menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường hàng hoá và tài chính thế giới tháng 7/2010

10:04 03/08/2010

Giá lúa mì tăng 41% - tháng tăng mạnh nhất từ 1959; Giá đường tăng 22%; Giá đồng tăng 12,4%; Giá dầu mỏ tăng 4,5%; Chỉ số CRB tăng 5,5%. Giá vàng giảm 5,3%. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong 1 năm, chứng khoán châu Âu cao nhất 4 tháng.
  
  

Giá lúa mì tăng 41% - tháng tăng mạnh nhất từ 1959; Giá đường tăng 22%; Giá đồng tăng 12,4%; Giá dầu mỏ tăng 4,5%; Chỉ số CRB tăng 5,5%. Giá vàng giảm 5,3%. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong 1 năm, chứng khoán châu Âu cao nhất 4 tháng.

Giá hàng hoá thế giới tăng mạnh trong tháng 7 bởi các yếu tố liên quan đến nguồn cung và đồng USD suy yếu. Chỉ số CRB của các loại hàng hoá kỳ hạn tăng tổng cộng 6,1%, trở thành tháng tăng mạnh nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây. Tháng 5/2009, chỉ số CRB tăng 13,8%. Riêng phiên giao dịch cuối tháng 7, chỉ số này tăng 1,5%.

Lúa mì

Giá lúa mì đã có tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1959 và có màn trình diễn ấn tượng nhất trong số các loại hàng hoá, bởi vấn đề hạn hán ở quanh khu vực Biển Đen làm giảm sản lượng ở các khu vực cung lúa mì chủ chốt.

Riêng phiên giao dịch cuối tháng 7, giá lúa mì tăng 5,4%, chốt tháng ở 6,61 – 1/2 USD/bushel. Giá loại ngũ cốc này tăng tổng cộng 41% trong tháng qua bởi khô hạn làm giảm sản lượng ở quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới là Nga và một số nơi ở đông Âu.

Vàng

Giá vàng tăng 1% trong phiên giao dịch cuối tháng 7, lên trên 1.170 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá vàng giảm 5,3% trong cả tháng, trở thành tháng giảm mạnh nhất trong năm nay.

Đường, cà phê

Giá đường thô đã tăng 22% trong tháng 7 và hiện đang ở mức cao nhất gần 5 tháng qua.

Giá cà phê arabica trong khi đó tăng 7%, đang ở mức cao nhất 12 năm qua. Giá cà phê robusta kết thúc tháng 7 ở mức cao nhất 21 tháng trở lại đây.

Các nhà phân tích cho rằng, giá hàng hoá mềm nói chung và giá đường nói riêng sẽ tiếp tục tăng nếu dòng tiền chuyển từ các hàng hoá công nghiệp sang hàng hoá nông nghiệp.

Đồng và dầu thô

Giá đồng đứng đầu trong số các hàng hoá công nghiệp khi tăng tới 12,4% trong tháng 7 – tháng tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm qua.

Giá dầu thô tăng 4,5% trong tháng 7, tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 4.

Các nhà phân tích cho biết, các thông tin về kinh tế bất thường trong tháng 7 đã như những đám mây che phủ triển vọng giá kim loại và năng lượng mặc dù USD yếu và các thông tin tốt hơn về cung cầu so với tháng 5 và tháng 6.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý 2, chi tiêu tiêu dùng và niềm tin tiêu dùng đều giảm trong tháng 7 đã làm tăng nỗi lo về đà hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới trong

Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ biến động mạnh theo xu hướng đi lên trong tháng 7 nhờ báo cáo kinh doanh lạc quan của các công ty. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 7,08% và chốt tháng ở 10.465,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,87%, chốt tháng ở 1.101,60 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,9%, chốt tháng ở 2.254,70 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng trải qua tháng tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 5,3% trong tháng 7 và chốt tháng ở 1.043,66 điểm.

Tiền tệ

Kết thúc tháng 7, đồng USD đứng ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng so với Yên Nhật và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp. USD cũng giảm so với Euro và là tháng giảm đầu tiên sau 7 tháng tăng liên tiểp trước đó. Nguyên nhân là bởi thông tin kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và dự đoán chính phủ sẽ duy trì lãi suất thấp kỷ lục cho đến tận năm 2011.

USD đã giảm 2,2% so với Yên trong tháng 7 và rơi xuống 86,48 yên đổi 1 USD. Còn Euro tăng 6,7% so với USD – tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 5/2009.

USD cũng giảm xuống mức thấp của 6 tháng so với Franc Thụy Sĩ, ở 1,0364 franc.

   (Nguyễn Hằng)