menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp tình hình kinh tế trong nước ngày 26/5/2009

16:31 26/05/2009

*Tháng 5/2009, tổng nguồn vốn huy động tăng 2,45%

Theo Cục thống kê TP.Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tháng 5/2009 tăng 2,45% so với tháng 4/2009 và tăng 12,62% so với cuối năm 2008. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 2,3%, phát hành giấy tờ có giá tăng 1,7%, tiền gửi thanh toán tưang 2,6% so với tháng 4/2009. Dư nợ cho vay tăng 3,25% (dư nợ ngắn hạn tăng 3,59%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,8%) so với tháng 4/2009.

*Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,3%

Theo Sở Công thương TP. Hà Nội, Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 5/2009 tăng 3,3% so với tháng 4 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, kinh tế nhà nước tăng 1,8% (kinh tế nhà nước trung ương tăng 1,2%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 3,8%); kinh tế ngoài nhà nước tăng 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,2% so với tháng 4. Như vậy, 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2008.

*Thu hút FDI 5 tháng đầu năm giảm 76,3%

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 5/2009 đạt 530 triệu USD. 5 tháng đầu năm, vốn FDI đã giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 256 dự án mới và xin bổ sung tăng vốn cho 40 dự án với tổng vốn là 6,68 tỷ USD. Con số này gần bằng số vốn cam kết của cả năm 2005 (6,8 tỷ USD).

Trong đó, chủ yếu là vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,96 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2008. Vốn cấp mới chỉ đạt 2,7 tỷ USD, chỉ bằng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái .

*Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 1,2%

Theo Cục Thống kê TP.Hà nội, tháng 5/2009, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn thành phố tăng 1,2% so với tháng 4 và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong đó, tổng mức bán lẻ tưng 1,4% so với tháng 4. Như vậy, 5 tháng đầu năm, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,4% so với năm 2008, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 19%.

*Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng giảm. Hiện giá xuất khẩu gạo 5% tấm chỉ còn 405 USD/tấn và 25% tấm chỉ còn 375 USD/tấn. Nếu so sánh với mức giá cao của tháng 11/2008, thì hiện nay, giá gạo xúât khẩu đã giảm 19% đối với gạo 5% tấm và giảm 9% đối với gạo 25% tấm. Do giá xuất khẩu giảm nên hiện giá lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL cũng đang có chiều hướng giảm, với giá lúa đang đứng ở mức 4.100-4.300 đ/kg.

*Đến 2025, đáp ứng 70% nhu cầu nguyên liệu phục vụ công nghiệp bào chế thuốc

Theo Quyết định 81/2009/QĐ-TTg vừa được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá dược (CNHD), theo đó phấn đấu đến năm 2015, sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, đến năm 2020 là 40% và năm 2025 là 7%.

Theo quy hoạch phát triển sẽ xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu theo nguyên tắc tập trung vào những loài cây mà nước ta có thế mạnh như: thanh hao hoa vàng, hoa hoè, dừa cạn, bình vôi, bạc hà, tỏi, gấc, nghệ, bồ bồ, mướp đắng, nhân trần, hương nhu, ngũ sắc, gừng, ích mẫu, cúc gai cúc vạn thọ, lô hội, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, màng tang….

*Phiên giao dịch ngày 26/5: VN-Index có dấu hiệu đuối sức

Thị trường chịu áp lực bán ra trong phiên giao dịch sáng nay sau khi Tổng cục thống kê công bố số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vài Việt Nam giảm 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu 1,5 tỷ USD sau 5 tháng và khối ngoại bắt đầu xu hướng bán ròng sau nhiều phiên mua vào.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,28 điểm lên 425,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 54,676 triệu cp, tương đương 1.682,95 tỷ đồng. Số mã tăng giá là 93, số mã giảm giá là 71, có 18 mã đứng giá.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC Index đã kết thúc ngày tại trên mức 150 điểm khi tăng 1,55 điểm lên 150,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,8 triệu đơn vị, tương đương 990 tỷ đồng.

Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 103 mã tăng giá, 17 mã đứng giá và 63 mã giảm giá. Trong đó có 45 mã đóng cửa tại giá trần.

Công ty Chứng khoán SME (SMES) vừa mới đưa ra danh sách 25 mã chứng khoán có dấu hiệu của rủi ro do lợi nhuận trước thuế phát sinh âm. Công ty này cho biết, các chỉ tiêu trong nhóm rủi ro này không ám chỉ tất các các Công ty đang hoạt động yếu kém mà chỉ giúp cho NĐT thấy được những rủi ro trong tương lai có thể tác động không tích cực đến Công ty đó để NĐT tìm hiểu thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

*Vàng đứng giá, giao dịch ảm đạm

Giá vàng trong nước sáng 26/5 đứng giá sau khi khi liên tiếp lập kỷ lục trong những phiên giao dịch trước.

Chi nhánh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nôi vào lúc mở cửa niêm yết giá ở mức 20,70 – 20,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng và giá bán không đổi so với sáng hôm trước.

Giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu, được niêm yết ở mức 20,68 - 20,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua tăng 40.000 đồng/lượng và giá bán giữ nguyên so với 25/5.

Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng, do thị trường vẫn được dự báo giá tiếp tục đi lên nên nhiều người còn nắm giữ vàng chưa vội bán ra thu lời. Từ trước tới nay chưa bao giờ vàng trong nước có giá tăng ngang ngửa với vàng thế giới và duy trì được đà tăng lâu như vậy. Do vậy, nhiều người chưa vội bán ra thu lời mà kiên nhẫn chờ mức giá cao nhất.

Chính những hoạt động bán vàng chậm và còn găm giữ vàng của giới đầu tư là một trong những nguyên nhân góp phần nâng đỡ giá tăng tốt trong giai đoạn này.

*Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm 30%

Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL chưa được 1.000 ha mặt nước, thấp hơn cùng kỳ năm trước đến 30% diện tích.

Phần lớn người nuôi cá tra cho rằng họ khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, trong khi các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu dễ dàng tiếp cận hơn.

Cục Nuôi trồng thủy sản đang đề nghị Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi cá tra bị thua lỗ trong 2 năm qua để khôi phục nguồn nguyên liệu. Cục cũng đưa ra quy hoạch phát triển vùng nuôi cá tra trọng điểm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh đến năm 2010 khoảng 8.600 ha, sản lượng cá nguyên liệu 1,250 triệu tấn và chế biến phi-lê 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 1,3 - 1,5 triệu USD.

 

 

Nguồn:Vinanet