menu search
Đóng menu
Đóng

Triển vọng khả quan của thị trường hàng hoá

15:53 06/08/2009
Chủ tịch công ty Roubini Global Economics, ông Roubini, dự báo giá hàng hoá có thể tăng trở lại vào năm 2010 khi kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.

Cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Roubini tin rằng thời kỳ kinh tế khó khăn nhất đã qua, và nhu cầu hàng hoá đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài trì trệ.

Ông Roubini đã có những dự báo rất chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính từ khi nó còn chưa diễn ra.

Giá hàng hoá hầu hết tăng trong 4 tháng qua bởi các nhà đầu tư đồn đoán rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã qua, và tiêu thụ nông sản, kim loại và nhiên liệu sẽ hồi phục trở lại.

Những hàng hoá được đặc biệt hy vọng tăng giá là đồng, nickel, vàng và quặng sắt.

FED cho rằng cuộc suy thoái trầm trọng nhất từ ít nhất 5 thập kỷ nay ở Mỹ có thể đã kết thúc, và tăng trưởng có thể sẽ trở lại với tốc độ mạnh hơn dự tính của các nhà kinh tế. Dầu mỏ đã tăng giá thêm 56% trong năm 2009, đồng tăng giá thêm 86%, cao su tăng 35%...

Giá dầu thô có thể sẽ tăng mạnh hơn so với các hàng hoá khác do nhu cầu tăng trở lại. Ông Roubini cho rằng giá dầu mỏ sẽ tăng mạnh hơn so với các hàng hoá khác, sẽ ở mức trung bình khoảng 70 – 75 USD/thùng trong năm tới.

Đầu tháng 8/2009, giá dầu đạt trên 70 USD/thùng, lần đầu tiên trong vòng 1 tháng, do nhu cầu mua đầu cơ tăng lên, và dấu hiệu kinh tế hồi phục.

Giá hàng hoá tăng mạnh có thể đẩy tăng giá đồng Đôla Australia. Tiền tệ của các nước Australia, Niu Dilân và Canađa được gọi là các đồng tiền hàng hoá vì nguyên liệu tạo ra hơn 50% thu nhập xuất khẩu của họ.

Ngày 3/8/2009, đồng Đôla Australia (AUD) đã tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, trước khi chính phủ nước này công bố các số liệu về bán lẻ và giá nhà, mà các nhà phân tích cho rằng sẽ là chứng cớ cho thấy nền kinh tế nước này sẽ hồi phục nhanh hơn so với dự báo của ngân hàng trung ương Australia 6 tháng trước đây.

Giá nhôm, kim loại được sử dụng trong sản xuất vỏ đồ uống và linh kiện máy bay, đã giảm 1/3 trong năm qua do suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu nhôm hồi phục ó thể bù lại cho việc công suất sản xuất dư thừa quá lớn – một yếu tố bất lợi cho giá.

Vale SA, hãng sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, cho hay nhu cầu kim loại đang bắt đầu hồi phục và sẽ kéo theo sản lượng tăng lên.

Chỉ số Reuters/Jefferies CRB Index bao gồm 19 mặt hàng đã tăng 12% trong năm nay. Riêng trong tháng 7, chỉ số này đã tăng 3,9%, đạt 253,14, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 19/3/2009.

Ông Roubini dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2009, nhưng rất có thể sẽ suy giảm trở lại vào cuối 2010 hoặc 2011 do gánh nặng nợ của Chính phủ tăng, giá dầu mỏ cũng tăng mà số việc làm lại không tăng lên.

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn thứ 2 thế giới, đã mạnh lên trong quý II năm nay, tăng 7,9% so với cùng quý năm ngoái. Trung Quốc đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã vượt Nhật bản trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới về trị giá (tính tới ngày 16/7/2009) sau khi Chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế 4 nghìn tỷ NDT (585 tỷ USD) làm tăng mạnh lượng tiền cho vay và đẩy tăng giá cổ phiếu cũng như giá hàng hoá.

Ông Roubini tin rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay. Hãng dự báo kinh tế IHS Global Insight cho rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới vào năm 2015. Sản xuất ở Trung Quốc đã tăng liên tiếp 5 tháng qua nhờ gói kích thích kinh tế và trợ cấp cho người tiêu dùng. Xuất khẩu hồi phục đã giúp tăng doanh thu của các công ty, từ hãng sản xuất vi mạch Semiconductor Manufacturing International Corp. đến hãng sản xuất ô tô General Motors Corp. cũng như các công ty khai thác mỏ như BHP Billiton Ltd. và Rio Tinto Group.

Chỉ số quản lý sức mua (Purchasing Managers) của Trung Quốc đã tăng 53,3 trong tháng 7 so với 53,2 trong tháng 6. Chỉ số này đã từng xuống tới mức thấp kỷ lục 38,8 vào tháng 11/2008.

Trái với Trung Quốc, thống kê đưa ra ngày 1/8 cho thấy sản xuất công nghiệp ở Mỹ đã giảm 4 tháng liên tiếp. Theo báo Wall Street Journal , năm 2007, Mỹ chiếm 20% sản xuất toàn cầu, trong khi Trung Quốc chiếm 12%.

Theo ông Roubini, mặc dù kinh tế thế giới hồi phục song với tốc độ rất chậm. Kinh tế toàn cầu có thể giảm 2% trong năm nay và tăng 2,3% vào năm tới.

Nguồn:Vinanet