menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan kinh tế trong nước ngày 23/4/2009

10:03 24/04/2009

*Phiên giao dịch ngày 23/4/2009, VN-Index giảm 6,66 điểm

Phiên giao dịch 2.018, ngày 23/4/2009 chỉ số VN-Index giảm 6,66 điểm (-2,07%) so với phiên trước, đóng cửa ở mức 315,2 điểm.

Kết quả giao dịch khớp lệnh trong ngày: so với phiên trước có 46 chứng khoán tăng giá; 110 chứng khoán giảm giá và 25 chứng khoán đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường là 29.046.170 đơn vị, với tổng giá trị giao dịch là 702,414 tỷ đồng (so với phiên trước giảm -46,25% về khối lượng và giảm -47,27% về giá trị). Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 28.996.170 chứng khoán với giá trị 700,939 tỷ đồng (Giao dịch khớp lệnh liên tục: tổng khối lượng là 18.756.500 chứng khoán; giá trị 454,608 tỷ đồng).

Bên sàn Hà Nội, kết thúc phiên giao dịch chỉ số HaSTC-Index giảm 1,7 điểm (-1,47%) so với phiên trước, đóng cửa ở mức 113,61 điểm.

Giá cổ phiếu bình quân, so với phiên trước có 101 cổ phiếu tăng giá; 56 cổ phiếu giảm giá; 9 cổ phiếu đứng giá và 15 cổ phiếu không có giao dịch.

Tổng khối lượng chứng khoán giao dịch toàn thị trường đạt 23.858.000 đơn vị, với tổng giá trị 1.426,35tỷ đồng.

*Áp thuế suất 0% đối với gỗ ghép thanh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 81/2009/TT-BTC điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong Biểu thuế xuất khẩu.

Theo đó, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng gỗ ghép thanh, loại có chiều dày từ 30mm trở xuống, chiều rộng từ 100mm trở xuống thuộc nhóm 44.07 thành mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%.

Thông tư này có hiệu lực thi hành và áp dụng cho các Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 29/4/2009.

*Giảm một nửa thuế nhập khẩu các mặt hàng từ Lào

Các mặt hàng có nguồn gốc xuất sứ từ Lào sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi khoảng 50% trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2013 theo quy định mới được Bộ Tài chính ban hành ngày 23/4/2009. Theo đó, nếu thuế suất của một số mặt hàng theo CEPT cao hơn mức ưu đãi MFN quy định trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành thì áp dụng giảm 50%. Các mặt hàng được giảm thuế suất 50% gồm lúa, gạo, đường, mía, thịt và phụ phẩm tức ăn sau giết mổ nằm trong Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPT.

Còn các mặt hàng được hưởng thuế suất 0% gồm gạo và thóc, lá và cọng thuốc lá, phụ kiện xe máy. Các loại hàng hóa có xuất xứ từ Lào được hưởng mức thuế ưu đãi phải có tờ khai hải quan kể từ ngày 1/1/2009, có chứng nhận xuất xứ theo mẫu S (C/O from S) do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp theo quy định.

*Vàng tăng giá gần 100.000 đồng/lượng, USD tăng lên 18.230 đồng

Giá vàng trong nước sáng 23/4 lại tăng gần 100.000 đồng/lượng so với sáng 22/4. Vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, chi nhánh Hà Nội trong sáng 23/4 được niêm yết ở mức mua vào 19,51 triệu đồng và bán ra 19,59 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán đều tăng 80.000 đồng/lượng so với sáng hôm trước.

Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết 19,53 – 19,60 triệu đồng/lượng, mua vào – bán ra. Giá mua và giá bán tăng 50.000 đồng/lượng.

Do vàng trong nước không có biến động lớn nào, các mức giá tăng giảm được lặp lại trong thời gian dài nên cầu đầu tư vàng vật chất rất thấp. Trên thị trường, hoạt động mua, bán gần như không có.

Giá USD tự do trên thị trường Hà Nội lúc sáng 23/4 giao dịch ở mức 18.200 - 18.230 đồng/USD (mua vào - bán ra), giá mua tăng 40 đồng và giá bán tăng 30 đồng so với 22/4.

*Thắt chặt quan hệ thương mại Việt Nam-Hồng Kông

Thỏa thuận về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đã được ký kết. Theo thỏa thuận, hai bên thống nhất tăng cường hỗ trợ và phát triển giao thương, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Việt Nam và Hồng Kông sẽ tăng cường phối hợp, chia sẻ các thông tin về thị trường, về các chính sách kinh tế, thương mại có tác động tới quan hệ giao thương của cộng đồng doanh nghiệp. Hai bên sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giao dịch thương mại hai chiều như tổ chức các đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư, tham gia các hội chợ triển lãm và đào tạo cán bộ theo yêu cầu cụ thể của mỗi bên.

Năm 2008, kim ngạch mậu dịch Việt Nam và Hồng Kông đạt 3,51 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước (3,05 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông tuy giá trị còn khiêm tốn nhưng đã tăng 50% so năm 2007, với các mặt hàng chính: thiết bị và linh kiện viễn thông, thiết bị và linh kiện điện tử dùng trong các mạch vòng, máy phát điện và thiết bị, thiết bị điện ly tâm và phụ tùng, các kim loại phi sắt, giày dép, sản phẩm da, sản phẩm thịt, cá và hải sản khác…

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ hướng đến thị trường Hồng Kông như là một thị trường tiêu thụ tiềm năng mà còn là một thị trường trung chuyển, qua đó tìm hiểu các nhà xuất khẩu, các kênh phân phối tái xuất đi nước thứ ba.

*FIDECO Huế ký hợp đồng nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu trực tiếp với cơ sở

Công ty Cổ phần phát triển thuỷ sản (FIDECO) Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức ký hợp đồng nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu trực tiếp với hai đơn vị là Công ty Cổ phần Trường Sơn và Công ty Cổ phần Trường Phú, với thời gian thực hiện hợp đồng trong 10 năm. Đây là một mô hình tổ chức mới tại Thừa Thiên - Huế, nhằm giúp doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo đó, từ năm 2009 trở đi, hai đơn vị này chịu trách nhiệm tổ chức nuôi tôm với diện tích 200 ha trên vùng cát ven phá Tam Giang theo quy trình nuôi tôm sạch. FIDECO Huế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi trồng, tổ chức bao tiêu, chế biến, xuất khẩu sản phẩm. FIDECO Huế còn ký hợp đồng với một công ty ở Thụy Sĩ đến khảo sát, đánh giá và xây dựng các tiêu chí cho vùng nuôi tôm an toàn và đạt chất lượng sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn:Vinanet