menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường hàng hoá, tài chính thế giới ngày 13/7/2010

14:54 13/07/2010

USD mạnh và chứng khoán suy yếu gây sức ép lên giá dầu và các hàng hoá khác; Sự biến động của CRB tuần này phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ; Nhu cầu kim loại của Trung Quốc giảm khiến giá đồng đi xuống; Giá vàng tái rời mốc 1.200 USD/ounce.

        USD mạnh và chứng khoán suy yếu gây sức ép lên giá dầu và các hàng hoá khác; Sự biến động của CRB tuần này phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ; Nhu cầu kim loại của Trung Quốc giảm khiến giá đồng đi xuống; Giá vàng tái  rời mốc 1.200 USD/ounce.

        Phiên giao dịch đầu tuần này, giá hàng hoá đặc biệt là dầu mỏ chịu sức ép giảm bởi đồng USD mạnh lên, trong khi nhu cầu kim loại của Trung Quốc sụt giảm khiến giá đồng quay đầu giảm sau 5 phiên tăng liên tiếp.

        Chỉ số CRB của các hàng hoá nguyên liệu thô giảm 1% trong phiên hôm qua sau màn trình diễn ấn tượng của tuần trước. Tuần kết thúc ngày 9/7, chỉ số CRB tăng 2,4% và là tuần tăng tốt nhất kể từ tuần kết thúc ngày 18/6. Triển vọng tuần này, theo giới phân tích, những biến động của CRB sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế vĩ mô đến từ Mỹ, chẳng hạn doanh số bán lẻ, doanh số bán ôtô tháng 6 - sẽ công bố vào ngày 14/7, tỷ lệ thất nghiệp lần đầu trong tháng 7 – công bố ngày 15/7, và giá tiêu dùng tháng 6 – công bố ngày 16/7. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 2 của các công ty - sẽ tác động trực tiếp lên thị trường chứng khoán, và sức mạnh của đồng USD cũng sẽ là các yếu tố tác động lên thị trường hàng hoá.

        Báo cáo của Trung Quốc cho thấy nước này đã giảm nhập khẩu đồng trong tháng 6 tới 17% - tháng giảm thứ 3 liên tiếp – cho thấy nhu cầu kim loại đỏ tại quốc gia tiêu thụ kim loại công nghiệp số 1 thế giới đang giảm sút. Giá đồng giao sau 3 tháng tại Luân Đôn đã giảm 2,5% trong phiên đầu tuần và đóng cửa ở 6.630 USD/tấn. Giá đồng kỳ hạn tháng 9 tại New York trong khi đó giảm 1,5% xuống còn 3,0090 USD/lb.

       Giá dầu mỏ trong khi đó chịu ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh so với Euro và sự trượt dốc của thị trường phố Wall đầu phiên, để mất 1,5% giá trị.

USD đã tăng khỏi mức thấp nhất 2 tháng qua so với Euro trong nỗi lo đồng tiền chung châu Âu đã ở vùng quá mua trước thời điểm công bố kết quả thanh tra đối với 91 ngân hàng châu Âu vào tuần tới. Thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống thời điểm đầu phiên trước khi đóng cửa tăng nhẹ và giao dịch rất thưa thớt.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giao kỳ hạn tháng 8/2010 hạ 1,14 USD tương đương 1,5% xuống 74,95 USD/thùng. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn tại Luân Đôn hạ 1,05SD xuống 74,37 USD/thùng.

Nhà đầu tư trên thị trường dầu giao dịch trong tâm lý chờ đợi những tín hiệu đầu tiên về kết quả kinh doanh quý 2/2010. Ông Andy Lebow, chuyên gia phân tích tại MF Global, nhận xét hiện không có quá nhiều yếu tố đủ để đẩy giá dầu theo hẳn một xu thế tăng hay giảm.

        Giá vàng trong khi đó quay đầu giảm về dưới 1.200 USD/ounce bởi giao dịch thưa thớt và các nhà đầu tư còn trong tâm lý chờ đợi mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2010. Giá vàng giao tháng 8/2010 hạ 11,10 USD tương đương 0,9% so với phiên cuối tuần trước và đóng cửa ở 1.198,70 USD/ounce. Như vậy, trong 7 phiên gần đây, vàng đã có 4 phiên giảm, chủ yếu bởi USD tăng so với Euro và dòng tiền đổ vào vàng giảm sút.

Giá vàng giao dịch trong biên độ hẹp trong những phiên gần đây khi thị trường bình ổn hơn sau nỗi lo về khả năng kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế lần 2.

Ông Adam Klopfenstein, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Lind-Waldock, nhận xét đồng USD mạnh lên là yếu tố gây áp lực lớn nhất lên giá vàng trong phiên đầu tuần này. Ông cũng cho rằng thông tin kinh tế tốt xấu đan xen trong tuần trước không giúp nhà đầu tư có thêm lý do nào mới để mua vàng.

Quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust báo cáo lượng vàng quỹ này nắm giữ tính đến cuối tuần trước đã giảm thêm 1,5 tấn. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, quỹ này đã bán ra gần 6 tấn vàng.

         Giá hàng hoá trên thị trường nông sản cũng đồng loạt đi xuống, ngoại trừ đậu tương và đường. Giá đậu tương đã có phiên tăng thứ 8 liên tiếp bởi nỗi lo cung khan hiếm, còn giá đường được hỗ trợ bởi nhu cầu đường vật chất, trong đó động lực là phiên đấu giá mua đường trắng của Thái Lan.

         Trên thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai trong khi Euro giảm bởi nhà đầu tư hy vọng vào các thông tin kinh tế vĩ mô mà Mỹ sẽ công bố trong tuần này cũng như chi tiết kết quả thanh tra sức khoẻ tài chính của các ngân hàng châu Âu.

Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu giảm 0,3% xuống còn 280,42 điểm trong phiên hôm qua. Chỉ số chứng khoán toàn cầu của Thomson Reuters cũng giảm.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 18,24 điểm tương đương 0,18% lên 10.216,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,79 điểm tương đương 0,07% lên 1.078,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,09% lên 2.198,36 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 0,73 điểm. Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 1,2%, chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 0,2%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp tăng 0,4%.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,4% sau khi Đảng cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử ngày Chủ nhật vừa qua.

Đồng Euro hôm qua giảm 0,41% so với USD xuống còn 1,2582 USD, rời khỏi mức cao của 2 tháng thiết lập trong tuần trước bởi nỗi lo về tính hiệu quả của nỗ lực thanh tra tài chính các ngân hàng châu Âu nhắc nhở các nhà đầu tư giảm bớt mối quan tâm lâu dài với đồng tiền chung. Kết quả thanh tra với 91 ngân hàng châu Âu sẽ công bố vào ngày 23/7 - yếu tố quan trọng khi Liên minh châu Âu muốn tìm lại niềm tin của thị trường đối với lĩnh vực ngân hàng.

(Nguyễn Hằng)