Giá cà phê giảm sau khi tăng trong thời gian gần đây do tình trạng khô hạn tại các vùng trồng cà phê của Brazil không nghiêm trọng như dự báo. Xuất khẩu cà phê của Brazil tăng cũng gây áp lực lên giá cà phê. Theo số liệu của Bộ Thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 9 đạt 2,92 triệu bao, tăng so với 2,67 triệu bao trong tháng 8 và tăng so với 2,76 triệu bao tháng 9/2014.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8/2015 đạt 9,1 triệu bao, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu niên vụ 2014-15 (10/2014- 9/2015) đạt 101,95 triệu bao, giảm 2,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Theo đó, xuất khẩu cà phê Arabica trong 11 tháng đầu niên vụ 2014-15 đạt 62,91 triệu bao, giảm 2,3% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu Robusta đạt 39,04 triệu bao, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Robusta giảm không phải do nguồn cung thiếu mà do hiện tượng kháng giá tại thị trường Việt Nam, kéo giảm xuất khẩu cà phê của nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới này.
Theo Volcafe, sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 3,5 triệu bao trong niên vụ 2015 - 2016. Niên vụ trước đó, sản lượng cà phê toàn cầu thiếu hụt khoảng 6,4 triệu bao do Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán năm 2014.
Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Indonesia cho biết nếu điều kiện thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino tiếp tục kéo dài, sản lượng cà phê vụ tới của nước này có thể giảm 35%, thấp nhất trong 26 năm qua ở mức 7,5 triệu bao. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta của đảo Sumatra trong tháng 9/2015 đạt 482.820 bao, giảm 2.651 bao, tương ứng 0,55%, so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê của Sumatra trong niên vụ tháng 10/2014 - tháng 9/2015 đạt 4.696.081 bao, tăng 1.106.841 bao, tương đương 30,84%, so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê của Indonesia dự báo tăng 4% lên 400.000 tấn trong năm nay từ 385.000 tấn năm 2014 nhờ sản lượng tăng.
Liên đoàn Trồng Cà phê Colombia cho biết sản lượng cà phê của nước này trong tháng 9 đạt 1.058.000 bao, tăng 146.000 bao (16,01%) so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê niên vụ 2014-15 (tháng 10 - tháng 9) đạt 13.333.000 bao, tăng 1.209.000 bao, tương đương 9,97%, so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong tháng 9 đạt 1.093.000 bao, tăng 263.000 bao, tương ứng 31,69%, so với tháng 9/2014, đưa xuất khẩu cà phê niên vụ 2014-15 lên 12.291.000 bao, tăng 1.327.000 bao, hay tăng 12,1%, so với niên vụ trước.
Theo Tập đoàn cà phê Neumann Kaffee Gruppe, thị phần cà phê robusta có thể sẽ vượt arabica nhờ sản lượng và nhu cầu tiêu thụ tăng. Thị phần cà phê robusta đã tăng lên 45% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2015, từ mức 13% ghi nhận vào năm 1950. Dự báo đến năm 2030, cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng, chiếm 55% sản lượng toàn cầu. Thị trường cà phê ngày càng phát triển theo đà tăng của dân số thế giới. Cà phê dần trở thành thức uống không thể thiếu đối với đại bộ phận người dân và nhu cầu uống cà phê được dự báo sẽ tăng lên 1,43 kg/người trong vòng 15 năm nữa, từ mức 1,2 kg/người hiện nay.
Thị trường cà phê trong nước biến động giảm cùng với xu hướng thị trường cà phê thế giới. So với cuối tuần trước, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 200 đ/kg xuống 34.800 – 35.200 đ/kg; Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB giảm 19 USD/tấn xuống mức 1.619 USD/tấn.
Việt Nam bắt đầu chào bán cà phê Robusta vụ mới nhưng giao dịch khá trầm lắng do chênh lệch lớn giữa giá chào bán và giá chào mua. Lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê vụ trước.
Dù lượng cà phê tồn kho của nông dân và thương nhân Việt Nam đang ở mức cao và vụ thu hoạch mới đang bắt đầu, nhưng giá tham chiếu thấp trên sàn London khiến thị trường Việt Nam tiếp tục kháng giá và hoạt động mua bán chậm. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 10 dự đoán chỉ đạt 80.000 - 140.000 tấn.
Theo Bộ NNPTNT
Nguồn:Bộ NNPTNT