menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam: Top 9 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới

14:42 11/04/2008
Ngày 9-4, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế TPHCM (HIECC), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), phối hợp với Công ty Tổ chức triển lãm VCCI (VietchamExpo) và Công ty Triển lãm CP-Hồng Công, tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành về máy, thiết bị và nguyên phụ liệu ngành dệt và may Việt Nam 2008.
Năm nay, tham dự triển lãm có nhiều công nghệ và thiết bị mới, tính tự động hóa cao và tiết kiệm điện năng, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của ngành dệt may Việt Nam.
 Chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp dệt may
 Tính thời trang của sản phẩm phải tăng, mới có thể tăng cạnh tranh với các nước
 Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực
 Chăm lo đời sống công nhân đang được đặt ra hàng đầu, vì thu nhập của công nhân còn thấp
Đó là hàng loạt biện pháp được đưa ra để tiếp tục đẩy ngành dệt – may Việt Nam lên một tầm mới.
Công nghệ mới, lối ra cho dệt may
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: triển lãm lần này sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) dệt may đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, có thêm nguồn nguyên liệu để chủ động đáp ứng nhu cầu mua hàng của khách hàng nước ngoài, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam từng bước hội nhập khu vực và quốc tế. Bởi, hàng dệt may của Việt Nam tuy có mức tăng trưởng cao, nhưng đang phải đối đầu với những nước có khả năng cạnh tranh cao, có nhiều thuận lợi từ nguồn nguyên liệu, thiết bị hiện đại, quản lý DN tốt, tài chính mạnh…
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy một điều, các sản phẩm của các nước đang cạnh tranh với Việt Nam thường rất đa dạng, mẫu mã luôn được thay đổi, chính vì vậy có thể đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu của người tiêu dùng từ cấp thấp đến cấp cao. Mặc dù vậy,  ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong 15-20 năm tới đây nhờ vào yếu tố giá lao động rẻ, phát triển ngành công nghiệp hóa dầu nên chủ động được nguyên liệu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương đưa ra bức tranh phát triển của ngành dệt may trong những năm tới là: phải đưa ngành dệt may đạt mức tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 16%-18%, trong đó xuất khẩu đạt 20%. Theo đó, đến năm 2020, tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 12%-14%, xuất khẩu đạt 15%; doanh thu toàn ngành đến 2010 đạt 14,8 tỷ USD, tăng lên 22,5 tỷ USD vào năm 2015 và 31 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào năm 2020.
Để thực hiện được điều này, các DN trong ngành phải chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Trước hết, đó là đầu tư vào thiết bị và công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm từ khâu thiết kế cho đến khâu bán hàng, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trong nước cũng như cho xuất khẩu. Trong đó, tính thời trang của sản phẩm dệt may phải tăng lên mới có thể cạnh tranh với sản phẩm dệt may các nước.
Để thực hiện được chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay bây giờ phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Quá trình này sẽ được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như đào tạo nghề, kỹ năng thực hành máy, các nhà thiết kế mẫu và thiết kế công nghệ (thiết kế nguyên liệu vải sợi...), công tác quản lý và tổ chức sản xuất trên các dây chuyền, chăm lo nâng cao đời sống công nhân.
Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2007 tăng 17,9% so với năm 2006. Các sản phẩm chủ yếu đều tăng như sợi toàn bộ tăng 11%; vải lụa thành phẩm tăng 8,9%; sản phẩm quần áo dệt kim tăng 8,8%; quần áo may sẵn tăng 12,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,78 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2006.
Với kim ngạch xuất khẩu như vậy đã đưa Việt Nam lọt vào Top 9 các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, chỉ riêng tại thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã đạt 4,5 tỷ USD, vươn lên đứng hàng thứ 3 các xuất khẩu dệt may vào thị trường này.
Giám đốc Vietcham Expo cho biết, năm nay là lần thứ 18 triển lãm được tổ chức và được xem là cuộc triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng diện tích cho các gian hàng tham gia là 12.000m2, với 395 công ty đến từ 27 quốc gia và các vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều công ty chế tạo thiết bị dệt may hàng đầu của thế giới như Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...
Đây là cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam tham quan, tìm hiểu mua các chủng loại thiết bị hiện đại được sản xuất từ các nước có công nghệ tiên tiến, nhằm đáp ứng cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam