Brazil là quốc gia sản xuất đường hàng đầu, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu đường toàn cầu, thị phần tăng vọt do Ấn Độ không tham gia vào thị trường, để đảm bảo nguồn cung trong nước và thúc đẩy sản lượng ethanol. Giá đường thế giới SBc1 đã tăng lên mức đỉnh trong 7 tháng, do hậu quả của cháy rừng cùng nắng nóng kéo dài. Hạn hán kỷ lục trong năm nay ở Brazil đã khiến các nhà máy phải đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và kết thúc sản xuất đường sớm vào cuối tháng 10 tới.
Các nhà phân tích đã hạ dự báo sản lượng đường của Brazil trong năm 2024/25 xuống còn 39 triệu tấn, đồng thời thặng dư đường toàn cầu trong giai đoạn này cũng được hạ xuống chỉ còn 1,9 triệu tấn.
Tổng giám đốc điều hành Raizen Ricardo Mussa cho biết, hạn hán có khả năng kéo dài trong những tháng tới có thể làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực từ các vụ cháy, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch mía 2025/26.
Theo Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA), sản lượng đường tại khu vực chủ chốt của Brazil trong nửa đầu tháng 9/2024 đạt 3,12 triệu tấn, ổn định so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng mía nghiền trong giai đoạn này tăng 2,5% đạt 42,93 triệu tấn. UNICA đưa ra con số cao hơn một chút so với dự báo của thị trường là 3,09 triệu tấn đường và 42,64 triệu tấn mía.
UNICA lưu ý khối lượng mía được phân bổ cho sản xuất đường trong nửa đầu tháng 9/2024 bị ảnh hưởng bởi hàm lượng đường trong mía bị sụt giảm đáng kể. Theo đó, các nhà máy ở vành đai sản xuất chính của Brazil đã phân bổ 47,86% lượng mía để sản xuất đường trong nửa đầu tháng 9/2024, giảm so với mức 51,04% trong cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng ethanol trong giai đoạn này đã tăng 14,2% đạt 2,44 tỷ lít.
Nguồn cung đường toàn cầu thắt chặt sẽ tiếp tục hỗ trợ giá và BMI cho biết họ sẽ sớm nâng dự báo giá năm 2024 và năm 2025.
Đường được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và giá nguyên liệu thực phẩm tăng cao là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách đang phải chống chọi với lạm phát.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters