menu search
Đóng menu
Đóng

Văn phòng cho thuê truyền thống bão hòa, trong khi mô hình mới này lại tăng trưởng

14:03 12/06/2017

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm nguồn cung văn phòng theo mô hình mới co-working space (văn phòng làm việc chung) tăng trưởng 58%, trong khi đó nguồn cung của mô hình cho thuê truyền thống gần như không tăng.
Đó là nghiên cứu mới nhất về mô hình không gian làm việc chung (co-working space) tại Việt Nam mà CBRE Việt Nam vừa công bố. Kinh tế Việt Nam quý 1/2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định 5,1%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh 73% so với năm ngoái, ngành du lịch cũng đang hưởng lợi từ lượng khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao (khách quốc tế quý 1/2017 đạt 3,2 triệu lượt tăng 29%),
 Nền kinh tế khởi sắc trong những năm qua khiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể. Quý 1/2017 tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 26.478 doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ.
 Những yếu tố tích cực này khiến thị trường văn phòng cho thuê hưởng lợi. Tuy nhiên, đối với mô hình cho thuê truyền thống chỉ duy trì ở mức tích cực khi giữ được đà suy giảm suốt thời gian dài vừa qua. Cả nguồn cung và giá chỉ tăng nhẹ ở mức khoảng 1-2% so với năm ngoái, tuy nhiên, công suất thuê đã tăng lên.
 Theo Savills, thị trường văn phòng tại Hà Nội quý 1/2017 chỉ ghi nhận thêm 5.200m2 hạng A, còn ở Tp.HCM có 4.400m2 sàn văn phòng hạng C gia nhập thị trường. Văn phòng hạng A ở khu ngoài trung tâm Tp.HCM có giá thuê sụt giảm mạnh do các tòa nhà hạng A trong trung tâm hoạt động cho thuê tốt.
 Trong khi đó, mô hình co-working space lại đang “nổi đình nổi đám” tại những thị trường ở các thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM. Xuất hiện từ 2012 nhưng phải tới 2015 mô hình này mới thu hút sự chú ý khi chuỗi Dreamplex và Toong ra mắt.
 Theo CBRE Việt Nam ghi nhận đến 6/2017 đã có tổng cộng 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm. Ngoại trừ một đơn vị nước ngoài, còn lại đều là các đơn vị trong nước. Có khả năng sẽ tăng cao hơn khi một số đơn vị nước ngoài có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong năm nay và 2018.
 Mô hình không gian làm việc chung trên thế giới đang trên đà phát triển với tốc độ trung bình 53% mỗi năm trong vòng 5 năm vừa qua. Tại Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian trên, nguồn cung không gian làm việc chung tăng trung bình 58% hàng năm.
 Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng Không gian làm việc chung thuộc Thế hệ Y, là những người có độ tuổi dưới 35. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Con số này cũng phản ánh tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.
 Lý giải về sự bùng nổ của mô hình co-working space, CBRE cho rằng gần đây xu hướng khởi nghiệp phát triển, môi trường làm việc chia sẻ phổ biến hơn, mức giá ở Hà Nội và Tp.HCM thấp hơn so với khu vực,…
 Ngoài ra, các sự kiện, hoạt động kết nối và hoạt động cộng đồng là cốt lõi của mô hình không gian làm việc chia sẻ. Đó là điểm khác biệt để phân biệt không gian làm việc chung với các mô hình làm việc khác như văn phòng dịch vụ và văn phòng truyền thống.
 Nhu cầu tích hợp mô hình không gian làm việc chung trong các tòa nhà văn phòng truyền thống cũng bắt đầu xuất hiện do nhu cầu của khách thuê. Việc ứng dụng mô hình không gian làm việc chung trong tòa nhà đòi hỏi các chủ tòa nhà phải cân nhắc yếu tố lợi nhuận và văn hóa làm việc.
 Sự xuất hiện của các đơn vị vận hành theo chuỗi sẽ mở đầu cho giai đoạn hợp nhất và các hoạt động sáp nhập và mua lại trong ngành. Điều này sẽ khiến các không gian làm việc chung hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn phù hợp đóng cửa, đồng thời cải thiện chất lượng của các trung tâm hiện hữu.
 Nguồn: Nhịp sống kinh tế