Trong báo cáo mang tên Thị trường Ô tô toàn cầu vừa công bố vào đầu tháng 1/2015, ngân hàng Scotiabank dự báo doanh số bán ô tô toàn thế giới sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, với mức tăng trưởng 4% so với năm 2014, đạt trên 74 triệu chiếc, chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc.
Trong báo cáo mang tên Thị trường Ô tô toàn cầu vừa công bố vào đầu tháng 1/2015, ngân hàng Scotiabank dự báo doanh số bán ô tô toàn thế giới sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, với mức tăng trưởng 4% so với năm 2014, đạt trên 74 triệu chiếc, chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc.
Ngành ô tô là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên thị trường thế giới hiện nay. Tiêu thụ ô tô được khích lệ tăng nhờ sự khởi sắc của thị trường lao động và tỷ lệ lãi suất ngắn và dài hạn đều thấp, cộng với những chương trình kích thích kinh tế, khi mà Ngân hàng Nhật Bản và ECB đều nối gót theo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Anh đua nhau nới lỏng tiền tệ. Tiêu thụ ô tô cũng sẽ được khích lệ bởi sức mua của các hộ gia đình tăng lên sau khi giá dầu giảm mạnh. Các điều kiện tài chính thuận lợi cũng hỗ trợ đắc lực cho thị trường này.
Dự báo các thị trường đang phát triển châu Á sẽ thúc đẩy doanh số bán ô tô tăng trong năm nay, bởi tăng trưởng kinh tế của khu vực tiếp tục ở mức cao, cùng với sự cải thiện ở Ấn Độ và các nước Asean.
Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu ô tô của châu Á và thế giới
Toàn châu Á dự báo sẽ tiêu thụ 33,75 triệu chiếc, chiếm 46% thị trường ô tô toàn cầu.
Châu Á hiện tiêu thụ trên 30 triệu thùng dầu mỗi ngày – tương đương mức tiêu thu của cả châu Mỹ - nhưng sản lượng dầu chỉ đạt khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, tức là phụ thuộc trên 70% vào nhập khẩu – gấp 3 mức nhập khẩu của châu Mỹ. Ước tính giá xăng đã giảm trên 15% ở cả Trung Quốc và Ấn Độ từ tháng 8 tới nay. Giá nhiên liệu ở Bắc Mỹ và Tây Âu còn giảm mạnh hơn thế, thúc đẩy sức mua ở cả hộ gia đình cũng như trong các doanh nghiệp ở hai bờ Đại Tây Dương.
Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng tiêu thụ ô tô trong năm nay mặc dù không còn đạt mức 2 con số như thành tựu đã từng có suốt hơn một thập kỷ qua. Scotiabank dự báo nhu cầu ô tô Trung Quốc sẽ tăng 7% đạt 19,36 triệu chiếc, so với 18,1 triệu năm 2014. Trung Quốc sẽ chiếm 26% thị trường ô tô thế giới vào năm 2015.
Mặc dù gia tăng lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, không thể phủ nhận việc nhu cầu ô tô mới ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhất là dòng xe CUV, chiếm 40% mỗi năm. Các mẫu xe hơi hạng sang cũng tiếp tục được tiêu thụ mạnh bởi nhiều người chuyển hướng chi tiêu khỏi thị trường bất động sản, nơi đang gần như bị đóng băng. Việc ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ và sự ra đời những mẫu xe mới cũng hỗ trợ tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Ước tính gần 20% trong tổng số xe hơi mới bán ra thuộc về thị trường Trung Quốc, tăng so với 10% năm 2010. Các hãng sản xuất đã tung ra 10 mẫu xe CUV mới vào cuối năm 2014 và sẽ ra mắt thêm nữa trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 12% của năm ngoái chắc chắn khó lặp lại, đánh dấu sự kết thúc giai đoạn tăng trưởng 2 con số kéo dài hơn một thập kỷ.
Doanh số ở Bắc Mỹ cao kỷ lục
Năm 2015 sẽ là đỉnh cao của thị trường ô tô Bắc Mỹ. Dự báo sản xuất và tiêu thụ ô tô ở Canada, Mexico và Hoa Kỳ năm nay sẽ vượt mức cao kỷ lục của năm 2000, khi doanh số đạt 19,8 triệu chiếc, và sản xuất đạt 17,6 triệu. Cả Canada và Mexico đều có doanh số cao kỷ lục trong năm 2014, và sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2015, bởi xuất khẩu từ 2 quốc gia này đều được hưởng lợi bởi nhu cầu tăng ở Mỹ. Tiêu thụ tại Mỹ sẽ đạt 17 triệu chiếc, cao kỷ lục lịch sử. Kể từ năm 2001, tài chính của các hộ gia đình Mỹ dần được cải thiện khi kinh tế tăng trưởng mạnh lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ, nhu cầu mua ô tô mới cũng tăng theo. Ước tính sau một số năm tiêu thụ chậm, gần 40% số xe đang lăn bánh trên đường ở Mỹ hiện đang có tuổi thọ ít nhất 12 năm, tức là đến lúc cần thay mới.
Tiêu thụ ở Tây Âu hồi phục
Tại Tây Âu, mặc dù kinh tế đang sa sút, tiêu thụ ô tô cũng bắt đầu tăng kể từ năm ngoái và tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế chung, nhất là thị trường lao động. Tiêu thụ xe hơi ở Tây Âu năm 2014 đạt 12,1 triệu chiếc, song vẫn thấp hơn 12% so với mức trung bình từ năm 2001, và thấp hơn 20% so với mức đỉnh cao của năm 2007. Hơn nữa, chỉ 4,3% khách hàng tiềm năng ở Tây Âu mua ô tô mới trong năm vừa qua, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình những năm 1997-2007. Nay điều kiện tín dụng đang được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho nhu cầu ô tô tăng mạnh, nhất là khi thu nhập tăng và niềm tin tiêu dùng được cải thiện. Kết quả điều tra mới nhất cho thấy việc nới lỏng tín dụng và tăng cung tiền trong 6 tháng qua đã đẩy mức vay lên cao nhất kể từ giữa năm 2014.
Tại Nga, tình hình kinh tế khó khăn và giá dầu giảm cùng với đồng ruble mất giá sẽ khiến doanh số bán ô tô giảm 2 con số trong năm 2015, kéo theo sự giảm sút tiêu thụ trên toàn Đông Âu xuống mức thấp nhất 5 năm. Đồng ruble mất giá khiến kinh tế Nga tăng chậm lại và với giá ô tô tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thị trường ô tô của các thành viên EU nằm ở Trung và Đông Âu sẽ tiếp tục cải thiện. Ba Lan sẽ là động lực tăng trưởng chính của khu vực, chiếm 40% tổng doanh số bán trong khu vực. Kinh tế Ba Lan tăng trưởng 3% trong năm qua kéo theo chi tiêu tăng 2 con số. Kinh tế Tây Âu cải thiện cũng sẽ có lợi cho nền kinh tế Ba Lan, bởi Tây Âu chiếm 60% tổng xuất khẩu của Ba Lan. Thị trường lao động và niềm tin tiêu dùng ở Ba Lan đã thoát khỏi mức thấp kỷ lục hồi giữa năm 2013 và đang trên đà hồi phục.
Thị trường Peru sẽ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Nam Mỹ
Các điều kiện thị trường ở Nam Mỹ không khả quan, nơi thị trường lao động giảm sút và giá hàng hóa giảm ảnh hưởng tới nguồn tài chính. Tại Brazil, thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực, triển vọng sẽ phụ thuộc và việc Tổng thống Rousseff có tái đắc cử hay không và chính phủ mới của ông có cải cách mạnh mẽ hay không. Bên cạnh đó, với lạm phát quanh mức 6,5%, Ngân hàng Brazil mới đây đã nâng tỷ lệ lãi suất ngắn hạn lên 11,75%, khiến cho việc mua mỗi chiếc ô tô mới trở nên khó khăn hơn với người dân nước này. Ngay cả trước khi tăng thuế, cuộc sống của người dân Brazil cũng khó khăn hơn so với thời gian trước đây.
Tại Peru, Colombia và Chile, tỷ lệ lãi suất giảm và triển vọng ngành ô tô khả quan hơn. Colombia là thị trường ô tô tang trưởng mạnh nhất Nam Mỹ trong năm qua, tăng 2 con số. Tuy nhiên, triển vọng năm 2015 kém hơn năm ngoái do giá dầu giảm hơn 50% ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách quốc gia. Trong khi đó, Peru sẽ trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực vào năm 2015 nhờ đầu tư công và tư đều đang tăng mạnh, và niềm tin tiêu dùng và kinh doanh đều được cải thiện đáng kể. Hiện ở Peru trung bình 1.000 người dân mới chỉ có 59 ô tô, bằng 1/3 mức trung bình của khu vực Nam Mỹ, và thấp hơn 10% so với mức trung bình của các nước G7.