menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan kinh tế trong nước ngày 20/4/2009

15:50 20/04/2009

*SacomBank giảm 50% phí thanh toán T/T XK

Từ nay đến hết ngày 7/7/2009, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank) áp dụng chương trình ưu đãi giảm 50% phí báo có đối với hình thức chuyển tiền bằng điện (thanh toán T/T) dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, phí thu chỉ từ 2 USD trở lên cho một lần báo có nếu khách hàng cam kết bán 100% nguồn USD thu được từ hợp đồng xuất khẩu cho SacomBank.

*Sửa đổi, bổ sung quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn

NH Phát triển VN vừa công bố đối tượng được bảo lãnh vay vốn là DN thuộc các thành phần kinh tế (kể cả Hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động.

Đây là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn tại cácNHTM (theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg) được Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 21/1/2009. Bên cạnh đối tượng được bảo lãnh, Thủ tướng còn quyết định sửa đổi phạm vi bảo lãnh, theo đó, không bảo lãnh cho các DN vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể.

*Cảng Hải Phòng sẽ là cảng cửa ngõ quốc tế

Bộ GT-VT và UBND Tp.Hải Phòng vừa thống nhất xác định và bổ sung quy hoạch hệ thống cảng biển phù hợp với quy hoạch tổng thể và sự phát triển KT-XH Hải Phòng. Theo quy hoạch, Cảng Hải Phòng sẽ là cảng  cửa ngõ quốc tế (loại IA) gồm 4 khu bến chính là Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm (thuộc địa phận thành phố Hỉa Phòng) và sông Chanh (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh).

*Thành lập vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long

4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là TP. Cần THơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 gấp 1,2 lần và thời kỳ 2011-2020 gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP cả nước từ 10,5% hiện nay lên 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.

*Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối tại cửa khẩu

Xung quanh vụ việc ách tắc dưa hấu xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và để chấm dứt tình trạng ách tắc nông sản tại các cửa khẩu, Bộ Công Thương kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, như chợ biên mậu, kho tàng bến bãi, đặc biệt là hệ thống kho lạnh để bảo quản, phân loại, đóng gói trước khi bán sang Trung Quốc để doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh trong nước chủ động điều chỉnh giá cả, nâng cao chất lượng hàng hoá.

*Nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu, công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm do Công tyTNHH Công nghiệp – King Jade BP Việt Nam làm chủ đầu tư, đang được xây dựng tại Khu công nghiệp Chơn Thành 2 (Bình Thuận), trên diện tích 7 ha, vốn đầu tư gần 2 triệu USD. Sản phẩm chính của nhà máy là bản, tủ và các đồ gỗ gia dụng khác phục vụ cho xuất khẩu. Nguyên liệu sản xuất là gỗ nhập khẩu đã qua sơ chế.

*Thị trường chứng khoán ngày 20/4: ồ ạt bán tháo cổ phiếu

Phiên giao dịch sáng ngày 20/4, các nhà đầu tư không đắn đo, xem xét ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Trong khi đó, sức cầu cổ phiếu bất ngờ tụt giảm nhanh chóng. Gần 100% cổ phiếu giảm giá, trong đó hầu hết giảm sàn, dư bán kín đặc, còn dư mua trống trơn ở hầu hết các mã.

Kết thúc phiên chỉ số VN-Index giảm mạnh 15,25 điểm (-4,56%) xuống 318,89 điểm. Khối lượng giao dịch tụt giảm từ mức cao kỷ lục 67,2 triệu đơn vị xuống chỉ còn 17,9 triệu, trị giá 409,7 tỷ đồng.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm mạnh, giảm 6,22 điểm (5,08%) xuống 116,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 20/4 giảm khoảng 70% xuống 10 triệu đơn vị, trị giá 204,8 tỷ đồng.

*Giá vàng tăng nhẹ, USD tự do tăng mạnh

Ngày đầu của tuần mới (20/4) giá vàng không có nhiều biến động khi tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá bán USD trên thị trường tự do đã lên đến 18.210 đồng.

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, chi nhánh Hà Nội sáng 20/4 được niêm yết ở mức mua vào 19,40 triệu đồng và bán ra 19,49 triệu đồng/lượng, giá mua giá bán tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng.

Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết 19,38 – 19,48 triệu đồng/lượng, mua vào – bán ra. Giá mua giữ nguyên và và giá bán tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng.

Giá USD tự do trên thị trường Hà Nội sáng 20/4 giao dịch ở mức 18.160- 18.210 đồng/USD (mua vào - bán ra), giá mua và giá bán tăng thêm 40 đồng so với cuối tuần trước.

*Chỉ số giá tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh tháng 4/2009 tăng 0,49%

Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 4/2009, chỉ số hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng 0,49%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng của 4 tháng đầu năm 2009 có mức tăng 1,88% và nếu so với cách đây 1 năm thì có mức tăng 10,2%.

Tám nhóm mặt hàng tăng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông - bưu chính viễn thông, nhà ở- điện nước-chất đốt  và vật liệu xây dựng. Hai nhóm hàng hoá có mức giá giảm là may mặc-mũ nón-giày dép và văn hoá, thể thao-du lịch. Theo đánh giá của Cục Thống kê, nhìn chung mức tăng giá của 4 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với 4 tháng cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2008 có mức tăng tới 9,15%), chủ yếu do sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập của dân cư không ổn định nên người dân có phần giảm bớt những nhu cầu không thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

*Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 19/4, tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc không ngừng tăng nhanh: Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thương mại hai nước vẫn đạt hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 28% so với năm 2007. Hiện nay, Trung Quốc có trên 600 dự án đầu tư trực tiếp đang triển khai ở Việt Nam với số vốn đăng ký trên 2 tỷ USD (chưa kể đầu tư của Hồng Kông, Ma Cao vào Việt Nam). Hầu hết các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Quảng Đông.

Nguồn:Vinanet