menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường hàng hoá thế giới ngày 09/7/2010

11:12 09/07/2010

Giá ngũ cốc và dầu thô tăng bởi triển vọng cung khan hiếm và USD yếu; Giá lúa mì và đậu tương cao nhất 6 tháng; Giá ngô cao nhất 2 tháng; Giá vàng rơi xuống dưới 1.200 USD/ouncel; Chỉ số CRB cao nhất 1 tuần; Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp; Euro cao nhất 2 tháng so với USD..
  
  

 Giá ngũ cốc và dầu thô tăng bởi triển vọng cung khan hiếm và USD yếu; Giá lúa mì và đậu tương cao nhất 6 tháng; Giá ngô cao nhất 2 tháng; Giá vàng rơi xuống dưới 1.200 USD/ouncel; Chỉ số CRB cao nhất 1 tuần; Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp; Euro cao nhất 2 tháng so với USD..

Phiên giao dịch ngày 08/7, thị trường nông sản đã dẫn đầu đà tăng trưởng của các hàng hoá phiên thứ hai liên tiếp bởi lúa mì và đậu tương thiết lập mức cao của 6 tháng còn giá ngô cao nhất 2 tháng qua bởi nỗi lo điều kiện phát triển vụ mùa không thuận lợi tại châu Âu có thể khiến nguồn cung toàn cầu giảm sút.

Giá dầu thô đóng cửa phiên ở mức cao nhất trong 1 tuần qua, phần lớn là bởi thông tin dự trữ nhiên liệu thô của Mỹ tuần trước giảm. Đồng USD suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp tuần đầu tháng 7 thấp hơn dự đoán

Cũng hỗ trợ cho giá dầu và các hàng hoá khác.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô, chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu, đã tăng nửa phần trăm và lên mức cao nhất kể từ ngày 29/6.

Các nhà phân tích đang có các quan điểm khác nhau về việc liệu thị trường hàng hoá sẽ tăng được bao lâu sau khi hồi phục từ đợt bán tháo hồi tháng 5 và kéo dài trong hầu hết tháng 6.

Ngân hàng Deutsche cho rằng, giá một số hàng hoá công nghiệp như đồng, nhôm và quặng sắt sẽ vẫn dưới sức ép giảm giá trong ít nhất 2 tháng nữa.

Còn với lúa mì, giá cũng sẽ chịu sức ép giảm nếu như báo cáo tình hình cung cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cuối tuần này cho thấy sản lượng tăng ở thị trường nội địa. Tại bang sản xuất lúa mì lớn nhất Mỹ là Kansas và một số bang trồng lúa mì khác, đã báo cáo vụ mùa năm nay tốt hơn dự kiến.

Giá lúa mì tại Chicago đã liên tục tăng trong tuần này bởi lo ngại thời tiết nóng tại tây Âu và vùng Biển Đen sẽ ảnh hưởng tới sản lượng.

“Giá lúa mì vẫn đang có động lực tăng tốt”, chuyên gia phân tích Shawn McCambridge của Prudential nhận định. “Nhưng chúng ta phải chờ đợi xem thị trường phản ứng như thế nào sau báo cáo ngày mai của USDA”.

Phiên giao dịch ngày 08/7, giá lúa mì tại Chicago đã tăng lên 5,34 – 1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 14/1, trước khi đóng cửa phiên ở 5,34 USD/bushel, tăng 3,5% so với phiên trước đó.

Sự gia tăng mạnh mẽ của giá ngô và đậu tương trong khi đó xuất phát từ vấn đề thời tiết tại khu vực Trung và Tây nước Mỹ khi mưa dự kiến sẽ nhiều hơn trong tuần này tại các cánh đồng vốn đang ngập nước.

Giá đậu tương tại Chicago hôm qua leo lên mức cao nhất kể từ ngày 7/1 ở 10,22 – 1/4 USD/bushel. Lúc đóng cửa, giá còn 10,12 – 1/2 USD/bushel, tăng 2% so với phiên trước đó. Giá ngô đóng cửa phiên ở 3,77 – 1/2 USD/bushel, tăng 1,8% so với phiên liền trước, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/5 ở 3,97 USD.

Giá vàng trong phiên giao dịch hôm qua giảm xuống dưới 1.200 USD/ounce mặc dù USD yếu đi. Giá vàng giao tháng 8/2010 hạ 2,80 USD tương đương 0,2% xuống 1.196,10USD/ounce.

Sau khi đã giảm tới 3% tính từ cuối tuần trước, giá vàng giao tháng 8/2010 đã giao dịch và biến động trong biên độ hẹp và hiện thấp hơn 15USD/ounce so với mức 1.200USD/ounce.

Giá dầu thô giao kỳ hạn tăng trong phiên hôm qua bởi dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm ngay cả khi dự trữ khí đốt tăng khiến người ta lo lắng nhiều về yếu tố nhu cầu. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 8/2010 tăng 1,37 USD tương đương 1,9% lên 75,44USD/thùng tại thị trường New York. Trong phiên giao dịch đã có lúc giá dầu tăng lên mức 75,90 USD/thùng, mức cao nhất trong ngày giao dịch tính từ đầu tháng 6/2010. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1,20 USD tương đương 1,6% lên 74,71 USD/thùng.

Giá dầu giao kỳ hạn tăng trong phần lớn phiên giao dịch sau thông tin dự trữ dầu giảm sâu. Dự trữ dầu trong tuần kết thúc ngày 02/07 giảm 5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức 1,8 triệu thùng theo dự báo của các chuyên gia.

 

Dự trữ dầu giảm khiến thị trường lạc quan dù EIA thông báo dự trữ khí đốt tăng 1,3 triệu thùng.

Trên thị trường tài chính tiền tệ, đồng Euro leo lên mức cao nhất trong 2 tháng qua so với USD còn chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm.

Thị trường phố Wall hôm qua đã tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp sau khi báo cáo việc làm tuần đầu tháng 7 của Mỹ được công bố. Báo cáo này còn giúp chứng khoán châu Âu lên mức cao của 10 ngày qua còn đồng Euro cao nhất 2 tuần so với các đồng tiền chủ chốt. Euro đã ở 1,2711 USD trong phiên hôm qua – cao nhất kể từ giữa tháng 5.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 120,71 điểm, tức 1,2% lên 10.128,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,97 điểm, tức 0,94% lên 1.070,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,93 điểm, tức 0,74% lên 2.175,40 điểm.

Trong 3 phiên vừa qua, các chỉ số này đã tăng tổng cộng từ 4 đến 4,7%.

Tại châu Âu, các cổ phiếu đồng loạt tăng, trong đó đứng đầu là các cổ phiếu của ngành ngân hàng. Chi số FTSEurofirst 300 tăng 0,95% lên 1.015,56 điểm – cao nhất kể từ cuối tháng 6. Phiên 08/7 cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của chứng khoán châu Âu sau khi sụt giảm tới 7% trong 2 tuần trước. Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng tăng mạnh với chỉ số STOXX Europe 600 tăng 1,7%.

Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 1,21% lên mức cao của 1 tuần rưỡi qua. Chỉ số chứng khoán toàn cầu của Thomson Reuters tăng 1,17%.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 255 của Nhật tăng 2,8%.

(Nguyễn Hằng)