hiệp định này, tất cả các sản phẩm dệt may sử dụng vải của Nhật hoặc Indonesia sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% ở cả hai nước. Mặc dù nhu cầu giảm nhẹ tại Mỹ và Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1 của nước này đã tăng 5,3% so với cùng kỳ lên 2,6 tỷ USD do nhu cầu cao hơn tại các khu vực khác.
3) Mỹ:
Doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng 2,2% so cùng kỳ trong khi doanh số bán quần áo và phụ kiện của các cửa hàng giảm nhẹ 0,1%. Doanh số của cửa hàng tương tự của Wal-mart tăng 3,9% so cùng kỳ; Nordstrom tăng 10,9%; JC Penney giảm 4,4%; Abercrombie & Fitch tăng 8,0%; Limited Brands giảm 6%. Target thông báo giảm nhẹ 0,6% trong khi Gap không tăng. Gap với mức doanh thu giảm 3 trong quí vừa qua có kế hoạch cắt giảm 1 số cửa hàng nhằm giảm bớt chi phí thuê.
Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm 3,7% so với cùng kỳ từ 22,5 tỷ xuống còn 21,7 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-4/2008. Trong giai đoạn này, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,8% xuống còn 5,8 tỷ USD. Việt Nam, nước cung cấp lớn thứ 2 tăng 27,5% lên 1,5 tỷ USD. Indonesia, nước cung cấp lớn thứ 3 giảm nhẹ 0,2% xuống 1,4 tỷ USD. Nhập khẩu từ Mexico (đứng thứ 4) giảm 10% xuống 1,3 tỷ USD. Nhập khẩu từ Ấn Độ (nước cung cấp lớn thứ 5) tăng nhẹ 1,3% lên 1,3 tỷ USD; Thái Lan, Philippin và Sri Lanka lần lượt giảm 0,9% xuống 573 triệu USD, 14,6% xuống 492 triệu USD và 10,6% xuống 509 triệu USD. Đồng thời, nhập khẩu từ các nước thành viên Asean tăng 5,1% lên 5,0 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ các nước CAFTA giảm 2,2% xuống 2,4 tỷ USD trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2008.

Nguồn:Vinanet